Cô gái xứ Quảng chinh phục trái nhàu hoang, biến thành "thần dược" hỗ trợ chữa nhiều bệnh

Tuyết Nhung - Trần Hậu Thứ ba, ngày 08/09/2020 06:04 AM (GMT+7)
Sinh ra nơi miền quê trồng nhiều cây nhàu, chị Bùi Thị Tuyết Nhung (38 tuổi, trú khối phố Phú Trung, phường An Phú, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã ấp ủ dự định và mạnh dạn khởi nghiệp từ loại cây dân dã này. Hiện sản phẩm của chị Nhung đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố...
Bình luận 0

Khai thác dược liệu quý theo cách riêng

Cây nhàu là loại cây có giá trị dược liệu rất cao, có tên trong danh sách những cây thuốc quý ở Việt Nam, được trồng nhiều ở miền Nam và một số tỉnh miền Trung. Tại tỉnh Quảng Nam, cây nhàu mọc hoang nhiều nhưng ít người biết tới cách sử dụng quả nhàu để chế ra những bài thuốc chữa bệnh.

Chia sẻ về lý do bén duyên với cây nhàu, chị Bùi Thị Tuyết Nhung cho hay: "Từ nhỏ, tôi đã thấy ba mẹ hay thái nhàu phơi khô làm trà hoặc ăn sống chấm muối để chữa một số bệnh như: Cao huyết áp, nhức mỏi xương khớp, đau lưng, chóng mặt, mất ngủ… Lớn lên tôi dành thời gian tìm hiểu và nhận thấy nhàu không chỉ là loại cây dược liệu quý mà còn có thể đem lại lợi nhuận kinh tế cao, nên quyết định nghỉ việc kế toán, học tập thêm kiến thức và khởi nghiệp từ cây nhàu".

Cô gái xứ Quảng chinh phục trái nhàu hoang - Ảnh 1.

Chị Bùi Thị Tuyết Nhung - chủ cơ sở Bestone trong vườn cây nhàu. Ảnh: T.N

"Tôi đang hoàn thiện sản phẩm nhàu lát khô để được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) điển hình của địa phương. Và hơn hết, tôi hi vọng cây nhàu sẽ sớm trở thành cây trồng phủ xanh những vùng đất bỏ hoang, đem lại kinh tế bền vững cho bà con nông dân".

Chị Bùi Thị Tuyết Nhung

Theo chị Nhung, các bộ phận của cây nhàu từ rễ cây đến lá và trái đều có tác dụng chữa bệnh, nhưng phần trái là có nhiều dược tính nhất. Năm 2017, chị Nhung bắt tay vào tìm tòi, nghiên cứu các tác dụng của trái nhàu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm nhàu lát khô.

Cây nhàu rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, không bị sâu bệnh hại và là cây thuốc quý, nhưng vì chưa thấy được lợi ích từ cây nhàu nên đa số người dân chặt bỏ để trồng cây khác. Vì thế giai đoạn đầu sản xuất, chị Nhung thường xuyên bị thiếu nguồn nguyên liệu trái nhàu tươi tự nhiên.

Chị Nhung chia sẻ, để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất nhàu lát khô, chị trồng vườn nhàu của riêng mình và kết hợp thu mua nhàu tươi của bà con trong vùng. Với sức sống mãnh liệt của cây nhàu, nó có thể sinh trưởng tốt cả ở những vùng đất khó canh tác, bị bà con bỏ hoang.

Cô gái xứ Quảng chinh phục trái nhàu hoang - Ảnh 3.

Sản phẩm nhàu lát khô. Ảnh: T.N

Với hy vọng phủ xanh những vùng đất trống, chị Nhung tích cực hỗ trợ cây giống và kỹ thuật chăm sóc cây nhàu để bà con trồng xen canh thử nghiệm. Bên cạnh đó, chị còn phối hợp với Hội Phụ nữ phường An Phú để hướng dẫn chị em hội viên trồng cây nhàu phát triển kinh tế bền vững.

Đưa cây nhàu phủ xanh đất hoang

Cây nhàu trồng khoảng một năm thì ra trái, được người dân thu hái nhiều đợt trong năm. Khi còn sống, trái nhàu có màu xanh nhạt, lúc chín sẽ chuyển sang màu trắng hoặc vàng nhạt và có mùi hăng, hơi khai. 

Điều này khiến sản phẩm chế biến từ trái nhàu hơi khó dùng với những ai lần đầu tiên sử dụng. Sau khi quen với mùi vị hăng nồng, chua nhẹ của sản phẩm thì mọi người sẽ yêu thích nhàu hơn vì tốt cho sức khỏe.

Sau 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm, năm 2019 chị Nhung thành lập cơ sở Bestone. Mỗi ngày, chị thu mua từ 50-100kg nhàu tươi chín của bà con nông dân trong vùng, với giá 6.000 đồng/kg. 

Cô gái xứ Quảng chinh phục trái nhàu hoang, biến thành "thần dược" hỗ trợ chữa nhiều bệnh - Ảnh 4.

Nhàu lát khô được sử dụng để ngâm rượu hoặc pha trà uống, nhằm hỗ trợ điều trị một số bệnh như: tăng huyết áp, giảm đau lưng, tiểu đường, tăng cường hệ miễn dịch, hen xuyễn, viêm phế quản…

Sau đó, chị đem nhàu về rửa sạch bụi bẩn, cắt lát, để ráo và cho vào lò sấy tạo thành sản phẩm nhàu lát khô, dùng ngâm rượu hoặc pha trà uống, hỗ trợ điều trị nhức mỏi xương khớp, giảm đau, an thần, hỗ trợ tiêu hóa, ổn định huyết áp, ngăn chóng mặt, mất ngủ…

Chị Bùi Thị Tuyết Nhung cho biết: "Cây nhàu là loại dược liệu quý được lưu truyền trong dân gian, đã được y học chứng minh và đưa vào sản xuất để điều trị nhiều loại bệnh. Chính vì thế, tôi không chỉ sản xuất nhàu lát khô, mà còn phát triển các sản phẩm khác như: Bột nhàu, trà nhàu túi lọc, nhàu tươi ngâm mật ong, rễ nhàu ngâm rượu. Tất cả công đoạn sản xuất đều tuân theo quy định của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2, nhằm đảm bảo mang lại một sản phẩm từ thiên nhiên tốt nhất cho người tiêu dùng".

Hiện nay, cơ sở sản xuất của chị Nhung đạt sản lượng 500kg nhàu lát khô mỗi tháng, bán với giá 230.000 đồng/kg. Dù mới đi vào sản xuất nhưng các sản phẩm từ nhàu của cơ sở đã khẳng định được chất lượng và uy tín, xuất bán đi nhiều nơi: Quảng Nam, TP.Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội…

Hiện cơ sở Bestone tạo việc làm ổn định cho 5 lao động là phụ nữ tại địa phương, với mức lương trung bình 4-5 triệu đồng/tháng. 

Chị Lê Thị Thúy Vy (22 tuổi) - nhân công tại cơ sở Bestone vui vẻ nói: "Nhờ hoạt động sản xuất nhàu của chị Nhung mà nhiều vùng đất bỏ hoang nay được phủ xanh, bà con có thêm thu nhập và chị em chúng tôi có được công việc nhẹ nhàng, ổn định".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem