“Có cấp trên chỉ đạo cấp dưới dùng tiền Nhà nước đi biếu xén”

Lương Kết (thực hiện) Thứ năm, ngày 01/12/2016 15:30 PM (GMT+7)
“Có trường hợp cán bộ công chức được sự chỉ đạo của cấp trên trực tiếp dùng tiền Nhà nước đi biếu xén, mua quà tặng để đổi lấy lợi ích nào đó cho tập thể hay cá nhân. Sau đó, người trực tiếp làm báo cho chúng tôi. Những tin báo như vậy khi đi xác minh thì chính xác 100%”.
Bình luận 0

Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt nói vậy khi trao đổi với Dân Việt ngày 1.12 về chỉ đạo mới đây của Thủ tướng yêu cầu “không chúc Tết lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành”.

img

Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ).

Ông có đánh giá gì về yêu cầu mới đây của Thủ tướng Chính phủ rằng tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bì?

- Vào dịp cuối năm, chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc, lâu nay chúng ta có lệ đi biếu xén, tặng quà. Còn hai tháng nữa mới đến Tết nhưng tại phiên họp thường kỳ tháng 11.2016, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này”.

Yêu cầu trên của Thủ tướng cũng là nhắc lại việc từ trước chúng ta vẫn làm là nghiêm cấm dùng tiền Nhà nước để đi biếu xén, tặng quà Tết, đặc biệt năm nay phải hành động quyết liệt hơn. Yêu cầu của Thủ tướng vừa để cảnh báo sẽ xử lý nghiêm khi phát hiện cơ quan, đơn vị nào dùng tiền Nhà nước để đi biếu xén.

Ngoài ra, lời nói của người đứng đầu Chính phủ cũng giúp cho các cấp, các ngành, các địa phương không phải lăn tăn lo nghĩ gì về việc không đi chúc Tết Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư.

Tới đây Thanh tra Chính phủ sẽ có công văn đề nghị các địa phương phải quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm việc không tặng quà, nhận quà. Thứ nữa là phải phát hiện và xử lý cho nghiêm những vi phạm.

Theo Thanh tra Chính phủ, từ năm 2006 đến 2015, có 879 cán bộ công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỷ đồng, chỉ có 10 trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý.

Để phát hiện những vi phạm từ việc tặng quà, dường như chúng ta còn thiếu cơ chế để giám sát, thưa ông?

- Đúng là cơ chế giám sát cũng là một vấn đề, việc này chúng ta phụ thuộc vào ý thức tự giác của từng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Giám sát tổng thể là nhân dân, nhưng bên cạnh đó cần có bộ phận giám sát thường xuyên. Ví dụ như ở các ở địa phương có thể Mặt trận Tổ quốc và HĐND các cấp giám sát hoạt động của các cấp chính quyền, nếu thấy đơn vị nào của chính quyền mà tổ chức lu bù đi biếu xén tặng quà Tết hay sau Tết đi lễ chùa, dùng xe công, tiền công gây lãng phí cần được phát hiện để xử lý.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu các cơ quan từ Đảng cho đến chính quyền, người đứng đầu nơi đó phải hết sức gương mẫu, thực hiện nghiêm túc. Ở nơi nào còn để tình trạng cán bộ, công chức cấp dưới dùng tiền Nhà nước đi biếu xén vì mục đích tư lợi, vụ lợi, phục vụ cho nhóm lợi ích nào đó thì phải xử lý người đứng đầu một cách nghiêm túc.

Tôi nghĩ người lãnh đạo đã gương mẫu thì cán bộ cấp dưới sẽ làm theo. Bây giờ lãnh đạo không đi biếu xén, không đi tặng quà Tết thì bên dưới anh em sẽ không dám làm và cũng không dám đề xuất.

Thanh tra Chính phủ có đường dây nóng nhận phản ánh, tố cáo về tình trạng biếu, nhận quà Tết mang dấu hiệu của tham nhũng, nhưng kênh này xem ra chưa được hiệu quả như kỳ vọng, thưa ông?

- Thực tế đường dây nóng của chúng tôi cũng là kênh giúp cho người dân phản ánh những vấn đề liên quan đến tham nhũng. Người dân ở đây phải hiểu rộng, cán bộ, công chức khi về nhà hoặc không làm việc ở cơ quan thì cũng là dân.

Còn hiểu người dân theo nghĩa họ ở là những người không tham gia gì vào quá trình hoạt động của các cơ quan nhà nước, họ làm ruộng, lao động tự do thì làm sao phát hiện được, làm sao giám sát được những biểu hiện tiêu cực ở cơ quan nhà nước.

Có trường hợp cán bộ công chức được sự chỉ đạo của cấp trên trực tiếp dùng tiền Nhà nước đi biếu xén, mua quà tặng để đổi lấy lợi ích nào đó cho tập thể hay cá nhân. Sau đó người trực tiếp làm báo cho chúng tôi. Trong thực tế chúng tôi nhận được những tin báo kiểu như vậy, khi đi xác minh thì chính xác 100%.

Còn trường hợp, người dân thấy nhà ông chủ tịch này, ông giám đốc kia... khách ra vào nhà xách theo túi này, túi kia hoặc có những món quà nhìn hình thức thấy trị giá nhưng thực tế tài sản đó không phải lớn so với quy định; cũng có thể quà kia không phải là tài sản của Nhà nước mà quà do chính người tặng bỏ ra mua để biếu theo kiểu chân tình với nhau. Họ thấy những việc đó và gọi điện báo. Đương nhiên, những việc như vậy không thể vội vã kết luận được.

Nói như thế để lý giải tại sao việc phát hiện và xử lý vi phạm trong việc biếu xén, tặng quà bị hạn chế. Chính vì thế hiệu quả của việc này phải dần dần mới có được. Quan trọng nhất là để mọi người có ý thức chấp hành quy định.

Xin cảm ơn ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem