CLB Hà Nội FC của bầu Hiển và giới hạn bóng đá Việt Nam

Thứ bảy, ngày 02/05/2020 19:10 PM (GMT+7)
Cuộc chia tay của CLB Hà Nội với các chuyên gia ngoại cho thấy một thực tế khá phũ phàng với bóng đá Việt Nam: Chúng ta chưa đủ thực lực và tham vọng để sẵn sàng bước ra sân chơi châu lục.
Bình luận 0

Quyền lực bao trùm V.League

Daniel Enriquez là cựu cầu thủ nổi danh của Uruguay, từng làm việc cho nhiều đội bóng lớn trên thế giới, trong đó có Nacional, từng 3 lần vô địch Copa Libertadores. CLB Hà Nội đưa ông và chuyên gia thể lực Nicolas Galdini về sân Hàng Đẫy cuối năm 2019 với tuyên bố nâng tầm đội bóng, hướng ra châu lục.

Đó là thời điểm đội bóng của bầu Hiển vô địch V.League 2020, nổi như cồn với lứa Quang Hải và vừa bay cao khi đưa được Văn Hậu sang Heerenveen. Một năm qua, CLB Hà Nội trải qua một loạt biến động nhân sự cấp lãnh đạo đội bóng, trong đó có việc chia tay vị chủ tịch lâu năm Nguyễn Quốc Hội. Con trai bầu Hiển lên thay sau khi một người khác, ông Nguyễn Trọng Chiến, có một thời gian ngắn ngồi vị trí này.

Đó là một kế hoạch đầy tham vọng, sau khi Hà Nội gần như hội đủ mọi thứ trong tay: quyền lực của ông chủ, tài chính ổn định, lực lượng dồi dào. Trên thực tế nếu tính cả số lần được ăn mừng cúp vô địch với SHB Đà Nẵng và QNK Quảng Nam, bầu Hiển đã có niềm vui với 8 chiếc cúp vô địch V.League trong 11 năm. Đó là con số không thể thuyết phục hơn, cho thấy quyền lực bao trùm của bầu Hiển đối với bóng đá Việt Nam.

img

Quãng thời gian ngắn có mặt ở Việt Nam, chuyên gia Daniel Enriquez chỉ ra nhiều vấn đề với Hà Nội FC.

Người ta sẽ phải thấy kinh hoàng hơn nếu đi sâu vào những chi tiết khác của nền bóng đá, như số lượng những nhân tố “gần với Hà Nội” ở mọi cơ quan quyền lực như VFF hay VPF hoặc xuống thấp hơn nữa. Truyền thông là mảnh ghép cuối tạo nên quyền lực tuyệt đối cho “hệ sinh thái” của Hà Nội. Cả hệ thống bóng đá Việt Nam quy về một mối.

Ở cấp châu lục, HLV Chu Đình Nghiêm cũng đưa đội bóng vào tới bán kết AFC Cup, thành tích ngang bằng với Becamex Bình Dương năm 2009. Đó có thể là điểm cuối để Hà Nội đặt ra mục tiêu mới cho mình: hướng ra biển lớn. Việc bổ nhiệm GĐKT Daniel Enriquez và các chuyên gia ngoại nằm trong kế hoạch trên.

Đấu trường châu lục không lãng mạn như thơ

Cuộc chia tay chớp nhoáng với ông Daniel Enriquez hé lộ một thực tế phũ phàng với không chỉ riêng CLB Hà Nội. Nhìn bề ngoài, đó là kết quả mối quan hệ xung đột giữa ông Daniel với HLV trưởng CLB Hà Nội Chu Đình Nghiêm. “HLV không muốn thay đổi bất cứ điều gì, bởi ông ấy đã vô địch V.League.

HLV không muốn tuân thủ theo định hướng của tôi, vì nó có thể khiến họ xao nhãng đấu trường quốc nội. Khi ông ấy nói vậy, tôi đưa ra quan điểm: cần chấp nhận rủi ro để cải thiện đẳng cấp CLB trên cả bình diện quốc tế lẫn trong nước”. Đây là phát biểu của ông Daniel Enriquez khi giải thích về chuyến “du lịch” chóng vánh với CLB Hà Nội.

img

Thất bại trước April 25 ở AFC Cup 2019 cho thấy, Hà Nội FC vẫn chưa đủ tầm "bơi" ra biển lớn.

Tuy nhiên xâu xa hơn, có thể thấy Hà Nội chứ không phải HLV Chu Đình Nghiêm, chưa hề sẵn sàng cho những mục tiêu vượt ra ngoài V.League. “Văn hoá có thể khác nhau, nhưng bóng đá là bóng đá, ở đâu cũng vậy thôi”. Đó là lý lẽ không thể thuyết phục hơn ông Daniel chỉ ra cho những người làm bóng đá Việt Nam, không riêng đội bóng của bầu Hiển.

Có thể những lời tung hô quá mức của truyền thông “sân sau” đã khiến CLB Hà Nội thực sự cho rằng họ đang ở tầm châu lục, cho tới lúc phải bắt đầu từ những viên gạch đầu tiên. Chuyên gia Daniel Enrique, bằng kinh nghiệm làm việc tại nhiều đội bóng châu Á, đã đánh giá họ thiếu rất nhiều để có thể cạnh tranh với các đại diện Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc.

Đánh giá trên là có cơ sở để tin, khi thực tế tại AFC Cup 2019, thể thức mới khiến cho Hà Nội cũng chỉ phải gặp những đối thủ vừa tầm. Trước đó, đội bóng của bầu Hiển đã thua đậm Shandong Luneng (Trung Quốc) thuộc đấu trường AFC Champions League tới 1-4 ở trận đấu bầu Hiển treo thưởng cho thầy trò ông Nghiêm tới 4 tỷ đồng. Và hãy nhớ rằng ngay khi vừa tạo nên cột mốc mới cho chính mình ở AFC Cup, Hà Nội lại bị AFC tước quyền dự tranh mùa giải sau vì không đạt chuẩn (thiếu đội U15 dự giải quốc gia).

Khi bước ra đấu trường châu lục, CLB Hà Nội đã không còn những lợi thế chỉ mình mới có như tại V.League. Đó sẽ là cuộc chơi sòng phẳng, phản ánh chính xác hơn thực lực của họ. Vấn đề với bóng đá Việt Nam rất rõ: ngay cả một đội bóng như Hà Nội cũng chưa thể bứt ra khỏi chiếc áo nhỏ, thế thì bao giờ bóng đá Việt Nam mới thực sự có thể nghĩ tới đấu trường châu lục?

Triệu Vân (Webthethao)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem