Tù lu là một trò chơi dân gian mang tinh thần thượng võ, thể hiện sự khéo léo, sức mạnh của các chàng trai người dân tộc Mông.
Đánh Tù lu hay còn được gọi là đánh con quay. Tiếng Mông Trắng gọi là “Tầu ví vòng”; tiếng Mông đỏ gọi là “Tầu tù lu”… Đến với bản Thớ Tỷ (xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo – Điện Biên), chúng tôi đã bị thu hút nhiều thời gian khi thấy con em người Mông đỏ ở đây chơi Tù lu.
Chơi Tù lu là bản sắc văn hóa, thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên trong cộng đồng làng, bản đồng bào dân tộc Mông
Chia sẻ với Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, em Và A Giống (sinh 2003, bản Thớ Tỷ, xã Ta Ma), hồ hởi nói: “Chúng em chia thành 2 đội để chơi. Một đội thả quay, đội còn lại tìm cách ném con quay của mình làm sao trúng được các con quay của đội thả. Ai ném trúng và làm đổ con quay đang quay mà con quay của mình vẫn còn tiếp tục quay là thắng cuộc, lượt tiếp theo mình vẫn sẽ được ném tiếp. Ai ném không trúng hoặc trúng nhưng không làm đổ con quay đối phương thì đến lượt sau mình sẽ về đội thả quay”.
Sân chơi thường là bãi đất rộng. Phía đối diện phải có ta luy cao để tránh Tù lu rơi xuống vực và đảm bảo an toàn cho người xem
Trò chuyện với một số già bản ở đây, được biết: Muốn có con quay chắc chắn, đánh không bị vỡ hoặc nứt thì Tù lu phải được làm từ những loại gỗ cứng như nghiến, lim, sến, gốc táo Mèo… Ở bản đây, đa số được làm từ gỗ nghiến, tiếng Mông Đỏ gọi là “thỉ mủ”. Một con quay chuẩn, đủ sức đi thi đấu, thường có đường kính từ 8 – 10 cm, nặng khoảng nửa cân. Tù lu (con quay) được chia thành 2 đầu, một đầu được gọt nhọn và đóng một chiếc đinh vào nếu không may va phải đá không bị mòn, đầu còn lại gọt bằng phẳng.
Người làm Tù lu phải là những người có bàn tay khéo léo, biết chọn gỗ, gọt làm sao chiếc con quay cân bằng thì Tù lu mới quay lâu và giữ được độ bền
Ngoài Tù lu ra thì còn có sợi dây được làm bằng lanh hoặc dây thừng loại bé, tiếng Mông gọi là “Lua”, nối với một đoạn gậy làm bằng gỗ hoặc cây trúc rừng, dài khoảng 40 – 50 cm tùy từng thể hình từng người chơi.
Người chơi Tù lu thường quấn quay theo chiều tay thuận của mình
Thi đánh Tù lu thường được tổ chức ngày tết, ngày lễ lớn của người Mông. Cũng như bắn nỏ, thổi khèn… đánh Tù lu là dịp để các chàng trai thể hiện tài năng, sự nhạy bén, sự khéo léo và sức mạnh để chinh phục và tìm kiếm bạn đời từ các cô gái Mông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.