Cô gái 27 tuổi lấy chồng 70 tuổi ở Hà Nam: Cuộc sống ra sao sau 8 năm kết hôn?

Chủ nhật, ngày 05/08/2018 21:57 PM (GMT+7)
Gia cảnh túng thiếu, trong khi chồng gần bước sang tuổi 80, 3 đứa con còn thơ dại đang tuổi ăn tuổi lớn khiến chị Bích cảm thấy buồn rầu và lo lắng.
Bình luận 0

Đám cưới xáo động vùng quê yên bình

Cách đây 8 năm người dân thôn Ngô Khê (xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) vô cùng ngỡ ngàng trước đám cưới của cô gái Nguyễn Thị Bích 27 tuổi và ông lão 70 tuổi – Ngô Thanh Học. Đến nay, chuyện tình "bác - cháu" chênh nhau 43 tuổi ấy vẫn khiến dân làng bàn ra tán vào.

img

Đám cưới của chị Bích và ông Học bị dị nghị suốt mấy năm qua.

Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi tìm về gia đình của ông Học - chị Bích, trước mắt là chiếc cổng sắt nhưng lại có những tấm vải dù phủ che cổng. Hỏi ra mới biết đây là cách vợ chồng chị làmđể người ngoài đỡ nhìn ngó, chỉ trỏ.

Lúc chúng tôi đến chỉ có chị Bích và 3 đứa trẻ ở nhà, ông Học đi bệnh viện khám bệnh vẫn chưa thấy về. “Chả biết là có về không hay ở lại. Tháng nào cũng đi khám vài lần”, câu nói của chị Bích khiến chúng tôi cảm nhận được phần nào thực tế phũ phàng trong cuộc sống thường nhật của chị.

img

Căn nhà của ông Học luôn đóng chặt cửa.

img

Những tấm bạt, vải dù dùng để che những lỗ hở ở cổng.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà có phần luộm thuộm, quần áo, đồ dùng sinh hoạt bừa bộn khắp nơi, chị Bích nhớ lại ngày chị ngỏ lời muốn lấy ông làm chồng đã bị dân làng ngăn cản, nói những lời không hay. Ngay cả mẹ chị cũng kịch liệt phản đối.

Bỏ ngoài tai sự dị nghị của dân làng, tháng 8/2010 họ đã đăng ký kết hôn và về chung một nhà. Lúc này, ông Học tổ chức lễ cưới nhỏ tại nhà với khoảng 70 khách mời.

img

Căn nhà này được những người hảo tâm gom góp xây cho vợ chồng ông Học cách đây 4 năm.

img

Căn nhà có phần luộm thuộm.

“Mẹ tôi không đồng ý cho lấy. Bà bảo: “Nói không nghe thì thôi, sau sướng khổ tự mà chịu”, bà ghét nên cũng chẳng sang nhà bao giờ. Lúc nào bận tôi gửi cháu sang thì bà trông cho một lúc. Dân làng thì mấy năm qua họ vẫn bàn tán về chuyện của chúng tôi, nhưng mặc kệ vì giờ không thay đổi được gì”, chị Bích tâm sự.

Cuộc sống đầy khó khăn, vất vả

Sau 8 năm chung sống, vợ chồng ông Học – chị Bích đã có được 3 người con (2 gái, 1 trai). Tuy vui cửa vui nhà, nhưng đây lại là nỗi lo lớn nhất khi ông Học ngày một già yếu, đau ốm liên miên.

img

Tài sản đáng giá nhất của vợ chồng ông Học chính là 3 đứa bé này. Dù có nhiều người tới hỏi xin về nuôi nhưng ông Học - chị Bích không đồng ý.

Lần mang thai đầu tiên, chị Bích mang song thai nhưng vì điều kiện khó khăn nên chị vẫn đi làm. Khi thai được 7,5 tháng chị bất ngờ đau bụng nên đẻ non. Bé trai nặng 1,8kg, bé gái nặng 1,7kg. Do nhẹ cân nên chị xin chuyển từ bệnh viện huyện lên bệnh viện tỉnh để cho các con nằm lồng kính theo dõi.

Đến lần mang thai thứ 2 chị đã từng có ý định đình chỉ thai vì nghĩ điều kiện không cho phép, nhưng suy nghĩ lại chị vẫn quyết giữ lại bé vì “con là lộc trời cho”.

img

img

Căn nhà chẳng có gì đáng giá.

Cả 2 lần sinh, ông Học đều không thể ở cạnh chăm sóc vợ con mà phải nhờ 1 người hàng xóm chạy đi chạy lại. Xuất viện về nhà, chị Bích cũng không được ở cữ như những người phụ nữ khác mà phải tự cơm nước cho mình.

“Nghĩ lại tủi thân vô cùng nhưng dù sao cũng qua rồi, tôi chỉ thương mấy đứa nhỏ. Từng này tuổi mà vẫn phải mặc lại quần áo từ thiện người ta mang đến cho. Đồ chơi quý giá nhất đối với bọn trẻ chính là chiếc ti vi trước mặt phải chọn kênh bằng tay”, chị Bích thở dài.

img

Ngoài 3 đứa trẻ, 2 chiếc xe đạp này là vật dụng có giá trị nhất mà ông Học - chị Bích có được.

Ông Học tuổi ngày một cao nên thường xuyên đau ốm không phụ giúp được vợ nên gánh nặng cả gia đình lại đổ dồn lên đôi vai người phụ nữ mới bước sang tuổi 35.

“Cả nhà 5 người chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp thương binh 1,6 triệu/tháng, mà mỗi tháng đã đóng tiền ăn cho 2 đứa lớn hết 550 nghìn đồng. Cứ hễ đứa nào đau ốm lại phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để chạy chữa. Tôi không biết bao giờ mới trả hết nợ”, chị Bích tâm sự.

img

Dù hối hận khi lấy ông Học nhưng chị quyết không rời đi, để lại mình ông Học bơ vơ, đơn độc.

Điều chị Bích lo lắng nhất là lỡ ông Học ra đi thì một mình chị không biết chị có thể làm lụng, nuôi nấng được bọn trẻ tốt hay không. Thêm vào đó là nỗi lo các con bị bạn bè trêu chọc về bố mẹ nó làm bọn trẻ cảm thấy xấu hổ, tủi thân.

Chị Bích thừa nhận chị hối hận khi đã không lường hết được những khó khăn khi lấy người hơn mình quá nhiều tuổi nhưng chị không có ý định sẽ rời xa ông Học trong thời gian tới. Bởi, dù cuộc sống hiện tại gặp nhiều khó khăn nhưng chị vẫn thương chồng mình như ngày đầu tiên quyết định đến bên bầu bạn với ông. Giờ đây, chị chỉ mong sức khỏe của chồng tốt hơn để ông chăm con, để chị đi làm kiếm thêm thu nhập.

Minh Trang (Khám phá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem