Bộ GTVT “ưu tiên” phương án giữ nguyên trạm BOT Cai Lậy

Trung Anh Thứ năm, ngày 03/05/2018 19:43 PM (GMT+7)
Về phương án xử lý sự việc xảy ra tại BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong 2 phương án được đưa ra, phương án một là giữ nguyên trạm hiện tại, giảm mức thu từ 35.000 xuống 15.000 với xe con là ưu việt nhất.
Bình luận 0

img

BOT Cai Lậy từng nhiều lần phải xả trạm (Ảnh minh họa)

Trạm thu phí BOT Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần sửa chữa quốc lộ 1 dài 26,5 km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.

Trạm hoạt động từ ngày 1.8.2017, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí khiến chủ đầu tư phải xả trạm nhiều lần. Tới ngày 4.12.2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tạm dừng thu phí trạm này từ 1 - 2 tháng để tiếp tục làm rõ những vấn đề còn tồn tại và giao Bộ GTVT đề xuất phương án.

Ngày 30.1.2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương báo cáo Thủ tướng các phương án giải quyết.

Chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4.2018 về phương án xử lý sự việc xảy ra tại BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng 5 phương án và phân tích ưu, nhược điểm cụ thể. Đồng thời lượng hoá, quy đổi giá trị mỗi phương án thành thời gian thu phí bao nhiêu lâu...

Theo kết luận tại cuộc họp ngày 23.4, Thủ tướng đánh giá cao các phương án đã được nghiên cứu kỹ lưỡng của Bộ Giao thông, giao Bộ này chủ trì, cùng tỉnh Tiền Giang xem xét, xây dựng kế hoạch để quyết định chọn một trong hai phương án Bộ kiến nghị thực hiện.

Cụ thể, phương án một là giữ nguyên trạm hiện tại, giảm mức thu từ 35.000 xuống 15.000 với xe con. Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, đây là phương án tốt nhất trong thời điểm hiện tại, ít xáo trộn tới tổ chức giao thông trong nội đô của thị xã Cai Lậy và ít gây ô nhiễm môi trường.

Phương án hai, đặt thêm trạm nữa trong tuyến tránh và thu phí cả 2 trạm. Khi hoàn vốn trạm ở Quốc lộ 1 thì dỡ và khi hoàn vốn tại trạm tuyến tránh sẽ dỡ bỏ cả hai. Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án này thì chi phí thu tăng lên, kéo dài thời gian thu phí, ảnh hưởng tới người dân.

“So sánh 2 phương án thì phương án một là ưu việt nhất. Bộ tiếp tục triển khai bằng cách phối hợp chặt chẽ với tỉnh Tiền Giang về thời điểm tổ chức thu và làm tốt công tác truyền thông. Khi Chính phủ quyết định thời gian cụ thể, Bộ sẽ thông báo rộng rãi”, ông Nguyễn Ngọc Đông nói.

Trước đó, chia sẻ tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2.2018 diễn ra chiều tối ngày 1.3, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông từng cho biết: “Chúng tôi đưa ra 4 phương án với những ưu điểm, hạn chế riêng và đều liên quan đến những yếu tố ban đầu của hợp đồng, sẽ có điều chỉnh về thời gian thu phí khác nhau.

Ví dụ,dừng thu phí thì phương án dùng nguồn tiền nào để trả và trả theo thời gian bao lâu, như vậy phải đàm phán với nhà đầu tư. Phương án chỉ thu phí trên tuyến tránh thì sẽ phải theo dõi lại lượng xe, tính toán lại thời gian có bảo đảm. Hoặc phương án đặt cả 2 trạm trên Quốc lộ 1 để hoàn phần đầu tư trên Quốc lộ 1 còn trạm đặt trên tuyến tránh để hoàn phần đầu tư trên tuyến tránh…

Tất cả những phương án đó đã có chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu quyết liệt và sẽ báo cáo sớm về những phương án tiếp theo. Trong đó có phương án giảm mức phí cho phương tiện từ 30-100% đối với một số xã lân cận, sẽ được tính toán cụ thể để báo cáo lên Chính phủ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem