Cô giáo loan tin trúng độc đắc để vay bạc tỷ

Thứ tư, ngày 07/08/2013 19:00 PM (GMT+7)
"Để tạo thêm niềm tin, Linh “bí mật” cho tôi biết cô trúng độc đắc 1,5 tỷ đồng nhưng dặn đừng tiết lộ với ai. Sau này khi vỡ nợ, tôi mới biết Linh cũng đã nói với nhiều người khác y như vậy”, cô Mai Hương bức xúc.
Bình luận 0
img
Cô Nhan Mỹ Linh (trái) khi chưa vỡ nợ.

Việc cô giáo Nhan Mỹ Linh của Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), tuyên bố vỡ nợ với số tiền hơn 4 tỷ đồng (chưa kể hụi “chết”), khiến nhiều người mất ăn, mất ngủ. Trong đó, lo lắng nhất vẫn là những giáo viên, người quen đã lỡ cho cô Linh vay tiền bởi chưa biết khi nào mới lấy lại đủ vốn.

Bằng cách nào một cô giáo có thể huy động số tiền lên đến hàng tỷ đồng? Câu trả lời cũng khá đơn giản: Dựa vào nhà cửa khang trang, có nhiều tài sản giá trị, vẻ bề ngoài lại sang trọng nên tạo được niềm tin. Đồng thời, khi hỏi vay thì hỏi riêng lẻ từng người và yêu cầu chủ nợ giữ “bí mật”, không tiết lộ với người khác.

Lợi dụng quen biết

Cô Ngọc Hà, giáo viên cùng trường với cô Linh (do yêu cầu của người cung cấp thông tin, tên các chủ nợ trong bài đều được thay đổi), trình bày: “Do chỗ bạn bè thân thiết với nhau từ thời học phổ thông nên thấy Linh khá giả tôi cũng mừng. Ngày 27.10.2012, Linh hỏi mượn tôi 40 triệu đồng nói là huy động vốn để cho vay đáo hạn ngân hàng. Linh tự đề ra với mức lãi 40.000 đồng/ngày cho mỗi 10 triệu đồng tiền mượn (12%/tháng).

Đến ngày 8.1.2013, Linh hỏi mượn tiếp 3,5 chỉ vàng 9999, nói là sửa nhà để mở lớp gia sư và đầu tư cơ sở đánh bóng gạo như cách làm của một người cô ở huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), tôi không ngần ngại đồng ý.

Gần 2 tháng sau, Linh chỉ trả được 0,5 chỉ vàng rồi “im hơi lặng tiếng”. Đến ngày 13.3.2013, Linh nói đã bị người ta giựt 900 triệu đồng nên không có tiền trả cho tôi. Khi tôi hỏi ai giựt tiền thì Linh ấp úng không trả lời được.

Tôi thấy cô ta có ý định cố tình mượn tiền không trả thì đúng hơn bởi sau khi tuyên bố vỡ nợ vào ngày 18.3.2013, Linh đã sang tên chiếc Future Neo màu xanh cho người thân, còn chiếc SH thì đem đi đâu không rõ. Nay tôi chỉ mong sao cơ quan chức năng can thiệp để tôi được nhận lại 52 triệu đồng tiền vốn, không cần tính lãi”.

Hợp đồng mượn tiền do cô Linh tự soạn và ký tên sẵn
Hợp đồng mượn tiền do cô Linh tự soạn và ký tên sẵn

Nếu như cô Ngọc Hà còn may mắn nhận được tiền lãi trong mấy tháng đầu thì cô Mai Hương, cũng là giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Thoại, lại xui xẻo hơn nhiều khi chẳng nhận lại được đồng nào từ khi cho cô Linh mượn 60 triệu đồng vào ngày 7.3.2013.

“Khi mượn tiền, Linh đã đánh máy sẵn hợp đồng và tự đề ra lãi suất 8%/tháng. Linh nói với tôi là cô đang buôn bán mỹ phẩm, dự định mở lớp luyện thi đại học tại nhà, đầu tư cơ sở đánh bóng gạo. Linh còn khoe định mua đất gần nhà 2 vợ chồng đang sống (ấp Nam Sơn, thị trấn Núi Sập) để xây nhà trọ, mở shop bán quần áo.

Để tạo thêm niềm tin, Linh “bí mật” cho tôi biết chồng cô vừa trúng số an ủi, còn cô trúng độc đắc 1,5 tỷ đồng nhưng dặn tôi đừng tiết lộ với ai bởi mẹ cô muốn coi đó như “của hồi môn”, không xài đến. Sau này khi vỡ nợ, tôi mới biết Linh cũng đã nói với nhiều người khác y như vậy, nhằm mượn được nhiều tiền”, cô Mai Hương bức xúc.

Hô lãi suất khủng để mượn được nhiều tiền

Qua tìm hiểu của phóng viên, đa phần những người cho cô Linh mượn tiền đều là giáo viên, cán bộ, công chức hoặc người quen ở gần thị trấn Núi Sập. Số tiền mỗi người cho mượn dao động từ 50 triệu đồng cho đến hơn 400 triệu đồng, lãi suất từ 3 - 12%/tháng nhưng phần nhiều là 8%/tháng.

Cũng có trường hợp như cô Mỹ Thu, dù đã chuyển công tác từ Trường THPT Nguyễn Văn Thoại về một trường ở TP.Long Xuyên (tỉnh An Giang) nhưng vẫn trở thành “chủ nợ bất đắc dĩ” của cô Linh với số tiền 307 triệu đồng, bao gồm 277 triệu đồng tiền mượn và 30 triệu đồng tiền hụi “chết”.

“Sau khi bị vỡ nợ, Linh có mời lại nhà, làm cam kết mỗi tháng chuyển khoản cho tôi 3 triệu đồng, thanh toán đến khi nào hết nợ thì thôi. Nếu trả cách này thì phải đến hơn 100 tháng, tức 8 – 9 năm mới thanh toán xong. Đó là chưa kể trong khoản thời gian này biết đâu có trục trặc gì, tiền nợ bị gián đoạn lại. Tin tưởng Linh tôi mới gom hết vốn liếng cho mượn, giờ không biết phải tính sao”, cô Thu nói.

Trực tiếp tìm gặp cô Nhan Mỹ Linh để tìm hiểu sự việc, cô cho biết, trong số 26 chủ nợ hiện nay, cô đã thỏa thuận được hình thức thanh toán với 21 người. “Tôi đã thương lượng trả dần từ 0,5 – 1 triệu đồng/tháng cho mỗi người. Tính ra mỗi tháng vợ chồng tôi phải “cày” trả nợ 12,5 triệu đồng . Số tiền này đâu phải là nhỏ”, cô Linh nói.

Khi phóng viên hỏi chi tiết về số nợ, mục đích sử dụng số tiền mượn làm gì, nguyên nhân vỡ nợ…, cô Linh không đồng ý trả lời mà tỏ thái độ bực bội: “Mọi chuyện tôi đã giải trình với Công an huyện Thoại Sơn rồi. Tôi không muốn giải thích gì thêm nữa”. Cô Linh còn cho rằng, chính các chủ nợ đang “chơi xấu”, không “nghĩa khí” với mình.

“Các chủ nợ đều là bạn bè thân thiết, từng lên nhà tôi ăn nhậu, tôi chưa hề tính toán đồng nào. Vậy mà khi người ta rơi vào… đường cùng, họ lại không thông cảm mà còn thưa gởi nhiều nơi. Uy tín vợ chồng tôi còn gì nữa”, cô giáo này như không còn giữ được bình tĩnh.

Nhiều chủ nợ do lo lắng cô Linh cố tình kéo dài thời gian trả nợ để tẩu tán tài sản nên đã làm đơn tố cáo gởi đến Công an huyện Thoại Sơn yêu cầu đơn vị này vào cuộc điều tra, đồng thời, có biện pháp ngăn chặn vợ chồng Linh bán tài sản cho người khác để trốn nợ.

Mất hai lần tìm đến Công an huyện Thoại Sơn để nắm chi tiết về trường hợp này nhưng phóng viên đều chỉ nhận được câu trả lời: “Lãnh đạo đã đi công tác, ở đây không cung cấp thông tin được. Khi nào đồng chí Trưởng Công an huyện về, tôi sẽ báo cáo để hẹn gặp nhà báo sau”.

Bài, ảnh: : Thoại Giang (Bài, ảnh: : Thoại Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem