Clip: Người Tày vót cây hoa dâu, ra suối múc nước để đón Tết

Gái Lành - Nguyễn Quý Thứ năm, ngày 15/02/2018 15:33 PM (GMT+7)
Khi vạn vật sinh sôi nảy nở, những cánh hoa đào đá khoe sắc báo hiệu mùa xuân tới cũng là lúc đồng bào Tày ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) chuẩn bị đón Tết. Phong tục đón Tết của đồng bào nơi đây vẫn được bảo tồn, gìn giữ và mang nét riêng.
Bình luận 0

Độc đáo phong tục đón Tết của người Tày ở Bình Liêu.

img

Người Tày vót cây hoa dâu để chuẩn bị cho ngày mùng 1 Tết.

Đối với người Tày, Tết Nguyên đán là Tết quan trọng nhất trong năm. Theo quan niệm của người Tày, ngày Tết trong nhà phải sạch sẽ thì cả năm mới gặp nhiều may mắn. Để chuẩn bị đón năm mới, cả gia đình cùng tập trung quét dọn, trang trí lại nhà cửa và bàn thờ tổ tiên. Sáng 30 Tết, người Tày thường vào rừng chặt cây nêu để quét dọn mạng nhện, trần nhà. Khi nhà cửa được dọn dẹp, chủ nhà sẽ dựng cây nêu trước nhà, dán giấy đỏ lên bàn thờ, cửa chính, cửa bếp và chuồng trại, vật dụng, cây cối. Sau đó họ bắt đầu thịt gà, sửa soạn mâm cúng.

img

Dán giấy đỏ trước cửa nhà chuẩn bị đón Tết.

Mọi công việc đều được làm nhanh chóng để phục vụ cho lễ cúng tiễn đưa năm cũ, đón năm mới và mời tổ tiên về ăn Tết. Khi mọi thủ tục xong, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau thưởng thức bữa cơm tất niên - bữa cơm sum họp gia đình. Đây là dịp để anh em họ hàng tụ tập, hàn huyên sau một năm lao động vất vả. 

img

Chủ nhà dắt con cháu xuống suối để lấy nước mang về rửa mặt mũi, chân tay.

Vào sáng mùng 1 Tết, chủ nhà sẽ dậy thật sớm, dắt theo con cháu xuống suối để lấy nước mang về rửa mặt mũi, chân tay. Khi đi mang theo những vật phẩm đã được chuẩn bị sẵn từ đêm hôm trước như cành hoa dâu, vàng hương, xôi vàng. Cành hoa dâu được bóc vỏ lấy dao thật sắc gọt từng lớp thân dâu để tạo thành những bông hoa, mỗi thân dâu có từ 3 đến 5 tầng hoa, bên trên cây có cắm cây hương và giấy kim ngần (một loại vàng mã có hình vuông, màu vàng). Xôi vàng là loại xôi có màu vàng được tạo thành từ gạo nếp và quả của cây dành dành. Người Tày quan niệm, cành hoa dâu có tác dụng xua đuổi các ma xấu, đem về những điều tốt lành nhất cho gia đình trong cả một năm.

img

Vỏ cây dâu được buộc vào các hòn đá cuội mang về nhà bỏ vào chuồng gà, chuồng lợn với mong muốn cầu cho gia đình cả năm mùa màng bội thu, nuôi được trâu bò đầy chuồng, lợn gà đầy sân.

Tại điểm lấy nước, chủ nhà sẽ chọn hướng nước chảy, sau khi cắm cành hoa dâu, cắm hương, chủ nhà lầm rầm khấn: “Lấy nước hướng Nam không làm cũng giàu có, lấy nước hướng Đông ăn sung mặc sướng”, rồi múc lấy nước để gánh về dùng.

img

Các vật dụng trong nhà phải được lau dọn sạch sẽ trước khi cúng.

Theo ông Phan Ngọc Sinh – người dân bản Đồng Thanh, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu: “Người Tày quan niệm nước suối là thứ nước mát lành, trong sạch, đem về rửa mặt, chân tay thì cả năm sẽ được trong sạch và mát mẻ như suối đầu nguồn. Người nào đến được điểm lấy nước trước sẽ lấy được nhiều may mắn, tài lộc về nhà”. Trong quá trình chờ chủ nhà lấy nước, những thành viên trong gia đình sẽ lấy vỏ cây dâu buộc vào hòn đá có hình dài và mang về nhà tung vào chuồng gà, chuồng lợn với mong muốn cầu cho gia đình cả năm mùa màng bội thu, nuôi được trâu bò đầy chuồng, lợn gà đầy sân.

img

Sau khi sửa soạn xong, chủ nhà tiến hành cúng tổ tiên.

Khi nước được gánh về, chủ nhà sẽ cho lên bếp đun với lá mùi già để cả nhà rửa mặt. Sau đó, tiếp tục sửa soạn mâm cũng tổ tiên và bữa cơm gia đình. Vào ngày mùng 1 Tết, người Tày thường kiêng không quét nhà mà rác sẽ được để vào một góc nhà bởi họ quan niệm, quét nhà sẽ quét tài lộc theo ra khỏi nhà. Đồng thời, họ cũng tránh không sát sinh và không động thổ, không đánh nhau và kiêng tiếng khóc, thay vào đó mọi người sẽ cùng nhau quây quần bên mâm cơm thưởng thức những món ăn truyền thống của dân tộc, người già dặn dò con cháu đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Họ cùng chia sẻ những niềm vui trong năm cũ, cùng nâng chén chúc nhau những lời chúc tốt lành đầu năm.

img

Âm thanh rộn rã của tiếng đàn tính, lời hát Then ngọt ngào, tiếng cười vui hòa cùng chén rượu nồng và lời chúc một năm mới nhiều may mắn, sung túc.

Trong không khí ngập tràn sắc xuân, những phong tục tập quán đặc sắc ngày Tết vẫn được các thế hệ người Tày nơi đây bảo tồn. Âm thanh rộn rã của tiếng đàn tính, lời hát Then ngọt ngào, tiếng cười vui hòa cùng chén rượu nồng và lời chúc một năm mới nhiều may mắn, sung túc càng làm cho không khí ngày xuân trên các bản làng người Tày thêm rạo rực, ấm áp đượm tình người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem