Như vậy là sau khi kết thúc mùa giải, CLB TP.HCM xếp ở vị trí thứ 12 sau trận thua SLNA ở vòng đấu cuối, chỉ hơn CLB Nam Định, đội bóng đá trận play-off trụ hạng đúng 3 điểm. Chỉ ít ngày sau khi V.League 2018 khép lại, CLB TP.HCM đã chính thức nói lời chia tay với HLV trưởng Toshiya Miura.
Dĩ nhiên, đây là kết quả cực kì thất vọng với đội bóng được đầu tư rầm rộ cùng mục tiêu lọt vào top 3 ở đầu mùa giải. Nhưng nhìn vào những diễn biến của CLB từ đầu năm 2018 đến giờ, liệu có nên quy hết trách nhiệm về ông thầy người Nhật cho thành tích bết bát như trên?
HLV Miura.
Khoan bàn tới về mặt chuyên môn, những câu chuyện đằng sau hậu trường đã cho thấy nội tình CLB TP.HCM rối ren như thế nào trong mùa giải 2018. Vụ việc quyền chủ tịch Lê Công Vinh xin từ chức vào ngày 2 tháng 5 đã gây xôn xao dư luận sau những gì anh đã đóng góp cho đội bóng với việc mang ông Miura về đội chủ sân Thống Nhất, và thực hiện hàng loạt bản hợp đồng đình đám như Phi Sơn, Đình Luật, Sầm Ngọc Đức,… Rồi sau đó, vào cuối tháng 5, công ty Bình Minh – đơn vị giữ vai trò bảo trợ cho CLB TP.HCM – đã gửi công văn lên lãnh đạo TP HCM, với thông điệp rằng trong vòng 30 ngày họ sẽ xin giải thể CLB nếu không được hỗ trợ cơ chế giải cứu về tài chính.
Đã có những thời điểm, người ta đã lo rằng một CLB non trẻ như TP.HCM sẽ rất khó trụ lại V.League nếu như không có cơ chế, chính sách đúng đắn về quản lý tài chính. Tuy nhiên sau đó, bà Mae Mua – Giám đốc điều hành CLB đã lên tiếng trấn an dư luận khi khẳng định: “CLB TP.HCM là đội bóng của nhân dân TP.HCM, công ty Bình Minh chỉ là đơn vị bảo trợ đội bóng, còn quyền quản lí đội vẫn thuộc về Uỷ ban Nhân dân TP HCM và các Sở ban ngành khác. Do đó, đội bóng là tải sản của TP.HCM. Chúng tôi sẽ trình Uỷ ban để tìm hướng giải quyết”.
Sau khi Lê Công Vinh rời ghế quyền chủ tịch, Nguyễn Hữu Thắng, cũng là một cựu HLV Đội tuyển quốc gia Việt Nam khác, lên tạm quyền. Song có thể thấy, sự liên lạc giữa hai con người vốn từng có thời gian lên nắm tuyển là rất hạn chế. Hữu Thắng lên thay nhưng người ta thấy ông hầu như chẳng có vai trò gì quan trọng như Lê Công Vinh đã làm. Việc hỗ trợ và trao đổi về chiến thuật với ông thầy người Nhật cũng gần như không có, trong khi hai người dẫu sao cũng đều là (hoặc đã từng là) HLV. Công Vinh thì khác, anh hầu như theo dõi các trận đấu của đội nhà trên khán đài, thỉnh thoảng anh còn trao đổi với Miura trong cabin của ban huấn luyện.
Về chuyên môn, tuy đã có thời gian lâm vào khủng hoảng trầm trọng với chuỗi 13 trận không thắng từ vòng 6 đến vòng 18 V.League, nhưng sau đó đội bóng của “thầy Miu” dẫn dắt cũng đã có những khởi sắc trong 8 vòng đấu cuối cùng. Điển hình là hai trận thắng trên sân nhà Thống Nhất, lần lượt là 5-3 trước HAGL và 5-0 trước “người hàng xóm” Sài Gòn FC. Khi Matías Jadue rời khỏi đội, người ta đã nghi ngại việc TP.HCM quá phụ thuộc vào chân sút này từ đầu mùa khiến cho đội bóng có thể xuống hạng. Nhưng rốt cuộc, chính Miura đã thực hiện đúng lời khẳng định của ông: “TP.HCM không hề phụ thuộc vào bất cứ cầu thủ nào cả!”
Tóm lại, nếu xét về mặt tổng thể, việc TP.HCM chỉ lo “trụ hạng” những vòng cuối dẫu có lỗi một phần thuộc về chiến lược gia người Nhật, song không thể quy kết hết trách nhiệm cho ông, để rồi CLB quyết định sa thải ông nhanh chóng chỉ sau hai ngày kết thúc V.League. Suy cho cùng, Miura vốn chỉ là “con tốt thí” trong một ván cờ mà Ban lãnh đạo CLB TP.HCM đã sai ngay từ những nước cờ đầu tiên!
PQV (Foxsports/VN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.