Cô giáo trổ tài cắm cúc họa mi "cực phẩm", mách bí quyết giữ hoa tươi lâu

Mộc Thứ tư, ngày 01/12/2021 08:25 AM (GMT+7)
Những cách cắm cúc họa mi của chị Ngọc Phương ( Hà Nội) sẽ giúp bạn có thêm ý tưởng trang trí không gian sống, mang lại vẻ đẹp ấm cúng và trang nhã cho căn nhà.
Bình luận 0

Cách cắm cúc họa mi của cô giáo Đặng Ngọc Phương ( giáo viên dạy Văn trường chuyên ở Hà Nội) khiến nhiều người mê mẩn.

Mấy năm nay, cô giáo Phương vẫn giữ thói quen cắm hoa để khởi động ngày mới và tái tạo năng lượng sau những giờ làm việc căng thẳng. Có tình yêu với hoa lá, cây cỏ từ khi còn nhỏ nên thú chơi hoa như một niềm hạnh phúc giúp chị thư giãn, cải thiện tinh thần.

t - Ảnh 1.

Cô giáo dạy Văn cắm cúc họa mi đẹp ngây ngất, ngỡ đem cả vườn cúc họa mi thu nhỏ vào nhà, vừa thưởng một ngụm trà, đọc vài trang sách.

Đối với chị Ngọc Phương, cắm hoa không chỉ làm đẹp không gian sống mà còn giúp chị thỏa sức sáng tạo, thư thái hơn sau những giờ đứng lớp trên bục giảng. Chị thường chọn các loài hoa theo mùa để cắm trong nhà. Chính vì vậy ngôi nhà chị quanh năm luôn ngập tràn hương sắc của các loài hoa.

Kinh nghiệm cắm cúc họa mi

Thời gian này, khi mùa cúc họa mi đến, chị Ngọc Phương phải tìm mua bằng được những bó cúc họa mi để về trang trí cho tổ ấm của mình trước khi mùa hoa kết thúc.

Theo kinh nghiệm của chị Ngọc Phương, dùng bình chum là dễ cắm cúc họa mi nhất, vì bụng bình to, có chỗ tựa cành để hoa ngả tròn sang hai bên. Nếu cắm cúc vào bình mà thân thẳng, dốc sẽ khó cắm hơn nhiều.

Trong các bình chị Phương cắm cúc họa mi thì có bình công và bình kệ là dùng xốp vì khay nông hoặc miệng bình quá rộng, không có chỗ tựa cành. Hoạ mi hợp với tất cả các loại bình, nhưng hợp gốm hơn cả.

Để cắm cúc họa mi được bình hoa tròn đều, trước hết bạn cần nhiều hoa, từ 3-9 bó tuỳ bình to nhỏ. Nguyên tắc ngắn gọn: tạo khung hình quạt rồi điền vào chỗ trống.

Chị Phương thường xuyên cắm hoa được hơn một năm nay. Từ ngày cắm hoa, chị vui vẻ hơn, có thêm nhiều người bạn đáng quý. Chị cũng từng chia sẻ vui rằng, từ lúc cắm hoa, chị "bận" yêu đời, không có thời gian để buồn, năng lượng tích cực từ những bình hoa chị cắm cũng lan tỏa khắp ngôi nhà.

t - Ảnh 2.

Chị Ngọc Phương yêu hoa nên dù bận rộn, chị vẫn dành thời gian tạo góc thư giãn lãng mạn với hoa lá cho riêng mình.

Cách chọn và chăm cúc họa mi để tươi lâu

Chị Ngọc Phương thường đợi đến chính vụ để mua được cúc hoạ mi Nhật Tân. Đầu mùa, khoảng tháng 10 cũng có cúc nhưng là cúc hoạ mi trồng ở các tỉnh vùng cao phía Bắc như Lai Châu, Sơn La, cánh nhọn hơi xoăn, bông không căng đẹp như cúc Nhật Tân trồng ở Hà Nội.

Cúc Nhật Tân bông trắng tinh, cánh tròn, nhuỵ vàng điểm xanh. Vào chính vụ, hoa rẻ, lại đẹp hơn cúc đầu mùa. Hoa khi mua hơi nụ thì sẽ rất bền, có thể cắm được hai tuần.

t - Ảnh 3.

Hoạ mi hợp với tất cả các loại bình, nhưng hợp gốm hơn cả, chị Phương cho hay.

Sau khi mua hoa về, chị Phương cho hoa vào xô vài tiếng để hồi lại rồi mới cắm. Nếu cắm bình to không lo phải thay nước hàng ngày, chỉ cần khi sơ chế hoa rửa chân hoa, cắt chéo và tuốt hết lá phía dưới, không để ngập nước, hằng ngày chỉ thêm nước.

Nếu cắm gác cành, có những bông sát miệng bình chị Phương luôn đổ nước đến miệng bình. Nếu cắm khay công, chị hay thêm nước ngập ít nhất nửa khay để hoa không bao giờ bị thiếu nước.

t - Ảnh 4.

Lọ hoa cúc họa mi tạo dáng chim công đẹp mắt của chị Ngọc Phương.

Chị Phương chia sẻ thêm, cúc rất bền, lá vàng khô quắt nhưng hoa vẫn tươi rói. Sau 1 tuần, thích đổi kiểu, chỉ cần dỡ hoa ra tuốt lá vàng, cắt ngắn bớt, rửa chân hoa rồi đổi bình. Nước cũ trong bình đổ đi không có mùi hôi khó chịu.

t - Ảnh 5.

Dưới bàn tay khéo léo của chị Phương, tác phẩm "suối hoa" cúc hoa mi vô cùng ấn tượng.

( Ảnh trong bài do NVCC)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem