Lạm dụng rượu bia gây ra nhiều tác hại (ảnh minh họa, ảnh IT).
Chiều nay (17.9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật phòng chống tác hại của rượu, bia. Trong tờ trình của dự án Luật do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dẫn ra rất nhiều con số liên quan đến việc sử dụng cũng như thiệt hại từ việc sử dụng rượu, bia quá mức.
Về mức tiêu thụ, nếu quy đổi rượu, bia ra lít cồn nguyên chất thì mức tiêu thụ bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) hằng năm theo số liệu năm 2014 của Tổng cục Thống kê là 4,4 lít; theo số liệu ước tính năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới là 8,3 lít, lên vị trí 64/194 nước, trong khi mức tiêu thụ trên toàn cầu tăng không đáng kể.
Trong đó, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh và cao hơn từ rượu (mỗi năm sản lượng bia tăng thêm 250 triệu lít; năm 2017 người dân tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu - tương đương 72 triệu lít cồn nhưng tiêu thụ tới gần 4,1 tỷ lít bia - tương đương với 161 triệu lít cồn, bình quân mỗi người dân đã tiêu thụ khoảng 42 lít bia..
Về mức độ phổ biến của việc uống rượu, bia, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao và tỷ lệ này ở cả hai giới đang gia tăng. Năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.
Xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia là một vấn đề nghiêm trọng do các hệ lụy về sức khỏe, xã hội với giới trẻ.Tỷ lệ uống rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên là 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ. Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013 có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất 1 lần.
Tình trạng uống rượu, bia ở mức nguy hại rất đáng lưu tâm: Năm 2015 có tới 44,2% nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại (tăng gần gấp đôi so với năm 2010 là 25,1%). Tình trạng này phổ biến hơn ở các hộ gia đình người dân tộc thiểu số, miền núi và nông thôn. Tỷ lệ uống rượu được sản xuất thủ công không đăng ký kinh doanh, rượu không rõ nguồn gốc trong tỷ trọng tiêu thụ rượu, bia ở nước ta chiếm khoảng 74,3%[1], trong đó còn tình trạng người dân dùng cồn công nghiệp để pha chế rượu.
Tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia của Việt Nam năm 2017 là gần 4 tỷ USD. Ước tính chưa đầy đủ cho thấy tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là 25.789 tỷ đồng chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017. Chi phí y tế trực tiếp cho người bệnh mắc các rối loạn tâm thần do rượu từ 500.000- 1.000.000đ/ngày. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 5.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017).
Về nội dung, dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia có 7 chương, 38 điều.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.