Chuẩn bị tâm lý và sức khỏe vững vàng thi môn Ngữ văn vào lớp 10
Chỉ còn ít ngày nữa là hơn 100.000 thí sinh sẽ bắt đầu kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội. Theo công bố của Sở GDĐT Hà Nội, tỉ lệ "chọi" trung bình năm nay của các thí sinh là 1/1,79, cao nhất trong ba năm qua. Những con số, những tỉ lệ… đang vô hình tạo nên áp lực cho tất cả các học sinh, giáo viên và phụ huynh. Vậy làm thế nào để các con có thể "vượt vũ môn" thành công ở bài thi môn Ngữ văn?
Chia sẻ với báo Dân Việt, cô giáo Phạm Thị Công Nương, giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THCS Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội đã có những chia sẻ, dặn dò học sinh trước lúc "lên đường":
"Thứ nhất - Càng gần đến ngày thi các em càng cần giữ gìn tốt sức khỏe, đảm bảo cân đối giữa thời gian ôn tập và nghỉ ngơi, tránh căng thẳng về tâm lý, tránh thức khuya ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của ngày hôm sau.
Thứ hai - Cần sắp xếp thời lượng học ba môn Văn - Toán - Anh hợp lý. Riêng với môn Văn, các em cần có bảng hệ thống các kiến thức cần ôn tập, đánh dấu những phần đã nắm chắc, ghi chú những phần chưa ôn tập kỹ để dành thời gian nhiều hơn cho phần này.
Ví dụ các em có thể hệ thống môn Văn theo các phần: Văn học trung đại Việt Nam, Văn học hiện đại Việt Nam (thơ, truyện), Văn bản nhật dụng, Văn học nước ngoài, Tiếng Việt, Nghị luận xã hội…
Ở mỗi phần các em cần tự kiểm tra lại kiến thức của mình (có thể nhờ bố mẹ, anh chị giúp đỡ).
Trên lớp, các em chú ý lắng nghe nội dung ôn tập của các thầy cô giáo, mạnh dạn chia sẻ với thầy cô những phần mình còn chưa nắm chắc cả về kỹ năng và kiến thức để thầy cô và các bạn cùng hỗ trợ.
Nắm chắc kiến thức
Thứ ba - Đề thi vào 10 môn Ngữ văn tại Hà Nội trong những năm gần đây vẫn theo cấu trúc 2 phần:
Phần I (6,5 - 7 điểm): Nghị luận văn học (tập trung vào các văn bản đã học trong chương trình Ngữ văn 9)
Phần II (3 - 3,5 điểm): Nghị luận xã hội (chú trọng các vấn đề xã hội có tính chất thời sự quen thuộc, gần gũi với học sinh)
Với cả 2 phần này các con học sinh cần chú ý các kĩ năng chung như: kĩ năng phân tích đề, kĩ năng khai thác, lựa chọn, vận dụng kiến thức (cần chú ý gạch chân các từ khóa, các yêu cầu của đề bài).
*Phần trả lời các câu hỏi đọc - hiểu: mỗi dạng câu hỏi, học sinh cần chú ý các bước làm bài theo trình tự, tránh bỏ sót, thừa hoặc thiếu ý.
*Phần đoạn văn nghị luận văn học: học sinh cần chú ý đặc trưng thể loại (thơ hoặc truyện) để từ đó có các bước lập ý, đưa dẫn chứng, viết đoạn phù hợp, hiệu quả.
Một đoạn văn nghị luận văn học sẽ đạt điểm cao khi đáp ứng được các yêu cầu sau: viết đúng, viết đủ, viết hay, viết có cảm xúc, có hình ảnh, có giọng điệu, phong cách riêng.
Một số lỗi học sinh thường gặp khi viết đoạn văn nghị luận văn học: sai hình thức đoạn văn, phân tích đề không kĩ nên lạc trọng tâm, sai kiểu bài, chia ý bị "lệch", có ý phân tích quá nhiều, có ý phân tích quá ít, có ý không liên quan đến đề bài, diễn xuôi thơ, kể lại truyện, không biết kết hợp phân tích nghệ thuật với nội dung…
*Phần đoạn văn nghị luận xã hội: học sinh chú ý 2 kiểu bài (nghị luận về một tư tưởng, đạo lí hay nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống)
Một đoạn văn nghị luận xã hội sẽ gây ấn tượng với giám khảo khi đáp ứng những yêu cầu sau: học sinh hiểu và phân tích đúng trọng tâm của vấn đề, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục, đưa ra những thông điệp tích cực, nhân văn, phần nhận thức - hành động liên hệ phù hợp với lứa tuổi học sinh. Ưu tiên những đoạn văn có phản biện sắc sảo, mở rộng, đánh giá, nâng cao vấn đề phù hợp, sáng tạo.
Một số lỗi thường gặp khi học sinh viết đoạn văn nghị luận xã hội: sai kiểu bài, xác định vấn đề sai nên lạc hướng, chưa hiểu vấn đề nghị luận nên viết lan man, kể lể, dẫn chứng không phù hợp, có cái nhìn tiêu cực, phiến diện…
Chú ý: Trong lúc làm bài thi môn Văn các em cũng cần nháp bài một cách khoa học, ghi ra nháp các ý chính theo trình tự, các câu văn có yếu tố Tiếng Việt cần viết ra nháp, kiểm tra lại trước khi đưa vào bài…
Thứ tư - Mỗi bài thi môn Văn là một văn bản viết mà các em đang giao tiếp "ngầm" với thầy cô giáo ra đề thi và với thầy cô giáo đang chấm thi để thể hiện, khẳng định mình qua kiến thức, kỹ năng, cách trả lời. cách trình bày… Vì vậy trong mọi câu trả lời các em cần tuân thủ các phương châm hội thoại mà mình đã học: phương châm về chất (đúng), phương châm về lượng (đủ), phương châm quan hệ (trúng), phương châm cách thức (gọn, rõ, hay, trình bày sạch, đẹp), phương châm lịch sự (trả lời có chủ ngữ, vị ngữ…)
Chúc các em ôn tập tốt và khẳng định mình thành công trong kì thi sắp tới!
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ diễn ra ngày từ 10 - 12/6, trong đó ngày 10 và 11/6, học sinh thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; thí sinh đăng ký nguyện vọng trường chuyên tiếp tục làm bài thi môn chuyên vào ngày 12/6.
Năm học 2023 – 2024, Hà Nội dự kiến tuyển vào trường THPT khoảng 102.000 học sinh; trong đó 72.000 em được tuyển vào trường công lập (chiếm tỷ lệ 55,7%).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.