Clip: Bà chủ vườn lan kể chuyện gian nan thời khởi nghiệp
Chị Trần Thị Mỹ Trinh kể, trước đây chị từng đi làm công nhân cho xí nghiệp, sau đó nghe chi hội nông dân xã hướng dẫn mới quyết định chuyển nghề. Tận dụng quỹ đất nhà 500m2, chị bắt đầu học trồng lan mokara cắt cành.
Chị nhớ lại thời gian đầu cũng rất lo lắng vì không có đầu mối nào quen để bán ra thị trường. Khi vườn hoa nở được 20 cành, chị đi xe đạp tìm các vườn khắp huyện để ký gửi nhờ bán hộ. Nhưng lúc đó rộ vườn, các vườn cũng bán không chạy.
Nhìn ra xung quanh, thấy các chị em học viên ai cũng trồng nhỏ lẻ như mình, đến mùa thì nở dăm ba chục cành, không biết bán ra sao và bán bao nhiêu tiền một cành. Thế là, mọi người bàn lại với nhau phải tự đi tìm mối.
“Hồi đó còn chưa biết chạy xe máy, phải ôm bó hoa đón xe buýt xuống chợ Bến Thành (quận 1) chào hàng cho các shop hoa. Người ta thương mình nông dân thật thà rồi dần dà mới đặt hàng nhiều hơn”, chị Trinh kể.
Trồng hơn nửa năm thì Trung tâm công nghệ sinh học hỗ trợ thêm cho chị 500 gốc lan. Cứ thế chị nhân giống rồi gom góp dần lên. Đến nay, chị đã mở rộng diện tích lên 6.000 m2 và phát triển trồng mở rộng lên 30.000 gốc lan.
Mô hình trồng lan mokara cắt cành của chị Trần Thị Mỹ Trinh đang góp phần phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ngoài ra, chị Trinh còn gom thêm hoa lan từ 30 vườn lớn nhỏ khác trong và ngoài huyện để giao hàng cho nhiều nơi. Các vườn lan ở Bình Dương, Tây Ninh biết tiếng cũng tìm đến giao hoa giá sỉ. Tính trung bình, mỗi tuần chị giao khoảng 35.000 - 40.000 cành lan mokara. Trừ hết chi phí, chị thu lời 60 triệu đồng mỗi tháng.
Bà Phan Võ Thúy Phượng, Chủ tịch xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) cho biết mô hình trồng lan mokara cắt cành của chị Trinh là một trong những điển hình phát triển kinh tế từ phong trào phát động xây dựng nông thôn mới.
Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, vườn lan chị Trinh cung cấp giống, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho những hộ nông dân đi theo mô hình của mình. “Hiện, xã đang hỗ trợ pháp lý để chị Trinh liên kết các nông dân khác, phát triển lên hợp tác xã trồng mokara cắt cành để góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương”, bà Phượng cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.