Cơ hội nào cho cổ phiếu ngân hàng sau dịch Covid-19?

Quốc Hải Thứ hai, ngày 30/03/2020 08:30 AM (GMT+7)
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã có ngân hàng (NH) công bố điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch giảm đáng kể so với năm 2019. Xu hướng này được dự báo sẽ còn diễn ra ở nhiều NH khác trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp và việc xử lý nợ xấu càng thêm trở ngại bởi các khoản vay thế chấp bằng bất động sản mất giá.
Bình luận 0

Theo số liệu thống kê của ngành, từ đầu tháng 3/2020 đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán đa số đều đã giảm giá trên 20%.

img

HDB là mã cổ phiếu giảm giá mạnh nhất từ đầu tháng 3 đến nay (Ảnh: IT)

Cổ phiếu “vua” lao dốc mạnh

Giảm giá mạnh nhất từ đầu tháng đến nay trong nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng là mã HDB của Ngân hàng HDBank. Từ mức giá 27.700 đồng/CP hồi đầu tháng 3 (phiên giao dịch ngày 2/3), hiện cổ phiếu này chỉ còn giao dịch ở mức giá 18.250 đồng/CP, giảm 9.450 đồng/CP (tương ứng giảm 34,1%).  Xếp thứ 2 trong nhóm về đà giảm là mã STB của Sacombank. Từ mức giá 12.350 đồng/CP hồi đầu tháng 3, hiện giá cổ phiếu STB đã giảm về mức dưới mệnh giá, chỉ còn 8.210 đồng/CP; tương ứng cổ phiếu “lao dốc” khoảng 33,5% (ứng với mỗi cổ phiếu mất khoảng 4.140 đồng/CP).

Hàng loạt các mã cổ phiếu ngân hàng khác cũng giảm giá trên 20%, chẳng hạn như: MBB giảm khoảng 28,4%; VPB giảm khoảng 28,1%; TCB giảm khoảng 28,1%; BID giảm 27,5%; CTG giảm khoảng 26,2%; VCB giảm khoảng 22,2%...

Đà giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng thời gian qua được lý giải bởi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nền kinh tế trở nên khó khăn hơn, tăng trưởng tín dụng thấp… Số liệu của Tổng Cục thống kê cho thấy, tính đến thời điểm 20/03, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%), tương ứng với mức tăng thêm gần 163.900 tỷ đồng. Trong đó, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%).

Đáng chú ý, tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm trước tăng 1,9%), tương đương với lượng tín dụng tăng thêm chỉ là hơn 55.700 tỷ đồng.

Như vậy, chệnh lệch giữa mức tăng trưởng M2 và tín dụng tăng thêm là khoảng 108.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, hệ thống ngân hàng đã được bổ sung thêm một lượng lớn thanh khoản chỉ trong 3 tháng đầu năm và rơi vào tình trạng dư thừa khi các nhà băng gặp khó khăn trong hoạt động cho vay.

img

Thống kê của KIS Việt Nam

Ngoài những yếu tố trên, trong 1 tuần qua, những thông tin khó khăn của các nhà băng, kể cả một số “ông lớn” thuộc nhóm BIG 4 cũng tác động  tới giá cổ phiếu nhóm ngân hàng và có thể sẽ làm những mã cổ phiếu ngân hàng trên tiếp tục sụt giảm giá trong những phiên giao dịch đầu tuần tới.

Cơ hội nào cho cổ phiếu ngân hàng?

Dù dịch Covid-19 và những thông tin khá bất lợi cho ngành ngân hàng liên tục xuất hiện những tuần qua, khiến nhóm cổ phiếu “vua” bốc hơi mạnh, song giới chuyên gia vẫn đặt kỳ vọng cho nhóm cổ phiếu này sau khi kết thúc dịch.

TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nêu một số điểm đáng lưu ý với ngành này. Trước hết là nhu cầu tín dụng của các DN trong năm nay sẽ không tăng mạnh như những năm trước khiến lợi nhuận từ tăng trưởng tín dụng sẽ giảm. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng, dẫn đến việc phải tăng trích lập dự phòng, từ đó kéo giảm lợi nhuận. Mặt khác, hoạt động dịch vụ của ngành ngân hàng năm nay cũng có thể sẽ sụt giảm.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về giãn nợ, giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp sẽ làm giảm một phần lợi nhuận của ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Tín cũng nhận định, có 4 cơ hội để các ngân hàng vươn lên cũng như vượt qua được thách thức trong năm nay.

Thứ nhất là xử lý nợ xấu. Nhìn theo xu hướng tích cực thì có 11 trong số 35 đơn vị ngân hàng đã mua lại sạch nợ xấu từ VAMC như VIB, Vietcombank, Techcombank, TPBank, Nam A Bank, Agribank, Kienlongbank, MBBank... Đây được xem là một tín hiệu khá tích cực khi mà hệ thống các ngân hàng đang nỗ lực trong việc xử lý nợ xấu.

Thứ hai là nỗ lực tuân thủ Basel 2. Đến thời điểm này đã có 19 NH tuân thủ Basel 2. Do vậy, nếu các NH còn lại kết hợp cùng với 19 NH trên áp dụng đúng, đủ các quy định, tiêu chuẩn trong Basel 2 (cụ thể hóa trong thông tư 41) thì chắc chắn rằng việc tuân thủ đúng Basel 2 sẽ giúp cho các hệ thống ngân hàng Việt Nam vừa kinh doanh hiệu quả vừa quản lý tốt được rủi ro. Và khi hoạt động kinh doanh đi liền với việc quản lý tốt rủi ro thì NH sẽ có cơ hội đạt lợi nhuận thực chất vào năm 2020.

Thứ ba là đồng lòng theo chính sách của NHNN. Hiện nay các NH đã đồng lòng theo chính sách của NHNN đó là hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, cho người dân đặc biệt là những trường hợp bị thiệt hại, tổn thất vì dịch Covid-19 để họ kinh doanh. Theo như chính sách của NHNN thì nhìn bề ngoài có vẻ như các hệ thống NH sẽ bị thiệt. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể thì nếu NH nào có nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch Covid 19 thì NH đó sẽ tăng được nguồn thu. Bởi vì nếu NH mà tăng về nguồn thu khách hàng thì hoạt động kinh doanh sẽ tốt hơn.

Thứ tư là hệ thống NH sẽ nỗ lực tăng nguồn thu về dịch vụ. Đa số các NH đều có nguồn thu về cho vay hơn là nguồn thu từ dịch vụ ( khoảng 10 - 15% ). Chỉ một số NH lớn mới có nguồn thu từ dịch vụ tăng cao còn lại những NH nhỏ lẻ hay NH trung bình khác thì có nguồn thu từ dịch vụ chỉ chiếm khoảng 20%. Cho nên trong giai đoạn dịch covid-19 này, đó cũng vừa là thách thức vừa là một có hội để NH trong năm 2020 thay đổi cơ cấu nguồn thu.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem