Gây tiếng vang hai tác phẩm âm nhạc “nằm lòng” khán giả Việt “Bà tôi” và “Giọt sương bay lên” (đều ra mắt năm 2005), Nguyễn Vĩnh Tiến trở thành cái tên nổi bật trong làng nhạc Việt, đặc biệt trong dòng nhạc mà anh theo đuổi – dân gian đương đại.
Sở hữu gu âm nhạc mộc mạc nhưng đầy ám ảnh, ít ai nghĩ anh là nhạc sĩ “tay ngang”. Mặc dù xuất thân từ ngành kiến trúc, Nguyễn Vĩnh Tiến thuyết phục được cả những khán giả khó tính nhất và giới chuyên môn. Anh đã có hai buổi concert tại Paris và một đêm nhạc cá nhân tại Ba Lan.
Không chỉ là kiến trúc sư, nhạc sĩ, Nguyễn Vĩnh Tiến còn ghi dấu ấn ở nhiều vai trò khác như nhà thơ, nhà văn hay ca sĩ.
Tuy nhiên, những năm qua, các hoạt động nghệ thuật của nhạc sĩ người Phú Thọ trở nên im ắng. Sự kiện đáng chú ý nhất của anh là cuộc hôn nhân với người vợ 9x kém 17 tuổi vào năm 2017. Mới đây, có thêm thông tin, anh sắp hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam để dẫn một chương trình trên VTV1.
Nhạc sĩ đa tài đã có những chia sẻ về công việc, cũng như cuộc sống sau hơn một năm “về chung nhà” với bà xã 9x.
KTS/nhạc sĩ Vĩnh Tiến.
Tôi không phải MC chuyên nghiệp
Chào anh, có thông tin anh đã là MC của VTV1, anh có thể chia sẻ một chút về vai trò mới này?
Tôi xin đính chính, tôi chỉ là cộng tác viên. Đúng là tôi có nhận lời làm MC, nhưng với tư cách là nhân vật trải nghiệm của chương trình “S – Việt Nam”.
Cơ duyên nào đưa anh đến với công việc mới này?
Đầu tiên, tôi có làm khách mới cho “S – Việt Nam” trong 3 số: “Trong vườn sắn”, “Câu chuyện tháng 12” và “Tháng Năm và câu thần chú”. Qua 3 số này, có thể vì có duyên dẫn dắt câu chuyện , Ê kíp đã chính thức mời tôi làm cộng tác viên, ngoài vai trò là khách mời ra, tôi là nhân vật trải nghiệm và dẫn cả chương trình nữa.
Lý do anh đồng ý với lời mời này?
Điều này xuất phát từ lý do lịch sử. Ngày xưa, tôi cũng từng tham gia làm nhân vật trải nghiệm trong 3 số của chương trình “Việt Nam – vẻ đẹp tiềm ẩn”, tên gọi trước của “S – Việt Nam”. Qua chương trình này, tôi thấy mình có cơ hội đi thăm thú nhiều nơi. Từ đó, tôi được trải nghiệm các vùng miền, văn hoá khác nhau, cũng tiếp xúc nhiều với những người dân ở đó.
Đây cũng là một thử thách, trải nghiệm mới. Bởi vì, một chương trình ngắn như thế, chỉ trong khoảng 5-6 phút thôi, nhưng lại lột tả được hết những câu chuyện, thông điệp văn hoá, những yếu tố cần bảo tồn gìn giữ, những nét đẹp và nét đặc trưng của từng vùng miền.
Hơn thế, tôi cảm thấy chương trình rất phù hợp với chuyên môn của tôi là kiến trúc quy hoạch. Phù hợp cả với tài lẻ của tôi và văn chương và âm nhạc nữa.
Anh từng làm MC trước đây chưa?
Trước đây, tôi thường làm khách mời thôi.
Vai trò mới này mang lại cho anh những gì?
Làm dẫn chương trình có những điều rất hay. Thứ nhất, tôi có thể phát triển tính hài hước và khả năng ứng biến. Tôi thấy, đối với một người dẫn chương trình, yếu tố hài hước rất là quan trọng, nó sẽ giúp cho chương trình trở nên sống động hơn, và quan trọng là nuôi dưỡng được sự lạc quan trong những thông điệp và những câu chuyện. Để hài hước được, tôi nghĩ không chỉ biết đùa thôi, mà phải có tư duy sắc bén nữa.
Thứ hai là khả năng tổng hợp. Cũng là một địa điểm, hình ảnh và sự kiện, khả năng tổng hợp giúp tôi nhìn nhận các sự kiện đó liên kết, móc xích như thế nào để tạo ra câu chuyện theo cách riêng, từ đó làm rõ nét tính lịch sử, văn hoá.
Thứ Ba là tăng cường hiểu biết, trau dồi thêm kiến thức bản thân; bởi vì “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, có những kiến thức trong dân gian, chỉ có đi mới biết, mới được kiểm nghiệm thực tế. Tôi nghĩ, công việc này khá là hợp với tôi.
Hiện tại, chương trình do anh dẫn đã quay được bao nhiêu số?
Bây giờ, tôi mới quay được 4 số, sẽ lần lượt phát trong mùa hè này.
Anh được biết đến với rất nhiều vai trò, làm sao anh có thể dung hoà công việc mới với những công việc anh đang làm?
Thực ra, mỗi một công việc mà tôi lựa chọn và đồng ý tham gia đều có sự cân nhắc. Tôi thấy, công việc MC mới này tập hợp tất cả những điều mà tôi thích từ kiến trúc, văn học, cho đến âm nhạc, khả năng ăn nói. Nhờ nó, tôi có thể phát huy được cái duyên ăn nói.
Anh có thích hay ấn tượng về MC nào không?
Tôi thích người quê tôi thôi. Ở Phú Thọ, rất nhiều người có duyên về ăn nói, lại có truyền thống về thi ca, với nhiều bộ môn nghệ thuật dân gian nổi tiếng như hát xoan, hát ghẹo. Ngày xưa, Phú Thọ có nhà thơ Phạm Tiến Duật, anh Lại Văn Sâm; gần đây là Xuân Bắc, và bây giờ là tôi. Tôi nghĩ, đây là một sự kế thừa.
Tôi đặc biệt ấn tượng với Lại Văn Sâm và Xuân Bắc. Lại Văn Sâm có sự từng trải, lượng kiến thức rất lớn. Xuân Bắc có sự hóm hỉnh, hài hước. Theo tôi, hai người đó thực sự là niềm tự hào cho Tỉnh Phú Thọ.
Theo anh, điểm khác biệt làm nên dấu ấn của một Nguyễn Vĩnh Tiến với vai trò MC là gì?
Tôi khẳng định, sẽ không phải là MC chuyên nghiệp, mà chỉ là “amateur” thôi. Tôi đã là kiến trúc sư có chút tên tuổi rồi. .Nếu nói về nét riêng và điểm mạnh cá nhân, có lẽ là tôi biết vẽ, tôi có thể phác thảo ngay cả một ngôi làng hoặc một phong cảnh đẹp.Tôi biết chơi đàn, biết hát. Tôi có thể phóng tác ra được những câu thơ, những bài hát ngay lập tức.
Tôi nghĩ, có sự tương hỗ tích cực giữa kiến trúc và âm nhạc khi tôi dẫn “S – Việt Nam”. Về kiến trúc, rõ ràng trong chương trình S-Việt Nam luôn luôn giới thiệu những nét đẹp của kiến trúc truyền thống, từ những ngôi làng, mái đình, mái chùa, cho đến kiến trúc của làng xóm, rồi cách phát triển ra sao hoặc bảo tồn di sản, kiến trúc như thế nào.
Còn âm nhạc như một lời dẫn. Tôi có lợi thế là nhiều khi cầm đàn hát hoặc sáng tác ngẫu hứng những bài hát ở trong chương trình. Âm nhạc như một chất kết dính, giúp những hình ảnh đôi khi là khô khan của kiến trúc, sự kiện, trở nên mềm mại, trữ tình hơn.
“Tôi hiểu ý của Lê Minh Sơn”
Mọi người biết đến anh ở vai trò nào nhất?
Mọi người biết đến tôi với vai trò kiến trúc sư, bởi đây là nghề nghiệp chính, cũng là sở học lâu dài. Tôi học ở trường kiến trúc 5 năm, học thạc sĩ 2 năm, rồi đi nghiên cứu sinh 6 năm. Những bước đi của tôi là trên một đường ray dài về kiến trúc quy hoạch.
Nhưng, tôi nổi tiếng nhất lại với tư cách nhạc sĩ, có lẽ điều đó đến từ sức mạnh của truyền thông và ngành giải trí.
Anh nổi danh qua hai ca khúc “Bà tôi” và “Giọt sương bay lên”. Theo anh, lý do khiến hai ca khúc này trở thành “nằm lòng” đối với khán giả Việt là gì?
Tôi nghĩ chất dân gian tuôn chảy một cách tự nhiên trong mỗi người Việt. Trong tiếng nói của chúng ta, bản thân đã có tính thơ ca rồi. Chúng ta rất hay nói ví, nói von, rồi dùng những câu thơ, ẩn dụ… Chất dân gian thể hiện rất rõ qua ngôn ngữ chúng ta giao tiếp với nhau, qua tục ngữ ca dao và các câu thành ngữ. Chính vì thế, khi ca từ “Bà tôi” ; “Giọt sương bay lên”; “ A nhờ Anh” vang lên, tạo cho người nghe sự gần gũi. Theo tôi, việc lựa chọn yếu tố phát triển từ những chất liệu dân gian là cách tiếp cận gần gũi.
Bên cạnh đó, không thể nào hát mãi cái cũ được, chúng ta phải sử dụng những chất liệu mới, câu chuyện mới. Chất liệu mới gồm những cái như hoà âm, phối khí, âm thanh điện tử, các tiết tấu mới. Câu chuyện mới là những hình ảnh mang tính chất đương đại.
Mỗi một bài hát tôi thường xây dựng tập trung một chủ đề, không được tham quá nhiều hình ảnh, mà chọn hình ảnh dễ nhớ, dễ đi vào tâm trí.
Thời gian qua, nhạc sĩ Lê Minh Sơn gây tranh cãi với phát ngôn, “Anh yêu em” là ca từ tầm thường. Anh có nhận xét gì về quan điểm này?
Tôi hiểu ý của Lê Minh Sơn. Thực ra, ý của phát ngôn đó là tránh những ca từ sáo mòn. Thế nhưng “ý tại ngôn ngoại”, ý một đằng, nhưng ngôn ngữ phát biểu ra lại dễ gây hiểu lầm.
Nếu phân tích thẳng vào cái “ngôn ngoại” ấy, từ thiêng liêng nhất, mộc mạc, giản dị nhất đương nhiên là “anh yêu em” rồi. Không thể nào nhìn một câu hát ấy để đánh giá bài đó hay không hay được, mà một bài hát hay phải được xác định trên hệ thống ca từ của cả một bài, hoặc cấu trúc, chất liệu âm nhạc, ngôn ngữ và cách triển khai âm nhạc trong bài hát đó, không chỉ đơn giản là chỉ vì một cái chữ “anh yêu em”.
Trong trường hợp này là “ý tại ngôn ngoại”, có nghĩa là chúng ta hãy tránh xa những từ dễ dãi, theo phong trào. Nghệ thuật mà lại đi theo phong trào, những thứ dễ dài thì không còn là nghệ thuật nữa.
Những năm qua, anh có vẻ im ắng trong hoạt động âm nhạc?
Vài năm gần đây, tôi tập trung vào sản xuất album cho các ca sĩ, không phát hành những bài hát của mình một cách lẻ tẻ nữa. Ví dụ, tôi có một album 12 tháng, đại khái giống như một album lịch, đã bán độc quyền cho ca sĩ Đinh Hiền Anh. Tôi hy vọng ê kíp của Đinh Hiền Anh sẽ sớm hoàn thiện album 12 tháng để ra mắt công chúng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tôi cũng sáng tác các bài hát cho album của Hồng Nhung (bài “Thư Hà Nội”) và các ca sĩ khác.
Sắp tới, anh có kế hoạch cho một sản phẩm âm nhạc của riêng anh không?
Sau hai album “Giọt sương bay lên” và “Ngồi trên vách nắng”, đến nay, tôi đã sản xuất thêm 10 album nữa. Nhưng về thời điểm để công bố, tôi và ê kíp cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Tôi cũng băn khoăn sẽ ra phát hành các album này ở dạng nào.
Nếu phát hành đĩa, tôi lo ngại tình trạng đĩa lậu vẫn còn tràn lan. Tôi và ê kíp co lưu tâm đến việc phát hành online, hoặc cho các ứng dụng trên điện thoại.
Tuy vậy, tôi vẫn tiếp tục giới thiệu lần lượt các tác phẩm, các đoạn trích ngắn qua những chương trình truyền hình như “S-Việt Nam”.
Có được vợ qua 4 ván bi-a thua
Đến nay, cuộc hôn nhân của anh đã đi được chặng đường hơn một năm. Anh có thể chia sẻ một chút về cảm nhận trong một năm qua?
Tôi thấy rằng, cuộc hôn nhân một năm qua rất hạnh phúc. Như kiểu, chiếc thuyền đã vào bến rồi, và bây giờ chàng trai đang ở bến đấy để trồng trọt nên những khu vườn mới, bắt đầu canh tác, không còn du canh, du cư nữa.
Khoảng cách tuổi tác có ảnh hưởng gì đến cuộc hôn nhân của anh không?
Tôi thấy rất tuyệt vời. Người chồng có sự từng trải, chín chắn. Người vợ có sự tươi trẻ. Tôi nghĩ rằng đó là một sự kết hợp tuyệt vời, không có ảnh hưởng gì cả. Khi có thêm em bé Dọc Mùng, đó là một chất kết dính gia đình, một dấu gạch nối rất đáng yêu.
Ngoài ra, khoảng cách này có sự tương hỗ hai chiều. Ví dụ, tôi có sự từng trải, kiến thức, tôi thường xuyên trao đổi, nói chuyện với vợ. Ngược lại, vợ có những kỹ năng như vẽ tranh, giúp tôi có cơ hội học hỏi, làm sống lại khả năng vẽ tranh của mình.
Vào những ngày Chủ nhật, chúng tôi thường cùng nhau vẽ tranh. Tôi cũng ôn luyện lại khả năng vẽ tranh của mình. Tất nhiên là vợ vẽ mười, tôi vẽ một thôi, nhưng nó vừa là động viên, vừa là những phút kết nối hạnh phúc gia đình bằng nghệ thuật.
Nhạc sĩ Vĩnh Tiến và bà xã 9x Lê Vi.
Ngày xưa, anh bị bà xã thu hút ở điểm nào?
Ngày xưa, tôi thấy cô ấy là một nghệ sĩ rất đa tài. Cô ấy xinh đẹp, là một vũ công có thương hiệu, có rất nhiều sáng tạo (nhảy Twerk, Dance Sport, Hiphop), từng giành được nhiều giải thưởng quan trọng trong thành phố. Sau khi theo dõi Facebook, tôi còn phát hiện cô ấy vẽ tranh đẹp, giỏi bánh thạch 3D, và cũng là cô giáo dạy nhảy.
Thấy bạn ấy bách nghệ, tôi nhắn tin làm quen trên Facebook, rồi rủ đi đánh bi-a, thì nhận thấy bạn ấy đánh bi-a cũng giỏi. Tôi đánh 4 ván, thua luôn cả 4. Sau, 4 trận thua đó, cô ấy bắt đầu yêu tôi, phụ nữ là phải để họ thắng thì mới được yêu (cười).
Công việc bận rộn, làm sao anh có thể cân đối được thời gian dành cho gia đình và công việc?
Tôi thường sắp xếp đi công tác trong tuần. Còn cuối tuần tôi ở nhà, tham gia các sinh hoạt gia đình. Tôi nghĩ tạm thời chia thời gian như vậy là hợp lý.
Quan điểm của anh về giáo dục con cái?
Quan điểm của tôi là “tự nhiên”, để cho các bé phát triển một cách tự nhiên, không có ép buộc gì cả. Tất nhiên là mình phải tạo ra môi trường để sự tự nhiên ấy có thể phát triển.
Từ môi trường đấy, các con có thể nhìn thấy từ nếp sống của mình, nghề nghiệp và các hoạt động nghệ thuật của mình. Sau đó, các con thích đi theo định hướng nào thì sẽ theo định hướng đó.
Các con của anh có bộc lộ thiên hướng về nghệ thuật không?
Cháu Bảo Thư (đầu) vẽ tranh rất đẹp. Bảo Nhi nói năng rất tốt, thích làm MC. Còn em Cua và bé Dọc Mùng còn bé. Hy vọng lớn lên sẽ dần bộc lộ những năng khiếu nghệ thuật.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Tú Oanh (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.