ĐT Việt Nam giành chức vô địch giải giao hữu Tam hùng tại TP.HCM bằng chiến thắng ấn tượng trước Singapore và Ấn Độ. Đáng chú ý, ở 2 trận đấu này, HLV Park Hang-seo tung ra sân 2 đội hình khác nhau (Hồ Tấn Tài là cầu thủ duy nhất đá chính ở cả 2 trận).
Thậm chí, cách tiếp cận trận đấu và phong thái chơi bóng cũng khác, chỉ có điểm chung là chiến thắng. Điều đó cho thấy bóng đá Việt Nam đang … thừa nhân sự. Thường thì có đội A và đội B, tức là có sự hơn kém rõ ràng về chất lượng thi đấu cũng như sự ăn ý về phối hợp.
Nhưng điều thú vị ở đội tuyển Việt Nam đó là đội bóng tưởng là B (đá trận gặp Singapore) lại có một thế trận giàu triển vọng hơn dù khá nhiều cầu thủ ở đội này chỉ mới đá chung cùng nhau trận đầu tiên. Chưa kể, rất nhiều nhân tố trẻ có lần đầu tiên ra mắt ĐTQG. Kết quả của đội này cũng tốt hơn (thắng 4-0 so với 3-0).
Dù vậy, việc này cũng đem đến mặt trái. Nếu HLV Park Hang-seo dùng 2 đội hình cho cùng 1 trận đấu, thì sẽ đánh giá được cầu thủ nào nên đá chính, cầu thủ nào chỉ ngồi dự bị. Đằng này, 2 đội tuyển khá độc lập với nhau, nên về lý thuyết, ĐT Việt Nam đang có 2 đội cùng chất lượng chứ không phải là tạo ra được một phiên bản nâng cấp cho đội tuyển.
Trong 2 đội này, đâu mới là đội chính? Thực tế, tất cả đều nhận ra đội hình đá trận gặp Ấn Độ mới là ưu tiên của HLV Park Hang-seo và gần như là bộ khung chính cho AFF Cup 2022 vào cuối năm nay. Thế nhưng, lật lại vấn đề, liệu đội hình này có gì tốt hơn so với đội hình đá trận gặp Singapore?
Nếu HLV Park Hang-seo thử nghiệm trước cùng một “quân xanh” 2 đội hình (A đá hiệp 1, B đá hiệp hai) thì sẽ dễ nhận xét hơn. Đằng này 2 đội đều cùng thắng, nhưng đội B thắng đậm hơn và ít chịu nguy hiểm hơn. Vì vậy, sẽ là không công bằng nếu đánh giá 1 trong 2 đội hình thực sự chất lượng hơn.
Tiếp theo, HLV Park Hang-seo cũng cho thấy ý định vẫn sẽ đặt niềm tin vào những con người cũ, ngay cả khi đội B chơi tốt hơn kỳ vọng. Lẽ ra, trong trận đấu với Ấn Độ, các cầu thủ đá tốt ở chiến thắng trước Singapore nên được trao cơ hội, như trường hợp của Văn Quyết.
Vô địch đương nhiên là chuyện vui và đáng mừng. Thế nhưng, nỗi lo lắng về sự cũ kỹ nhân sự vẫn còn hiển hiện. Không có ai trong dàn cầu thủ cựu trào mà HLV Park Hang-seo sử dụng ở trận thắng Ấn Độ thể hiện được sự mới mẻ, bao gồm cả Quang Hải vốn đang chơi bóng ở châu Âu.
Cần phải lưu ý rằng, tổng thời gian chơi V.League của đội hình này nhiều hơn gấp đôi so với đội đá trận Singapore. Họ đang có nhịp điệu chơi bóng thường xuyên, chỉ có điều là khao khát chiến thắng dường như kém hơn hẳn những cầu thủ trẻ.
Những bàn thắng trước Ấn Độ chủ yếu do sai lầm của hàng phòng ngự đối thủ hơn là thành quả của chiến thuật và thế trận ép sân. Giữa 2 trận đấu, lối đá pressing tầm cao của trận thắng Singapore vẫn thuyết phục hơn nhiều dù hệ thống chưa được vận hành nhuần nhuyễn.
4 bàn thắng vào lưới Singapore thể hiện sự đa dạng, hiện đại, có khởi đầu và kết thúc theo ý đồ rõ ràng. Ngược lại, dù ép sân Ấn Độ số cơ hội mà ĐT Việt Nam tạo ra tương đối mờ nhạt và không có quá nhiều tình huống thực sự nguy hiểm.
Nếu HLV Park Hang-seo vẫn tiếp tục giữ các cựu binh thì rất đáng lo cho AFF Cup 2022, và quan ngại hơn là cả 2 đội tuyển đều thiếu vị trí tiền vệ thu hồi bóng và cũng thiếu một nhân vật tầm cỡ ở giữa sân để sáng tạo.
Hoàng Đức nhiều khả năng sẽ kịp bình phục cho AFF Cup 2022. Nhưng chắc chắn, để đòi lại ngôi vương từ tay Thái Lan, chiến lược gia người Hàn Quốc cần mạnh dạn đổi mới nhiều hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.