Độc đáo tục gói bánh chưng bố, mẹ của người Tày Bình Liêu

La Lành - Nguyễn Quý Thứ ba, ngày 13/02/2018 13:00 PM (GMT+7)
Những ngày cuối năm, khắp các bản làng nơi vùng cao Bình Liêu (Quảng Ninh) nhộn nhịp người đi chợ phiên mua cành đào, hoa quả, bánh mứt kẹo và không quên chuẩn bị nguyên liệu làm bánh chưng. Nếu như ở miền xuôi, người dân thường gói bánh chưng vuông thì người Tày lại gói bánh chưng dài, đặc biệt còn gói thêm bánh chưng bố, bánh chưng mẹ.
Bình luận 0

Từ xa xưa, bánh chưng đã trở thành vật phẩm không thể thiếu trong ngày Tết của mỗi gia đình. Với đồng bào Tày Bình Liêu, món bánh chưng còn thể hiện nét văn hóa truyền thống độc đáo của người dân vùng cao nơi đây. 

Người Tày thường có câu nói quen thuộc “Nhì hả khả mè toong” (dịch nghĩa: Ngày 25 rửa lá dong), do đó vào ngày 25 Tết, khắp các bản làng vùng cao, bà con rộn ràng rủ nhau ra bờ suối rửa lá dong để chuẩn bị gói bánh. Ngày nay, việc rửa lá dong không diễn ra ở bờ suối như trước, mà mỗi nhà tự rửa tại gia đình mình. Công việc chuẩn bị nguyên liệu và gói bánh đều do các mẹ, các chị đảm đương.

img

Các thành viên trong gia đình người Tày tập trung gói bánh.

Nguyên liệu để làm bánh được người dân chọn lựa kỹ càng từ gạo, thịt, lá dong, lá kim lông và lạt buộc. Nguyên liệu chính là gạo nếp bản. Nhân bánh chưng gồm có thịt lợn và lá kim lông, ngoài ra có thể có thêm nhân đỗ xanh tùy sở thích của mỗi gia đình. Miếng thịt được thái dài chừng 15cm. Gạo thường được người dân ngâm trước khi gói.

Công đoạn gói bánh chưng đòi hỏi sự khéo léo để đảm bảo cho chiếc bánh vừa đẹp mắt, các góc đều nhau. Nếu gói quá chặt tay, bánh sẽ bị nghẹt nước. Nếu gói quá lỏng, bánh sẽ bị nhão. Do đó, gói chiếc bánh chưng dài mà thân tròn đẹp là cả một kỹ thuật độc đáo của người Tày mà không phải ai cũng làm được. Người Tày gói nhiều bánh chưng để dùng suốt trong dịp Tết, để cho con rể mang biếu bố mẹ vợ, mang biếu anh em, họ hàng, để dành cho con cháu mang đi học xa và để ra Giêng dùng sau khi đi làm đồng về. Người Tày còn quan niệm, khi nào hết bánh chưng mới hết Tết.

Ngoài gói bánh chưng dài, một số dòng họ người Tày còn gói thêm bánh chưng bố, bánh chưng mẹ. Bánh ở đây có hai loại: hình dài và hình tròn. Tùy theo từng dòng họ mà có cách gói khác nhau.

Theo ông Lương Thiêm Phú (thôn Chang nà, xã Tình Húc), một số dòng họ thường gói bánh chưng bố, bánh chưng mẹ hình dài, kích cỡ lớn hơn những chiếc bánh chưng dài bình thường (nếu như gói bánh chưng thường khoảng 3 bát gạo thì khi gói bánh chưng bố, bánh chưng mẹ, số lượng gạo sẽ gấp đôi). Ngoài ra, một số người quan niệm mỗi một bát gạo tượng chưng cho 1 tháng, do đó khi gói bánh chưng bố, bánh chưng mẹ, họ sẽ cho 12 bát gạo, tuy nhiên đây chỉ mang tính tượng trưng. Còn đối với một số dòng họ sẽ gói một chiếc bánh dài và một chiếc bánh tròn. Nhân bánh thường là nhân cá và trứng gà. Cá ở đây thường là loại cá suối có vẩy trắng. Người Tày quan niệm, cá là biểu tượng cho nguồn nước và sự no đủ, thịnh vượng. Trứng gà thường là trứng gà bản do dân tự nuôi được và thường mang ý nghĩa tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở.

img

Bánh dài tượng trưng cho mẹ, bánh tròn tượng trưng cho bố để thờ cúng tổ tiên trong ngày Tết.

Nếu như gói bánh chưng dài (bánh con) cần độ tỉ mỉ thì việc gói bánh chưng bố, bánh chưng mẹ đòi hỏi kỹ thuật cao hơn và khéo léo hơn. Việc này thường do những người có kinh nghiệm gói bánh lâu năm thực hiện.

Theo bà Vi Thị Hỷ (thôn Chang Nà, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu), từ thời cha ông để lại, năm nào cũng vậy, gia đình bà đều gói bánh chưng bố, bánh chưng mẹ để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Đây là loại bánh thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với ông bà và cầu mong cho một mùa màng bội thu, một cái Tết đầm ấm.

Bánh chưng khi được gói xong, sẽ được cho vào nồi luộc từ 12 đến 18 tiếng. Bánh chín sẽ được vớt ra rửa qua nước sạch và để khô. Đến ngày 30 Tết, chủ nhà sẽ đặt bánh chưng bố, bánh chưng mẹ lên bàn thờ để cúng tổ tiên.

img

Mâm cúng tổ tiên ngày Tết của người Tày không thể thiếu bánh chưng.

Người Tày quan niệm, bánh chưng bố, bánh chưng mẹ dù có bị mốc, lên men cũng không được cho ai hoặc không được đem về rán mà chỉ được luộc lại để ăn vào ngày 15 tháng Giêng. Vào ngày này, nếu người nào vô tính đến nhà chơi mà gặp chủ nhà mở bánh, cả năm người đó sẽ gặp may mắn, sung túc.

Với người Tày Bình Liêu, gói bánh chưng trở thành một phong tục tập quán, nét văn hóa trong các gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về. Chiếc bánh chưng không chỉ là món ăn mà còn là niềm vui sum họp mang lại không khí gia đình ấm áp trong những ngày đầu năm mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem