Cô gái trẻ bỏ phố, về quê đỡ đầu hàng chục trẻ không may mắn

Thứ bảy, ngày 26/03/2022 11:51 AM (GMT+7)
Từng là hướng dẫn viên du lịch, Thu quyết định nghỉ việc, trở về với mảnh vườn nhỏ tại Đắk Nông. Công việc hàng ngày của Thu là làm vườn và đỡ đầu trẻ khó khăn để các em có cơ hội đến trường.
Bình luận 0

Bỏ phố về quê khởi nghiệp bằng chính mảnh vườn của gia đình

9 năm trước, Huỳnh Thị Tuyết Thu (SN 1988, trú thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) rời TPHCM, trở về quê nhà để khởi nghiệp bằng chính đam mê nghề làm vườn của mình. Một phần thu nhập từ mảnh vườn, Thu dành cho việc thiện nguyện. Mỗi năm, Thu và những người bạn nhận đỡ đầu hơn 20 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với mỗi tháng trung bình hỗ trợ từ 500.000 - 800.000 đồng/ em.

Thu kể, cuối năm 2013, khi đang là hướng dẫn viên du lịch tại TPHCM, cô từ bỏ công việc để trở về quê. Thời điểm đó, không chỉ Thu mà còn rất nhiều người khác cho rằng đó là một quyết định mạo hiểm và cô sẽ khó thể sống lâu dài ở Đắk Nông.

Tuy nhiên, cô gái trẻ vẫn quyết định về quê để khởi nghiệp, bắt đầu bằng chính mảnh vườn của gia đình.

"Vừa về quê được mấy tháng, tôi phát hiện mình bị ung thư. Đối với một cô gái trẻ, căn bệnh ung thư như một "án tử" khiến mình chơi vơi, không xác định được mục tiêu của bản thân. Trải qua muôn vàn cung bậc cảm xúc và tích cực điều trị căn bệnh, mình may mắn cải thiện được tình hình sức khỏe với những tín hiệu lạc quan hơn", Thu nhớ lại thời điểm đó.

Học cách sống lạc quan, bình tĩnh đón nhận mọi việc, Thu tìm đến những triết lý của đạo Phật. Thế rồi, không biết từ bao giờ, Thu dành thời gian của mình cho hoạt động từ thiện, giúp đỡ những số phận bất hạnh với mong muốn truyền đi những thông điệp tích cực như chính Thu đã từng trải nghiệm.

Cô gái trẻ bỏ phố, về quê đỡ đầu hàng chục trẻ không may mắn - Ảnh 1.

Ban đầu, Thu cùng bạn bè giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn của địa phương. Đến giữa năm 2014, Câu lạc bộ Nguyện Tâm được thành lập, cũng từ đó, Thu và mọi người rong ruổi khắp nơi, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.

Đi nhiều, biết nhiều và cảm nhận nhiều, Thu nhận ra, ở vào thời điểm cận kề cái chết, tiền thực sự không còn quan trọng đối với nhiều người. Cuộc sống của những người ở lại mới chính là điều mà họ day dứt nhất. Chính vì thế, Thu nhận thấy mình có trách nhiệm với những đứa trẻ, những người còn sống mà không may mắn.

"Năm 2015, câu lạc bộ nhận hỗ trợ một bé gái người dân tộc Dao bị bệnh suy tủy. Mình và cô bé coi nhau như người nhà vì có thời gian dài cùng nhau đi điều trị bệnh. Sau đó, cô bé gọi điện muốn gặp mình gửi lời cảm ơn, nhưng vì bận công việc, tôi chưa thể đến nhà em ấy. Một tuần sau, tôi nhận được tin cô bé đã qua đời. Lúc đó, bản thân mình cảm thấy rất tiếc nuối, xót xa và cả day dứt", giọng cô gái trẻ trùng xuống, kể lại kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình thiện nguyện 10 năm qua.

Theo Thu, đây cũng là điều khiến Thu luôn tự nhủ, phải cố gắng mỗi ngày, để không để phải nói hai từ "giá như". Chính lần "lỡ hẹn" ấy đã là động lực để Thu càng quyết tâm hơn nữa, cố gắng hơn nữa, giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn để không phải day dứt trong lòng.

Cô gái trẻ bỏ phố, về quê đỡ đầu hàng chục trẻ không may mắn - Ảnh 2.

Cô gái trẻ bỏ phố, về quê đỡ đầu hàng chục trẻ không may mắn - Ảnh 3.

Bỏ phố về quê giúp được nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Sau gần 10 năm gắn bó với công việc thiện nguyện, ban đầu Thu và các thành viên của câu lạc bộ kêu gọi sự đóng góp của các mạnh thường quân để hoạt động. Tuy nhiên, sau đó, để chủ động và ổn định hơn, Câu lạc bộ Nguyện Tâm Đắk Mil hướng sự giúp đỡ đến các đối tượng cụ thể và mang tính lâu dài.

Thu kể, những năm đầu, việc hoạt động của câu lạc bộ còn dài trải, chưa có trọng tâm và giúp đỡ những trường hợp khác nhau. Tuy nhiên sự hỗ trợ "nóng" chỉ có hiệu quả tức thời, nhiều trường hợp lại gặp khó khăn ngay sau đó, Thậm chí có người lợi dụng vấn đề này để trục lợi.

Từ đó, Câu lạc bộ Nguyện Tâm Đắk Mil đã chuyển sang giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để các em có thêm cơ hội được đến trường.

"Phần lớn các em là trẻ mồ côi hoặc bố mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, có nguy cơ phải nghỉ học. Câu lạc bộ đã nhận đỡ đầu các em, trao học bổng và hỗ trợ quần áo, sách vở để các em yên tâm đi học. Đến nay, có 22 em được hỗ trợ mỗi tháng với số tiền 500.000- 800.000 đồng/em", Thu cho hay.

Cô gái trẻ bỏ phố, về quê đỡ đầu hàng chục trẻ không may mắn - Ảnh 4.

Cô gái trẻ bỏ phố, về quê đỡ đầu hàng chục trẻ không may mắn - Ảnh 5.

Đặc biệt, sau khi hoàn cảnh của gia đình 3 bà cháu bà Nguyễn Thị Hải (ở xã Thuận An, huyện Đắk Mil) được báo Dân trí phản ánh, Thu cùng các thành viên câu lạc bộ đã nhận hỗ trợ học phí cho hai chị em Hoàng Thị Thu Trang (SN 2011) và Hoàng Quốc Việt (SN 2012).

Chia sẻ về quyết định này, Thu tâm sự: "Ba bà cháu hàng ngày sống nhờ trong căn nhà bỏ hoang của xã Thuận An, đói no phụ thuộc vào gánh bún của bà ngoại. Trang và Việt có nguy cơ phải nghỉ học vì bà ngoại đã già yếu. Chính vì thế, câu lạc bộ nhận đỡ đầu em đến hết 18 tuổi, nếu các em có nguyện vọng học lên cao, mình và mọi người vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ".

Điều Thu cảm thấy may mắn nhất, đó là những đứa trẻ được nhận hỗ trợ từ câu lạc bộ đã trưởng thành và tự lo cho cuộc sống của bản thân. Thậm chí, sau khi có công việc ổn định, có em đã quay trở lại và đồng hành cùng Thu trong công tác thiện nguyện, tham gia đỡ đầu những hoàn cảnh khó khăn của Đắk Nông.

Viết nên những câu chuyện đẹp từ sự đồng cảm và sẻ chia, Huỳnh Thị Tuyết Thu được chọn là gương mặt thanh niên tiêu biểu của tỉnh Đắk Nông. Cùng năm này, Thu được Trung ương Hội LHTN Việt Nam vinh danh nhận giải thưởng "Thanh niên sống đẹp" năm 2021.

Cô gái trẻ bỏ phố, về quê đỡ đầu hàng chục trẻ không may mắn - Ảnh 6.

Theo Đặng Dương (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem