CIA sử dụng động vật để do thám và chống khủng bố như thế nào?

Thứ hai, ngày 20/07/2020 20:32 PM (GMT+7)
Năm 1951, vào cao điểm của cuộc chiến tranh Triều Tiên, CIA đã bí mật triển khai dự án Orcon sử dụng chim câu làm nhiệm vụ do thám trên chiến trường này. Dự án Orcon được khai sinh bởi Frank Skinner, một nhà điểu học, làm việc tại bộ phận Khoa học và Kỹ thuật (STD) của CIA.
Bình luận 0

Dựa vào khả năng bay xa, nhận biết đường bay và quay về theo hướng khác của chim câu, Skinner đã tiến hành lắp đặt các thiết bị ghi hình siêu nhỏ vào ức và chân chim câu. Chim câu cũng sẽ được cho làm quen với các căn cứ quân sự của đối phương rồi được thả bay đi. Một thiết bị phát sóng vô tuyến từ xa sẽ khởi động các thiết bị do thám mà chim câu mang theo một khi chúng tiếp cận với mục tiêu. Để phục vụ dự án Orcon, Skinner đã chọn lựa được 22 chim câu có khả năng đặc biệt trong số hàng ngàn con.

CIA sử dụng động vật để do thám và chống khủng bố như thế nào? - Ảnh 1.

Chó nghiệp vụ K-9.

Tuy nhiên, những gì diễn ra trên thực tế lại khác hẳn với dự tính của Skinner. Những chim câu do thám của Skinner do không chịu được  khí hậu giá lạnh nên không còn phản ứnh nhanh nhẹn và bay loạn xạ làm vô hiệu hóa các thiết bị do thám mang theo. Sau nhiều cố gắng cải tiến, cuối cùng Skinner đành phải bỏ dở dự án Orcon vào năm 1952, cho dù CIA đã chi đến 2,5 triệu USD để triển khai dự án này.

Sau dự án Orcon, tưởng rằng CIA sẽ từ bỏ việc nghiên cứu sử dụng thú vật làm nhiệm vụ do thám. Thế nhưng, CIA lại bí mật nghiên cứu việc sử dụng mèo làm nhiệm vụ do thám trong một dự án có tên gọi Acoustic Kitty. Từ năm 1961, một nhóm chuyên viên của bộ phận STD do Victor Marchetti, một nhà động vật học từng tốt nghiệp Đại học Stanford, phụ trách, đã bắt tay nghiên cứu khả năng di chuyển nhiều mà không gây tiếng động, leo trèo giỏi và thích gần người của mèo để phục vụ công tác do thám với mục tiêu là ghi âm các cuộc trò chuyện, trao đổi, các cuộc điện đàm bên trong Sứ quán Liên Xô ở thủ đô Washington và Lãnh sự quán Liên Xô tại nhiều thành phố lớn ở Mỹ. Để đạt được mục tiêu này, CIA đã chi hàng chục triệu USD cho nhóm của Marchetti thực hiện.

Theo kế hoạch, nhóm của Marchetti tiến hành lùng sục nhiều thành phố lớn ở Mỹ để chọn ra những con mèo có khả năng đặc biệt đáp ứng được yêu cầu của dự án. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 1961, nhóm của Marchetti đã phân loại và chọn được 20 con mèo đạt yêu cầu. Những con mèo này sau đó được huấn luyện cách tiếp cận các khu nhà ở, các loại cửa sổ và cả nơi nhiều người đang trò chuyện hay nghe điện thoại theo mô hình thu nhỏ của Sứ quán Liên Xô được khẩn trương xây dựng tại Trung tâm huấn luyện của CIA ở thành phố Fairfax, bang Virginia. Bước kế tiếp là tiến hành giải phẫu nhiều bộ phận cơ thể mèo để cài đặt các thiết bị ghi âm, kể cả pin cung cấp năng lượng hoạt động cho các thiết bị này. Riêng ăngten phát tín hiệu sẽ được cấy vào đuôi mèo. Điều quan trọng quyết định thành bại của dự án Acoustic Kitty là làm thế nào để các con mèo "điệp viên" này không phản ứng khi được cấy ghép nhiều thiết bị vào cơ thể mà vẫn có thể leo trèo, chạy nhảy như những con mèo bình thường.

Từ năm 1962 đến 1965, nhóm của Marchetti đã tiến hành hàng chục cuộc thử nghiệm nhằm cải tiến hoạt động do thám của mèo sao cho phù hợp với điều kiện thực tế. Tháng 3/1966, Jeffrey Richelson, chỉ huy STD, ra lệnh khởi động dự án Acoustic Kitty với việc tổ chức do thám Sứ quán Liên Xô nằm trên đại lộ Wisconsin ở thủ đô Washington. Dưới sự chỉ huy của Marchetti, hai con mèo "điệp viên" có tên gọi Kitty 1 và Kitty 2 mang theo các thiết bị do thám trong cơ thể, được thả xuống một công viên cách mục tiêu chừng 120m. Khi tiến vào Sứ quán Liên Xô, rủi thay, mèo Kitty 2 bị một chiếc taxi cán chết. Lập tức một nhân viên CIA được lệnh phải lấy gấp xác con mèo xấu số. Riêng mèo Kitty 1, được xác định là đã thâm nhập vào Sứ quán Liên Xô nhưng lại không gửi bất cứ thông tin gì về  trung tâm chỉ huy, trong suốt 12 giờ liền. Từ đó, cho dù có tiến hành khởi động các thiết bị lắp đặt trong cơ thể mèo Kitty 1 từ xa, nhưng nhóm của Marchetti vẫn bặt vô âm tín về chú mèo "điệp viên" này.

Do lo ngại mèo Kitty 1 có thể bị nhân viên Sứ quán Liên Xô bắt giữ và phát hiện ra nhiệm vụ của nó rồi giăng bẫy cho CIA vào tròng nên Jefrrey Richelson quyết định đình hoãn dự án Acoustic Kitty vô thời hạn. Đến năm 1967, dự án Acoustic Kitty hoàn toàn bị xóa sổ. Năm 1997, khi Tổng thống Bill Clinton quyết định cho công khai một số hồ sơ của CIA trong thời kỳ chiến tranh lạnh, người dân Mỹ mới biết được sự tồn tại của dự án Orcon và Acoustic Kitty.

CIA còn huấn luyện chó làm công tác bảo vệ và chống khủng bố. Tháng 1/1991, CIA quyết định thành lập Lực lượng chó nghiệp vụ K-9 để bảo vệ các cơ sở trọng yếu của CIA do lo ngại các tổ chức Hồi giáo cực đoan sẽ khủng bố vào các cơ sở này khi Mỹ tiến hành chiến tranh tại vùng Vịnh lần thứ 1. Hàng chục nhân viên CIA tỏa về các sở cảnh sát địa phương để chọn lựa các cảnh khuyển chiến nhất. Số cảnh khuyển sau khi được chọn lựa còn phải trải qua giai đoạn kiểm tra y tế và khả năng đặc biệt. Những chú chó đạt yêu cầu phải trải qua một cuộc huấn luyện kéo dài 13 tuần về phát hiện chất nổ. Nếu qua được đợt kiểm tra này, các chú khuyển nghiệp vụ còn phải tiếp tục được huấn luyện thêm 13 tuần về kỹ năng biết thực hiện các động tác theo hiệu lệnh, kỹ năng tấn công kẻ nghi vấn và khống chế tội phạm...

Sau khi đạt được tối thiểu 700 điểm cho các lần kiểm tra, khuyển nghiệp vụ mới được công nhận là thành viên của Lực lượng K-9. Trong khi một nhân viên bảo vệ chỉ làm việc 40 giờ/tuần, thì một đội viên K-9 có thể làm việc 60 giờ/tuần, trực chiến liên tục 24/24 giờ và 7 ngày/tuần. Hiện nay, Lực lượng K-9 có 39 đội viên được phân bổ thành hai đơn vị là Đơn vị phát hiện chất nổ và Đơn vị tuần tra bảo vệ.

Hoàng Phú (Theo An Ninh Thế Giới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem