Cô giáo liên tục hỏi tiền phạt học viên dẫn đến cuộc "khẩu chiến" (ảnh cắt từ clip)
Liên quan đến sự việc cô giáo Nguyễn Kim Tuyến (hiện là người sáng lập trung tâm ngoại ngữ MST English tại Hà Nội) chửi rủa học viên là “đầu người, óc lợn” gây xôn xao dư luận, nhìn từ góc độ pháp lý, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng VP Luật sư Ánh sáng Công Lý, Hà Nội) cho biết, hành vi của cô giáo có thể xử phạt hành chính vì có dấu hiệu làm nhục người khác ở chỗ đông người.
“Thậm chí, cô giáo này có thể bị xem xét dưới góc độ hình sự nếu học viên kia có đơn gửi cơ quan tố tụng về hành vi làm nhục người khác bởi việc làm này là lăng mạ học sinh giữa một lớp học có đông người chứng kiến. Việc truy cứu hình sự còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng rõ ràng là có dấu hiệu”, LS Kiên nhìn nhận.
Xét về các quy định luật pháp, quy tắc ứng xử, khi người giảng dạy có những vi phạm như vậy, có thể bị sa thải. Hiện không có quy định cấm dạy vĩnh viễn đối với giáo viên vi phạm kỷ luật. Chỉ trừ trường hợp bị truy cứu hình sự và tòa tuyên án cấm hành nghề sau khi hết án.
Trong khi đó, luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco, Hà Nội) cho biết, theo clip và các thông tin ghi nhận lại, nữ giáo viên này thường xuyên có các lời nói mang tính thô lỗ, thậm chí khó nghe đối với học viên của mình. Chính vì các hành vi phản cảm như vậy, mà nhiều cư dân mạng lên tiếng đòi cơ quan Nhà nước vào cuộc xử lý hành vi vi phạm pháp luật một cách thích đáng.
Ông Phong cho rằng, việc một giáo viên mất bình tĩnh để đưa ra những phát ngôn như vậy là hoàn toàn không phù hợp về mặt đạo đức nhà giáo và không phù hợp với hình ảnh mẫu mực của người giáo viên.
Tuy nhiên, xét trên khía cạnh pháp luật, việc sử dụng những từ ngữ quá khích như vậy chưa đủ để coi là có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học. Bởi trên thực tế qua rất nhiều vụ việc, một hành vi như thế nào được coi là xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc coi là làm nhục người khác đang tồn tại nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau, theo quan điểm của người áp dụng và phải xem xét trong bối cảnh cụ thể. Hành vi này rất khó lượng hoá. Hành vi này cũng không được giải thích hoặc làm rõ trong các văn bản pháp luật nên thường gây ra những tranh luận trái chiều.
Luật sư Phong cho rằng, hành vi của nữ giáo viên trong sự việc này chưa đủ để coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Cũng theo luật sư Phong, giả định hành vi đó đến mức đươc coi là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học thì nữ giáo viên có thể bị xử phạt hành chính.
Cụ thể: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học”.
"Tôi có sai nhưng đó là quy định, cam kết trung tâm đã đặt ra".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.