Cơ chế nào cho nghệ sĩ "quá lứa"?

Thứ sáu, ngày 05/06/2015 14:53 PM (GMT+7)
Ở lại thì khó cho cả hai bên, nhà hát không có tiền trả lương còn nghệ sĩ cũng không muốn bám vào nhà hát vì lòng tự trọng nhưng muốn về hưu non thì luật không cho.
Bình luận 0

Mười lăm tuổi đến với nghề xiếc, 20 tuổi bước lên sân khấu với hình tượng đẹp đẽ của một diễn viên nềm dẻo, chị Thu Nga - cựu diễn viên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam - từng nhận được rất nhiều hào quang từ nghề nghiệp của mình.

15 năm đứng trên sân khấu với các tiết mục dây dọc, hình tượng mềm dẻo và đu mỏ neo, chị Thu Nga từng được ghi nhận tài năng bằng huy chương bạc Liên hoan Xiếc toàn quốc năm 1987. Nhớ lại những ngày “trên đỉnh vinh quang”, cựu diễn viên này tâm sự: “Lúc ấy, ai cũng biết tên tuổi của mình, cuộc đời quả là rất hạnh phúc”.

Diễn viên tài năng đi làm thủ kho

Thế nhưng, dù quá khứ vẻ vang thế nào thì chị Nga vẫn phải chấp nhận thực tế hiện tại với công việc của một thủ kho. Đã nhiều năm nay, khi hết tuổi nghề, mà lại chưa đến tuổi hưu, chị Nga được sắp xếp một công việc không liên quan đến nghệ thuật, đó là làm thủ kho của Liên đoàn Xiếc Việt Nam với đồng lương eo hẹp.

“Không còn diễn, mọi chế độ dành cho những người “quá thì” như chúng tôi đều rất kém. Trong khi đặc trưng của xiếc là lao động nặng, sau một thời gian là diễn viên bị đau nhức xương khớp, vôi hóa cột sống, vôi hóa đầu gối. Hằng tháng nhận lương 4 triệu đồng, trong thời buổi này, chúng tôi làm sao có thể trang trải đủ cuộc sống?” - chị Nga tâm sự.

img

Nhiều nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam có thể sẽ không còn đất diễn khi đơn vị này xã hội hóa 30%. Trong ảnh: Tiết mục xiếc trăn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam Ảnh: HOÀNG DƯƠNG

Tuy nhiên, dù nhận đồng lương ít ỏi, chị Thu Nga vẫn thừa nhận mình còn hạnh phúc hơn nhiều đồng nghiệp khác. “Rất nhiều người thiệt thòi hơn tôi. Nhiều người phải nghỉ việc luôn vì liên đoàn không thể sắp xếp công việc cho họ. Ca sĩ thì còn có thể đi hát ngoài nhưng diễn viên xiếc chúng tôi thì liệu có thể làm gì, trong khi các em phải luyện tập rất vất vả mà cát-sê vẫn chỉ mấy chục ngàn đồng một đêm” - chị Nga xót xa.

Một diễn viên tên tuổi khác của Liên đoàn Xiếc tâm sự: “Với lộ trình xã hội hóa 30%, nhân sự của liên đoàn sẽ bị cắt giảm gọn nhẹ là điều không thể tránh khỏi. Nhưng tôi buồn vì nếu cắt giảm một cách cơ học mà không lo đổi mới chương trình thì khác gì là bóp chết nghệ thuật. Hãy tìm việc để bớt gánh nặng, để đến khi ngân sách nhà nước không còn nữa thì cũng không lo sẽ bị cắt hết người”.

NSND Lan Hương cũng cho hay “tâm tư” là tâm trạng chung của hơn 20 diễn viên đoàn kịch thể nghiệm, Nhà hát Tuổi trẻ. “Làm gọn nhẹ bộ máy là việc phải làm nhưng tôi muốn các diễn viên của tôi sẽ được thẩm định bởi một hội đồng uy tín trước khi bị giải thể” - chị nói.

Bế tắc cách giải quyết

Dưới góc độ của người quản lý, một lãnh đạo của Nhà hát Tuổi trẻ nói rằng không còn cách nào khác là phải tinh gọn lại bộ máy nhưng cách làm như thế nào thì hoàn toàn là bài toán khó. “Ở lại thì khó cho cả hai bên, nhà hát không có tiền trả lương còn nghệ sĩ cũng không muốn bám vào nhà hát vì họ có tự trọng của họ. Thế nhưng muốn về hưu non cũng không phải dễ dàng vì Luật Bảo hiểm Xã hội không cho làm điều đó. Chúng tôi đang tìm cách để kiến nghị giải quyết chế độ cho một lượng nghệ sĩ nhất định nhưng xem ra không dễ dàng” - lãnh đạo này nói.

Với những kinh nghiệm của người đi trước, NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam - một trong những đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đi tiên phong trong việc tự chủ tài chính từ năm 2012, cho biết cách giải quyết hay nhất đối với các nghệ sĩ “lỡ thời” chính là dành cho họ chế độ nhận “một cục” về nghỉ. “Chúng tôi đối xử trân trọng và tạo điều kiện cho những người đã cống hiến lâu năm cho nhà hát nên trước khi về nghỉ, có người đặt vấn đề với chúng tôi tăng thêm tiền bồi dưỡng hoặc tặng họ món quà nào đó, chúng tôi đều đáp ứng” - NSND Trần Bình nói.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải nhà hát nào cũng có đủ tiềm lực tài chính để giải quyết cho các nghệ sĩ dôi dư của mình. “Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam có nhiều thuận lợi về cơ sở vật chất nên dễ dàng hơn nhiều trong việc tự chủ tài chính. Họ có rạp, có địa điểm ngay giữa trung tâm thành phố, trong khi chúng tôi vẫn đang ở trong ngõ không biết khi nào có trụ sở mới của mình” - lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ.

Nhạc sĩ Quang Vinh cũng tỏ ra bế tắc trong việc tìm cách giải quyết chế độ cho gần cả trăm nghệ sĩ không làm việc nhưng vẫn nhận lương của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam hiện nay. Ông nói: “Chúng tôi gặp khó vì người ta không về thì chúng tôi không biết làm cách nào. Không thể đơn giản bảo cho nghỉ là nghỉ vì còn vướng luật; làm sai, chúng tôi sẽ bị kiện ngay”.

Cũng theo nhạc sĩ Quang Vinh, nhà nước nên có chính sách rõ ràng đối với các nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến nhưng hiện tại đã quá tuổi để biểu diễn bởi nếu chỉ có sự thay đổi về cơ chế, chính sách mà con người vẫn như cũ, tức là thay đổi không đồng bộ, thì không thể tránh được những rủi ro. Nhà hát đã báo cáo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhưng có lẽ bộ cũng không thể giải quyết được ngay.

(Theo Người lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem