Clip: "Cò vé" hoạt động rầm rộ ở Bến xe Miền Đông

Thứ ba, ngày 06/02/2018 12:57 PM (GMT+7)
Không chỉ xuất hiện "cò" lôi kéo hành khách, mà chính nhân viên bán vé trong quầy tại Bến xe Miền Đông cũng bán vé phá tuyến, sang tay, "bán khách" để hưởng tiền chênh lệch.
Bình luận 0

Không chỉ xuất hiện "cò" vé chèo kéo khách, mà chính nhân viên quầy bán xe cũng bán "khách", bán phá tuyến để ăn hoa hồng tại Bến xe Miền Đông.

Cận Tết, không khí ở các bến tàu, bến xe càng nhộn nhịp khi nhu cầu về quê đón năm mới của người lao động tăng cao. Tại Bến xe Miền Đông, trong khi giao thông bên ngoài kẹt cứng, ùn tắc kéo dài khiến các phương tiện "chôn bánh" nhiều tiếng đồng hồ, không thể di chuyển; trong bến xe, hành khách cũng đang bị chèo kéo, ngã giá, sang tay, bán qua lại giữa các nhà xe.

Giá vé trên trời

20 tháng Chạp (5.2 dương lịch), Bến xe Miền Đông nhộn nhịp cảnh người đến tìm vé về quê ăn Tết.

img

Loạn giá vé xe ngay tại quầy bán vé. Ảnh: Ngân Giang.

Anh Trần Bình Minh (38 tuổi, trú tại Nguyễn Tri Phương, quận 5, TP.HCM) đến nơi đây để mua vé xe cho hai vợ chồng và con gái 7 tuổi về quê. Vừa bước vào phòng bán vé, anh được hai người đàn ông tiếp cận, mời chào mua vé xe Tết. Khi hỏi giá vé về huyện Đô Lương, Nghệ An, vào ngày 25 tháng Chạp, anh được báo giá vé 1,2 triệu đồng, bao ăn uống dọc đường.

"Đặt cọc trước 400.000 đồng, chủ xe sẽ xuất vé, cứ ngày là ra bến, lên xe, trả nốt tiền còn lại là đi. Xe chạy 1 ngày rưỡi là tới nơi", người này tiếp thị.

"Cò" khẳng định thêm giá này là giá niêm yết của hãng xe, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, bảo hiểm,... chứ không tự ý "hét" nên khách không sợ bị lừa. Trong trường hợp khách đổi ý không đi, cứ tới tận nhà xe, trả vé, lấy lại tiền. 

Khi anh Minh tỏ ra e dè vì giá quá đắt, tuyến này ngày thường anh chỉ mua khoảng 650.000-750.000 đồng, thì hai người đàn ông khẳng định mình đã bán vé ở đây nhiều năm, có uy tín, làm việc để giúp đỡ những người chưa mua được vé xe về quê chứ không "ăn của ai đồng nào".

"Không mua nhanh là hết đường về quê. Ở đây chỉ bán tới 23 tháng Chạp. Ông Táo về trời là không ai bán vé cho anh chị nữa. Tết nhất tới nới rồi", một "cò vé" nói với anh Minh..

img

Bảng giá cước phụ thu Tết của các tuyến xe chạy cố định tại Bến xe Miền Đông. Ảnh: Ngân Giang.

Sau một hồi tham khảo, dù không đồng ý với chi phí quá cao so với quy định nhưng vì cần gấp vé và vé xe khách rẻ hơn so với vé tàu lửa hay máy bay, anh Minh "cắn răng" bỏ khoản tiền gấp đôi ngày thường để được về quê.

Trong vai một hành khách cần tìm mua vé đi tuyến TP.HCM - Hà Nội, Zing.vn có mặt ở Bến xe Miền Đông, ngay lập tức, các "cò vé" tiến tới chèo kéo, ra giá 1,6 triệu đồng cho chặng TP.HCM - Bến xe Giáp Bát, bao ăn 3 bữa, và 1,5 triệu đồng nếu không ăn.

Khi phóng viên không đồng ý giá này và muốn mua vé ở quầy, người này tiếp tục đeo bám và khẳng định không quầy nào có vé rẻ hơn của anh ta. 

"Ngày thường giá 750.000 đồng, nhưng ngày Tết đường xá đi lại khó khăn hơn, xăng dầu cũng tăng, tới xuất ăn dọc đường còn lên giá thì vé xe cũng phải tăng theo", "cò" nói thêm và khẳng định với giá này anh ta chỉ "ăn" được 200.000 đồng tiền công.

Nhân viên bán vé 'sang tay' khách

Tạm biệt "cò" vé, chúng tôi tiếp tục tới mua vé tại quầy thì cũng "hoa mắt" bởi giá mà nhân viên bán vé đưa ra. 

Tại quầy số 15, nhân viên báo giá tuyến TP.HCM - Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) khởi hành trong ngày là 1.450.000 đồng, bao ăn dọc đường. Khi thấy khách chần chừ vì giá cao, người này cho biết sẽ giảm 100.000 đồng.

"Hôm nay mua thì còn vé, chứ mai là hết sạch. 'Cưng' muốn về quê thì chịu khó mua giá cao một chút. Chị có quen biết mới mua giúp, chứ giờ này làm gì còn ai bán nữa mà trả giá. Tới 23 tháng Chạp, ở đây nghỉ hết", nhân viên bán vé cho biết. Trên bảng niêm yết, giá vé các tuyến đường đã bị xóa sạch, lý do là "mỗi ngày chủ báo một giá, nên xóa đi để khỏi mất công ghi lại".

Tình trạng bán vé phá tuyến, "sang tay", "bán khách" cho nhà xe khác tiếp tục diễn ra tại quầy số 90, của công ty V. Nhân viên quầy này sau khi nghe phóng viên hỏi vé lập tức nhấc điện thoại gọi hỏi về thông tin chuyến xe.

Sau đó, một người xưng là lái xe tới đưa một tờ giấy photo, gọi là vé xe cho phóng viên và thu 1,6 triệu đồng. Trong khi đó, theo giá niêm yết của hãng này, giá vé loại 1 cho tuyến Bến xe Miền Đông - Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) là 690.000 đồng, giá vé giường nằm là 860.000 đồng.

Nhân viên quầy dặn kỹ: "Đúng 19h có mặt tại bến, lên xe H.L.". Như vậy, khách mua của một hãng, nhưng lại lên xe của một hãng khác. Điều này có nghĩa, khách hàng đã bị sang tay ngay tại quầy bán vé ở bến. 

Hoang mang đường về quê

img

Theo thống kê, vào ngày cao điểm, Bến xe Miền Đông phục vụ trên 50.000 hành khách. Ảnh: Tùng Tin.

Dạo quanh các quầy vé tại Bến xe Miền Đông, hành khách không khỏi chóng mặt khi quầy nào cũng treo bảng giá phụ thu ngày tết. Theo đó, các doanh nghiệp vận tải hoạt động trên tuyến cố định tại bến xe này được các cơ quan chức năng khống chế mức giá vé đi các tỉnh thành vào khoảng 10 ngày trước Tết, chỉ được phụ thu 20-60% so với ngày thường.

Phần lớn các tuyến đường tăng 20% từ 12-16 tháng Chạp, tăng 40% từ 17-19 tháng Chạp, và 60% từ 20-30 Tết. Các tuyến ngắn đi Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tăng 20-60% tùy thời điểm.

Quầy vé của các hãng xe thương hiệu như Phương Trang, Thuận Thảo, Chín Nghĩa, Minh Phương, Năm Rùm đã hết vé vào các ngày cao điểm cận Tết từ nhiều ngày trước. 

Bên ngoài bến, các doanh nghiệp treo biển quảng cáo giá vé xe tết với giá cao gấp đôi, gấp ba ngày thường. 

Theo thống kê, trong khoảng 10 ngày trước Tết, Bến xe Miền Đông sẽ có khoảng 400.000 hành khách về quê, có ngày cao điểm phục vụ trên 50.000 hành khách, tăng gấp 2,5 lần so với ngày thường.

Ngân Giang (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem