Có cầu cũng như không, thiệt hại mỗi năm hàng tỷ đồng

Thứ năm, ngày 08/09/2011 15:14 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cầu đập tràn Tà Trập nối liền 2 xã Nam Yang và Kon Gang (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) đã đưa vào sử dụng gần 10 năm nay, nhưng mỗi khi mùa mưa đến, hàng nghìn người dân 2 xã này vẫn không thể qua cầu...
Bình luận 0

Nhiều năm qua, phương tiện duy nhất để người dân qua cầu Tà Trập là chiếc công nông được độ chế nâng cao gầm của anh Trương Quang Trung ở thôn 1, xã Nam Yang.

img
Người dân và các em học sinh qua đập tràn bằng xe độ chế của anh Trung.

Đi 40m hết 20.000 đồng

Hàng ngày, anh Trung túc trực từ 5 giờ sáng đến 19 giờ tối để đưa học sinh và người dân đi làm qua xã Kon Gang và ngược lại. Mỗi chuyến vận chuyển gồm người cộng xe, anh Trung thu 10.000 đồng, nếu tính cả đi và về thì một người mất 20.000 đồng.

Anh Đỗ Tấn Quý bức xúc: “Cầu Tà Trập được xây từ lâu nhưng vào mùa mưa, người dân 2 xã Nam Yang, Kon Gang đều phải bỏ ra 20.000 đồng để vượt một đoạn đường chưa đầy 40m. Mùa mưa, nước tràn qua cầu Tà Trập cao hơn 0,5m nên xe máy, người đi bộ không thể qua được”.

Cũng theo anh Quý, khổ nhất vẫn là nông dân phải vận chuyển phân bón sang rẫy để bón cho kịp vụ nhưng đến mùa thu hoạch họ không thể vận chuyển về được.

Theo tính toán của chúng tôi, hàng năm, người dân trong xã bị thiệt hại nhiều tỷ đồng mà nguyên nhân là do cầu Tà Trập không thể đi lại được vào mùa mưa.

Hàng ngày có hàng trăm lượt người qua lại trên tuyến đường này, thế nhưng khi đến cầu đập tràn Tà Trập, để qua được phía bên kia thì mọi người đều phải nhờ đến anh Trung. Đa phần học sinh cấp 2 và cấp 3 của xã Kon Gang đều học ở xã Nam Yang, khi đi học đều phải đi sớm để được chở qua nếu không sẽ muộn học. Đến khi tan học trở về, những ngày nước nhỏ thì các em lội qua, còn nước lớn không qua được thì phải đi xe của anh Trung.

Mặc dù là chủ xe công nông độ chế để đưa người dân vượt cầu Tà Trập vào mùa mưa, nhưng anh Trung chỉ lấy tiền công của người lớn còn trẻ em thì miễn phí. Anh Trung cho biết: “Vào mùa mưa, nước lũ về người dân đứng bên kia gọi nhưng tôi không thể chạy xe sang chở về được, sợ nước lớn cuốn trôi cả xe thì nguy hiểm đến tính mạng.

Nhiều hôm người đi làm rẫy về đứng đông kín gọi tôi sang chở về nhưng nước lớn quá tôi không thể sang, thế là mọi người đành ngủ lại trong rẫy. Những ngày bình thường, có hàng trăm lượt người và xe qua lại trên đoạn cầu đập tràn này. Riêng học sinh đi học, tôi chở các cháu qua sông miễn phí vì đa số các em là con em đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, lấy đâu ra tiền trả công”.

Thiệt hại mỗi năm hàng tỷ đồng

Theo ông Lương Bé- Phó Chủ tịch UBND xã Nam Yang: “Cầu đập tràn Tà Trập bị ngập nước trong mùa mưa lũ gây rất nhiều khó khăn cho việc đi lại của bà con cũng như việc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Theo tính toán của chúng tôi, hàng năm, người dân trong xã bị thiệt hại nhiều tỷ đồng mà nguyên nhân là do cầu đập tràn Tà Trập không thể đi lại được vào mùa mưa”.

Cũng theo ông Bé, sản phẩm người dân làm ra đành phải chờ khi nào nước rút mới cho xe vào vận chuyển ra ngoài tiêu thụ được. Mỗi mùa mưa đến, lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện phải thường xuyên xuống trực tiếp túc trực, chỉ đạo cán bộ không được cho người dân qua lại. Ngoài ra, xã còn phải thông báo cho các trường cho học sinh nghỉ học và cho học bù vào thời gian khác. “Chúng tôi cũng đã có nhiều tờ trình lên huyện để huyện nghiên cứu các giải pháp khắc phục tình trạng này nhưng tất cả vẫn đợi...” - ông Bé thất vọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem