Chiều 13.7, luật sư Nguyễn Thanh Huy, Đoàn luật sư Đắk Nông cho biết, sáng cùng ngày ông đã giúp bị can Đặng Văn Hiến- người vừa bị TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên tử hình về tội "Giết người"- gửi Đơn xin ân giảm đến Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện KSND tối cao.
Đặng Văn Hiến ôm con khóc nức nở trong ngày ra đầu thú.
Đặng Văn Hiến năm nay 42 tuổi, người dân tộc Nùng, được xác định đã bắn chết 3 người và nhiều người khác bị thương hôm 23.10.2016 tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông). Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, mặc dù các luật sư đã đưa ra nhiều luận cứ cho rằng bị cáo này đã giết người trong trạng thái bị kích động mạnh, hành vi của Hiến không mang tính chất côn đồ nhưng HĐXX đã không chấp nhận. Trong cả hai phiên tòa bị cáo này đều bị tuyên tử hình.
Như Dân Việt đã đưa tin, hành vi bắn người của bị cáo Hiến bắt nguồn từ việc khi Công ty Long Sơn cho hàng chục người cùng máy móc đến phá rẫy điều của ông và nhiều người khác. Cáo trạng cũng khẳng định, người của Công ty Long Sơn đã phạm tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản".
Theo đơn của bị cáo Hiến, ông đã có hành động vi phạm pháp luật khi đứng trước nguy cơ bị triệt đường sống.
Đáng chú ý, sau khi gây án xong, ngày 27.10.2016, bị cáo Hiến và gia đình đã nhờ Báo NTNN/Dân Việt đưa ra đầu thú. Quá trình điều tra, bị cáo này đã thành khẩn khai báo, tác động gia đình khắc phục một phần hậu quả cho gia đình các nạn nhân. Gia đình các bị hại cũng có đơn xin giảm án cho bị cáo này ngay sau khi có phán quyết của tòa sơ thẩm.
Trong đơn xin ân giảm, bị cáo Hiến cho biết, từ năm 2008 đến năm 2016, Công ty Long Sơn đã bất chấp sự chỉ đạo của Trung ương và địa phương, tổ chức nhiều đợt càn quét phá rẫy, phá nhà của người dân nghèo nơi ông đang sinh sống; gây thiệt hại hàng trăm ha cây trồng là nguồn sống chính của người dân. Và mặc dù có sự chỉ đạo từ Văn phòng TƯ Đảng, Chính Phủ nhưng chính quyền địa phương đã không có biện pháp ngăn chặn kịp thời làm cho người dân mất niềm tin và bức xúc cao độ.
Vợ bị cáo Hiến khóc ngất sau phiên tòa phúc thẩm.
Chính vì vậy mà ngày 23.10.2016, đứng trước nguy cơ bị triệt đường sống khi Công ty Long Sơn đưa lực lượng cùng hung khí, khiên, giáp... và các phương tiện cơ giới đến san ủi nhà cửa, vườn điều của gia đình và một số hộ dân khác, ông đã bức xúc và dùng súng thể thao để chống trả.
Khi tĩnh tâm lại, ông đã nhận thức được hành động của mình là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, đã gây ra sự đau thương mất mát lớn. Tuy nhiên, hành động ấy của ông đã bộc phát do dồn nén nhiều năm liền bởi những tác động từ phía Công ty Long Sơn.
"Gia đình các nạn nhân đã thấu hiểu nguồn cơn sự việc nên đã có sự cảm thông lớn với hoàn cảnh của tôi muốn cho tôi một cơ hội sống. Bản thân tôi là người dân tộc thiểu số nghèo khó từ Lạng Sơn vào kiếm sống ở Đắk Nông và phải vào nơi sơn cùng, thủy tận để tìm kế sinh nhai. Hiện tôi đang nuôi con nhỏ, vợ yếu. Lúc thực hiện hành vi phạm tội, tôi đã toan kết liễu đời mình nhưng nhờ bà con động viên tôi đã ra đầu thú để mong nhận được sự khoan hồng của luật pháp. Chính khi tiếp nhận tôi, có những chiến sĩ Bộ Công an đã rơi nước mắt khi chứng kiến hoàn cảnh của gia đình tôi, các anh đã vỗ về động viên trao cho tôi niềm tin về chính sách khoan hồng của Nhà Nước" - trích đơn xin ân giảm của ông Hiến.
"Tôi biết là mình rất khó biện minh cho hành vi sai phạm và còn bao nhiêu điều tôi muốn viết lên trong đơn này để giãi bày hết sự tình, nhưng tôi tin rằng quý cấp sẽ cân nhắc, xem xét kỹ hồ sơ vụ án cũng như hoàn cảnh, nguyên nhân phạm tội để quyết định sinh mệnh của một tử tù... dù là chút hi vọng mong manh giữa thời khắc sinh tử tôi vẫn cầu mong quý cấp sẽ thấu hiểu được bản chất của vụ việc để cho tôi được miễn tội chết", bị cáo Hiến thiết tha viết.
Vợ bị cáo Hiến và hàng trăm người dân cầu xin cho Hiến được thoát khỏi án tử hình.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Huy, hoàn cảnh phạm tội của Hiến là do khách quan mang tới. Bị cáo này phạm tội một cách thụ động không phải xuất phát từ bản chất côn đồ, hung hãn.
"Án tử hình chỉ áp dụng cho những đối tượng không còn khả năng cải tạo, giáo dục, còn Đặng Văn Hiến là một người nông dân (dân tộc thiểu số) vốn hiền lành chất phác vì bị dồn nén, đàn áp quá mức mới phản kháng lại nên hoàn toàn còn khả năng cải tạo, giáo dục. Xu thế hiện nay rất hạn chế áp dụng hình phạt tử hình. Mặt khác, để thi hành hình phạt này thì Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Chủ tịch Nước thường phải cân nhắc kỹ lưỡng. Do đó tôi tin rằng cơ hội được sống của Đặng Văn Hiến rất cao", luật sư Huy nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.