Cuộc đời nghệ sĩ vốn khắc nghiệt, nhất là nghệ sĩ biểu diễn. Khi lớn tuổi, họ phải chấp nhận thực tế sân khấu không dành cho mình nhưng sẽ làm gì khi hết tuổi nghề mà tuổi hưu chưa đến. Không phải ai cũng có năng lực để tự nuôi sống bản thân và gia đình khi rời đoàn hát.
Nỗi lo giải thể, mất việc
Đã vài năm nay, đoàn kịch thể nghiệm của Nhà hát Tuổi trẻ do NSND Lan Hương làm trưởng đoàn có rất ít cơ hội lên sân khấu biểu diễn. “Mỗi năm, đoàn chỉ diễn vài buổi, chúng tôi như những đứa con mồ côi không bố không mẹ” - NSND Lan Hương tâm sự. Chị nói thêm trong suốt 10 năm hoạt động, đoàn kịch thể nghiệm đã được ghi nhận về sự sáng tạo nghệ thuật nhưng về kinh tế thì quá chật vật.
“Từ năm ngoái, chúng tôi đã không có tiền đầu tư dựng vở, hơn 20 nghệ sĩ chỉ còn lương chứ không còn thu nhập gì từ nhà hát. Các anh em thật sự rất tâm tư bởi họ là những người có khả năng, họ không chỉ đóng kịch mà còn có thể ca, múa như Đàm Hằng, Như Lai, Như Quỳnh, Thu Hà… Họ đã từng nhận huy chương ở các hội diễn và thật sự tự hào về công việc của mình. Tôi thực sự thấy mỏi mệt rồi” - diễn viên trong phim “Cô bé Hà Nội” bức xúc.
Vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Nhà hát Tuổi trẻ dưới bàn tay dàn dựng của NSND Lan Hương (Ảnh do nhà hát cung cấp)
NSND Lan Hương cho biết năm ngoái, đoàn kịch thể nghiệm của chị từng dựng vở “Một cõi đi về” nhưng đang làm dở dang thì kinh phí hết, cạn tiền làm trang trí sân khấu nên đành chịu. “Năm nay, chúng tôi dựng một vở bằng kinh phí đầu tư từ bên lực lượng công an để đi hội diễn vào tháng 7 tới, xong đâu đó tôi quyết tâm dựng nốt vở “Một cõi đi về” vì đã có người cho mấy chục triệu đồng. Ít nhất cũng phải lên được sân khấu chứ không thể cả năm chỉ được diễn vài buổi” - NSND này chia sẻ.
Rất ít khi có cơ hội biểu diễn nên đoàn kịch thể nghiệm Nhà hát Tuổi trẻ nhiều khả năng sẽ là một trong những đoàn đầu tiên giải thể trong năm 2015. Lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ thẳng thắn nói khi nhà hát hoạt động theo phương thức tự trang trải mà hiệu quả kinh doanh không cao thì không còn cách nào khác là phải giải thể.
Không ít nghệ sĩ có tiếng của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam bấy lâu nay cũng gần như “biến mất” trên sân khấu. Ngoại trừ ca sĩ Đức Long thỉnh thoảng xuất hiện tại các đêm nhạc trữ tình, các ca sĩ có tiếng khác của nhà hát này như NSƯT Tố Uyên, Trung Anh… hiếm khi xuất hiện cả trên sân khấu ca nhạc lẫn trên sóng truyền hình. Tương tự, nhiều diễn viên có tuổi của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ giải nghệ khi không còn sức hấp dẫn sân khấu cũng như khả năng biểu diễn vì tài năng, sức khỏe không còn như xưa, đặc biệt là khi các nhà hát mà họ đầu quân đang trong quá trình “thanh lọc” nhân sự vì phải tự chủ tài chính.
Chờ nghỉ hưu từ 10-15 năm nữa
Theo lộ trình, trong năm 2015, những nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch gồm Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Múa rối trung ương sẽ bắt đầu lộ trình xã hội hóa 30%, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam sẽ xã hội hóa 100%.
“Những ai có khả năng hát thì sang đoàn ca, khả năng diễn thì sang đoàn kịch, còn nếu không có năng lực thì không còn con đường nào khác là phải nghỉ. Không chỉ riêng đoàn của chị Lan Hương, chúng tôi cũng sẽ rà soát tất cả 4 đoàn của nhà hát và cho nghỉ những nghệ sĩ không còn phù hợp” - lãnh đạo này nói. Vị này cũng nhấn mạnh thêm: Trong khi nhà hát phải tự chủ tài chính mà những người không làm ăn gì vẫn hưởng lương là vô lý.
Cũng tương tự như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cũng có gần cả trăm nghệ sĩ ca, múa, nhạc công thuộc hàng “quá tuổi nghề mà chưa đến tuổi hưu”. Theo nhạc sĩ Quang Vinh, nhà hát hiện có khoảng 160 người nhưng có tới gần 100 người không làm gì, chờ chế độ nghỉ hưu trong vòng từ 10-15 năm nữa. “Chúng tôi thật sự vất vả vì phải tự chủ tài chính hoàn toàn, trong khi bộ máy nhân sự quá cồng kềnh mà không thể giải quyết được. Nghệ sĩ 40-50 tuổi thì không còn múa được nữa, ca sĩ thì nhiều người giờ chỉ hát cho vui, có người mời tham gia chương trình của nhà hát còn thẳng thừng từ chối nhưng hằng tháng vẫn đến nhận lương đều đều” - nhạc sĩ Quang Vinh nói.
Nhường chỗ cho người trẻ có tài
Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cho biết: “Bộ máy nhà hát của chúng tôi hiện đang quá cồng kềnh, biên chế của nhà hát trước đây chỉ có khoảng hơn 100 mà giờ là gần 200, chắc chắn phải giảm nhiều. Không chỉ nghệ sĩ lớn tuổi mà ngay cả nghệ sĩ trẻ không tài năng, chỉ là diễn viên chạy cờ thì cũng nên nghỉ, tìm một nghề nghiệp khác thích hợp để nhường chỗ cho những người trẻ, có tài”.
Ông Nhuận cũng cho rằng phải chấp nhận thực tế này bởi nhiều chương trình quá đông người, tuy có doanh thu cao nhưng nghệ sĩ cũng không có thu nhập cao. Chênh lệch giữa các diễn viên giỏi và thường là không có nên không tạo sự kích thích sáng tạo và như thế là vô lý.
(Theo Người lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.