Người dân bức xúc khi trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) hoạt động, thu phí từ ngày 1.8.2017.
Từ chiều 14.8, Trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ Cai Lậy (BOT Cai Lậy) đã xả cửa tự do vì vấp phải sự phản ứng dữ dội từ các tài xế trước đó.
BOT Cai Lậy bắt đầu hoạt động từ ngày 1.8, đến nay đã có 4 lần xả trạm. Trước đó, trạm xả cửa lần đầu vào ngày 9.8, hai lần vào ngày 13.8.
Vào những ngày có thu phí, trạm BOT Cai Lậy luôn trong trạng thái ùn ứ, kẹt xe kéo dài hàng km do các tài xế mua vé bằng tiền lẻ. Tuy nhiên, khi được xả cửa, khu vực trạm thu phí trở nên thông thoáng, vắng lặng.
Lý giải về việc xả trạm, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang, cho biết: "Trước mắt, trạm phải xả để giữ an ninh trật tự, tránh gây ùn tắc trên quốc lộ. Còn thời gian đơn vị đầu tư xả trạm bao lâu, khi nào thu lại, chúng tôi đang xin ý kiến cấp trên".
Trong ngày 15.8, các cabin của BOT Cai Lậy hoàn toàn để trống. Toàn bộ nhân viên thu ngân đều được cho nghỉ.
Bên trong cabin, màn hình máy tính vẫn mở nhưng không có người làm việc.
Lác đác vài nhân viên bảo vệ trông giữ tài sản tại trạm.
Đèn tín hiệu luôn ở màu xanh, barie luôn mở, các phương tiện thoải mái qua lại tại trạm.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc phản ứng của các tài xế là do phí dịch vụ tại BOT Cai Lậy được cho là quá cao. Mức thu phí nằm trong khoảng từ 35.000-180.000 đồng/lượt.
Trong đó, các tài xế lái xe tải là nhóm chịu phí cao nhất và cũng là những người phản ứng dữ dội nhất, với mức giá lên đến 180.000 đồng cho xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên.
Các tài xế yêu cầu dời trạm BOT vào đường tránh vì đó mới là tuyến đường được đầu tư. Có tài xế cũng yêu cầu giảm giá vé qua trạm.
Làm việc với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục Đường bộ Việt Nam ghi nhận những bức xúc của dư luận để giải quyết có tình, có lý. Ông cho biết Bộ sẽ họp bàn về vụ việc này trong tháng 9.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt trên quốc lộ 1 khiến tài xế, người dân bức xúc. Đồ họa: Minh Trí.
Liêu Lãm (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.