Chuyện về những phụ nữ gan dạ, miệt mài chăm sóc cho người "cõi âm"

Gia Khiêm Thứ hai, ngày 21/10/2024 16:09 PM (GMT+7)
Ngày làm việc đầu tiên chị Bùi Thị Ngạn mang theo hương đến thắp tại khu mộ rồi khấn: "Thưa các cụ, ông, bà… ngày đầu tiên con đến đây làm con mong ông bà phù hộ cho con có công việc ổn định, có sức khoẻ để con được chăm sóc mộ phần…". Nói rồi, chị Ngạn lặng lẽ bắt đầu công việc.
Bình luận 0

Ngày đầu đi làm mất ngủ vì chăm sóc cho người "cõi âm"

Đều đặn mỗi ngày, chị Bùi Thị Ngạn (46 tuổi, ở xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, TP Hòa Bình) dậy từ sớm chuẩn bị cho con cái ăn học rồi bắt đầu công việc chăm sóc mộ phần tại Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên.

Chuyện về những phụ nữ gan dạ, miệt mài chăm sóc cho người "cõi âm" - Ảnh 1.

Chị Bùi Thị Ngạn đã gắn bó với công việc chăm sóc mộ phần cho người đã khuất suốt 6 năm qua. Ảnh: Gia Khiêm

Công việc hàng ngày của chị Ngạn đó là lau bụi bẩn trên các mộ phần như tàn hương, lá rụng, thay hoa, cắt tỉa cây và cỏ dại tại khu vực mộ phần, quét dọn… Mặc dù công việc không quá vất vả, nặng nhọc nhưng với tính chất công việc là chăm sóc, là làm sạch nên chị Ngạn cũng phải "luôn chân, luôn tay".

Đặc biệt, vào những ngày Rằm hoặc Mồng một âm lịch hàng tháng, ngoài công việc làm sạch khu vực mộ phần, chị Ngạn phải thắp nhang trên từng mộ phần vào thời điểm trước khi bắt tay vào công việc dọn dẹp.

Chuyện về những phụ nữ gan dạ, miệt mài chăm sóc cho người "cõi âm" - Ảnh 2.

Chị Ngạn cùng người thân bê chậu cây trang trí khuôn viên nghĩa trang. Ảnh: Gia Khiêm

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, chị Ngạn nhớ lại thời khắc chuyển việc cách đây 6 năm. Hồi đó, chị làm việc tại một sân golf. Tuy nhiên, công việc giờ giấc không ổn định nên chị quyết định nghỉ rồi làm công việc chăm sóc mộ phần này.

Ngày đầu tiên đến khuôn viên nghĩa trang, chị Ngạn thấy nơi đây được quy hoạch khang trang. Tuy nhiên, đặc thù công việc mỗi người được phân công một khu vực khiến chị Ngạn không khỏi lạ lẫm xen lẫn "sợ".

Chuyện về những phụ nữ gan dạ, miệt mài chăm sóc cho người "cõi âm" - Ảnh 3.

Chị Ngạn kể ngày đầu tiên đi làm chị bị mất ngủ. Ảnh: Gia Khiêm

Ngày làm việc đầu tiên chị Ngạn mang theo hương đến thắp tại khu mộ rồi khấn: "Thưa các cụ, ông, bà… ngày đầu tiên con đến đây làm con mong ông bà phù hộ cho con có công việc ổn định, có sức khoẻ để con được chăm sóc mộ phần…" Nói rồi, chị Ngạn lặng lẽ bắt đầu với công việc chăm sóc cho người "cõi âm". 

Chuyện về những phụ nữ gan dạ, miệt mài chăm sóc cho người "cõi âm" - Ảnh 4.

Chị cẩn thận cắt tỉa, dọn dẹp sạch sẽ quanh khuôn viên mộ phần. Ảnh: Gia Khiêm

Đêm hôm đó, chị bị mất ngủ vì chưa quen công việc mới. Tuy nhiên, không phải vì thế mà nản lòng. Mỗi ngày trôi qua chị lại yêu và gắn bó với công việc này. Cả một khu chị thuộc lòng tên từng thành viên trong các gia đình có phần mộ chôn cất tại đây. Mỗi lần thấy chị dọn dẹp, người thân vui vẻ chào hỏi, động viên.

Chị Ngạn cho biết: "Vì tính chất công việc có yếu tố tâm linh, mộ phần nên bản thân tự đưa ra quy tắc cho riêng mình là trong công việc lau dọn mộ phần, sẽ lau theo quy tắc từ trên xuống dưới, từ trên bia mộ, kéo dài xuống chân từng ngôi mộ. Đây là việc liên quan đến người đã khuất nên không thể làm bừa. Hơn nữa, trước khi vào công việc, tôi luôn tự nhẩm trong miệng là xin phép người đã khuất để bắt đầu công việc làm sạch khuôn viên mộ phần".

Trọn vẹn chữ "tâm" trong công việc phục vụ người đã khuất

Cùng công việc như chị Ngạn, chị Nguyễn Thị Thành (36 tuổi, ở xã Mông Hóa, huyện Lương Sơn) cũng lựa chọn công việc chăm sóc mộ phần để thay thế cho công việc tại xưởng đóng sàn gỗ đã giải thể chỉ vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chuyện về những phụ nữ gan dạ, miệt mài chăm sóc cho người "cõi âm" - Ảnh 5.

Chị Nguyễn Thị Thành cũng lựa chọn công việc chăm sóc mộ phần để thay thế cho công việc tại xưởng đóng sàn gỗ đã giải thể chỉ vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Gia Khiêm

Khi có suy nghĩ gắn mình với công việc chăm sóc mộ phần này chị Thành cũng run, sợ. Tuy nhiên, suy xét kỹ, công việc nhẹ nhàng lại chỉ làm ban ngày, hơn nữa, có thể chăm sóc hai con nhỏ bắt đầu vào Tiểu học cơ sở và Trung học cơ sở nên chị Thành đã quyết định làm công việc này.

Chị Thành cho biết: "Công việc này đến với tôi, có lẽ là vì một chữ duyên, bởi ngay khi xưởng đóng sàn gỗ nơi tôi làm việc buộc phải giải thể, tôi đã được người quen gợi ý về công việc này. Tôi quan điểm, chồng sẽ tạo ra thu nhập chính, còn vợ sẽ gánh trách nhiệm xây dựng tổ ấm, kèm các con học mỗi tối nên tôi làm công việc này chỉ vài tiếng trong ngày. Thời gian còn lại, tôi dành cho gia đình".

Chuyện về những phụ nữ gan dạ, miệt mài chăm sóc cho người "cõi âm" - Ảnh 6.

Chị tỉ mẩn dọn dẹp cây cỏ, lá khô. Ảnh: Gia Khiêm

Điều mà chị Thành cảm thấy mãn nguyện nhất, đầu tiên là trọn vẹn chữ "tâm" trong công việc phục vụ người đã khuất, bởi chị Thành quan niệm làm công việc liên quan đến tâm linh là "trần sao, âm vậy" nên trong công việc dọn dẹp mộ phần, chị Thành luôn cố gắng làm sạch sẽ nhất có thể.

Không lựa chọn công việc dịch vụ chăm sóc mộ phần như chị Ngạn hay chị Thành, chị Nguyễn Thị Tâm (33 tuổi, ở Hòa Bình) lại quyết định làm công việc bảo vệ nghĩa trang.

Chuyện về những phụ nữ gan dạ, miệt mài chăm sóc cho người "cõi âm" - Ảnh 9.

Chị Tâm gắn bó với công việc bảo vệ nghĩa trang. Ảnh: Gia Khiêm

Chị Tâm cho biết, công việc hàng ngày của vị trí bảo vệ nghĩa trang chính là thường xuyến quan sát tất cả các mộ phần nhằm tránh những hành động phá hoại mộ; trộm cắp mộ hay gia súc xâm phạm khu vực nghĩa trang; hỗ trợ sắp xếp các phương tiện gọn gàng; hỗ trợ các gia đình trong công tác an táng…

Mặc dù công việc bảo vệ nghĩa trang có ca ngày và ca đêm nhưng là phụ nữ, lại đang có 3 con nhỏ nên chị Tâm đảm nhiệm công việc ca ngày. Bởi vậy, bất kể ngày hay đêm, chị Tâm đều có mặt tại nghĩa trang, hỗ trợ các gia đình, gia chủ đảm bảo an ninh mộ phần.

Anh Nguyễn Văn Lập (56 tuổi, ở Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) có mộ phần người thân đặt tại Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên. Hàng năm, gia đình anh Lập sẽ lên thăm mộ phần người thân khoảng 3-4 lần và 2 lần trong năm là tháng giỗ và tháng Tết Nguyên đán, anh Lập sẽ đích thân lựa chọn những chậu cây cảnh, chậu hoa mới lên đặt ở khuôn viên mộ. 

Là người ưa thích sự sạch sẽ, cầu toàn nên anh Lập càng yên tâm hơn khi người hỗ trợ gia đình anh trong công việc làm sạch mộ phần là chị em phụ nữ.

"Chúng tôi rất trân trọng những chị em làm công việc này. Họ góp phần giúp cho ngôi mộ tổ tiên luôn được sạch đẹp. Con cháu mỗi lần lên đây đều thấy vui, ấm lòng và không quên gửi lời cảm ơn", anh Lập bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem