Cô giáo kinh nghiệm 31 năm vẫn phải đi học chức danh nghề nghiệp
Cô giáo đi dạy 31 năm, sắp về hưu, vẫn phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp
Hà Minh
Thứ hai, ngày 22/03/2021 06:01 AM (GMT+7)
"Tôi đã đứng lớp giảng dạy 31 năm và sắp về hưu mà vẫn phải đi học. Nhiều cô giáo lương thấp cũng phải bỏ ra một khoản tiền và tranh thủ thời gian để có chứng chỉ", cô An bày tỏ.
Sắp về hưu vẫn cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp
Cô Nguyễn Thu An (xin được thay đổi tên) là một giáo viên có thâm niên lâu năm trong nghề. Cô sinh năm 1968, tốt nghiệp Đại học và đến nay đã giảng dạy tại một trường THCS được 31 năm. Được biết, cô An đang nhận hệ số lương 4,98, vượt khung 9%.
Là một giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành sư phạm trong trường đại học, có kinh nghiệm nên suốt những năm qua, cô An giành được không ít thành tích trong công tác giảng dạy. Theo đúng quy định, 3 năm nữa cô An sẽ đủ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, do thông tư mới của Bộ GD-ĐT nên cô An đã phải đăng ký đi học để có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
"Chưa có chỉ đạo từ Phòng, Sở Giáo dục-Đào tạo nên chúng tôi chưa rõ thăng hạng, xếp lương thế nào. Tuy nhiên, tôi và nhiều giáo viên trong trường đã phải đăng ký đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp dịp này. Đáng nói là tôi đã đứng lớp giảng dạy 31 năm và sắp về hưu mà vẫn phải đi học. Nhiều cô giáo lương thấp cũng phải bỏ ra một khoản tiền và tranh thủ thời gian để có chứng chỉ", cô An bày tỏ.
Theo chia sẻ, cô An và các đồng nghiệp đã đăng ký học chứng chỉ qua hình thức online tại một trường đại học. Thời gian học kéo dài 1 tháng và có học phí 2 triệu đồng. Qua tìm hiểu, mức phí tham dự khóa học cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp dao động từ 2-3 triệu đồng tùy theo cơ sở đào tạo. Giáo viên có thể học theo hình thức online, học tập trung tại trường vào buổi tối, cuối tuần hoặc vào dịp hè.
Thực tế, thời gian vừa qua không chỉ với cô An mà rất nhiều giáo viên bày tỏ quan điểm không đồng tình, không cần thiết với việc giáo viên bắt buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Một giáo viên khác bày tỏ quan điểm: "Các viên chức không được đào tạo đúng ngành thì mới cần phải có chứng chỉ nghề nghiệp. Còn giáo viên được đào tạo bài bản để đi dạy thì cần chứng chỉ đó làm gì? Đề nghị Bộ GD-ĐT xem lại và hướng dẫn thực hiện thông tư phù hợp, tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao chất lượng chuyên môn".
"Tôi có bằng đại học từ năm 2012 và có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng 2 nhưng chỉ được hưởng lương hạng 3. Mấy năm nay nhà trường có yêu cầu nộp hồ sơ thi/xét thăng hạng nhưng không thấy tổ chức thi/xét thăng hạng. Không biết theo thông tư mới thì tôi có được xét để nâng lên hạng 2 không nữa", một giáo viên khác cảm thấy lo lắng.
Nên có hay không chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên?
Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư Phạm Hà Nội, với 1 người làm nghề bất kì, việc nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp luôn là việc phải làm. Đặc biệt với các nghề nghiệp làm việc với con người và làm việc trí óc. Giáo viên phải đi tập huấn là bình thường.
Tuy nhiên, nếu đặt ra quá nhiều các cấp bậc, các loại chuẩn nọ kia, việc học tập sẽ dễ rơi vào tình trạng chồng chéo. Ngoài ra, có rất nhiều giáo viên đã tốt nghiệp đại học nhưng khi tính bậc lương lại tính theo bậc cao đẳng. Đến khi yêu cầu đi học nâng hạng, nâng chuẩn, họ có thể rơi vào danh sách phải đi học. Điều này gây rất nhiều bức xúc cho giáo viên.
"Đó là chưa kể các giáo viên có trình độ cao đẳng nhưng sau thời gian làm việc, tích lũy, họ có tay nghề và trình độ cao nhưng không được công nhận mà vẫn bị buộc phải đi học nâng chuẩn. Khi đó, việc học nâng chuẩn đã không còn giữ được giá trị mà còn làm giáo viên bức xúc, khó chịu", Tiến sĩ Hương bày tỏ.
Tiến sĩ Hương cho rằng, việc yêu cầu tất cả giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là không cần thiết: "Những giáo viên có kinh nghiệm lâu năm thì không nhất thiết phải đi học để có chứng chỉ. Theo tôi, họ đã đủ trình độ và kinh nghiệm để được cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Còn những giáo viên mới đi làm trong khoảng thời gian ngắn 5 năm đổ lại thì bắt buộc phải đi học".
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cho rằng: "Theo Luật Viên chức, giáo viên cần phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Chứng chỉ này được dùng công nhận kết quả thành tích học tập, chứng minh viên chức có đủ trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của từng lĩnh vực nghề nghiệp, dùng để xếp lương...
Tuy nhiên, nhiều giáo viên phản đối trong thời gian vừa qua vì một số lý do như họ đang làm nhiệm vụ giảng dạy lại bắt đi học và phải chi một khoản tiền không nhỏ. Chương trình bồi dưỡng lại thiết không phù hợp với đối tượng. Giáo viên có nhiệm vụ dạy học điều họ cần là việc chuẩn bị bài, giảng bài, kiểm tra đánh giá, kiểm tra lớp học, nắm bắt tâm lý học sinh… Nhưng chương trình bồi dưỡng lại chủ yếu dạy kiến thức quản lý.
Việc tổ chức thực hiện cũng không đúng yêu cầu, liên kết đào tạo không đảm bảo, cắt xén chương trình dạy, nặng về việc thu học phí. Giáo viên đi học chỉ vì lo việc xếp lương nên việc học không hiệu quả, không có tác dụng".
Theo ông Vinh: "Bộ GD-ĐT nên tạm thời dừng lại thông tư, thiết kế chỉnh sửa cho rõ, phù hợp để tránh việc đông đảo giáo viên đi học vừa tốn tiền lại không hiệu quả".
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa ký văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục- Đào tạo về việc báo cáo nội dung liên quan đến các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến việc thời gian vừa qua, một số cơ quan báo chí phản ánh về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là đối với giáo viên cơ sở đào tạo công lập trong việc thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT báo cáo cụ thể về nội dung trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp. Đồng thời, Bộ GD-ĐT đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.