Sự thật là tối thượng
Có lẽ hơn 40 năm trước, cậu thanh niên sinh ra bên dòng Nhật Lệ (TP. Đồng Hới, Quảng Bình) Trần Công Trục không thể nghĩ rằng cuộc đời mình – một người cán bộ ngoại thương, xuất nhập khẩu – lại có lúc “bẻ ghi” ngoặt sang một hướng hoàn toàn mới mẻ. Thời kỳ đất nước tổng động viên năm 1971, ông nhập ngũ lên đường chống Mỹ và về Quân chủng Hải quân, đóng quân tại Hải Phòng.
Chính vào thời điểm này, lãnh đạo bắt đầu giao cho ông nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề lịch sử biển đảo, hải đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Tôi phải lên thư viện tìm hiểu tất cả các vấn đề liên quan tới các quần đảo trên biển Đông để xây dựng hải đồ phục vụ cho Hải quân VN.
Sau đó, Chính phủ thành lập Ban Biên giới, tôi được biệt phái sang đó làm nhiệm vụ từ năm 1976. Đến năm 1982, tôi chính thức ra quân và chuyển về làm tại Ban Biên giới Chính phủ cho tới lúc về hưu, khi đương chức Trưởng ban vào năm 2004”, “ông Biển Đông” kể lại.
|
TS. Trần Công Trục. |
“Trong nghề của ông, ông quan niệm thế nào về sự thật bởi vấn đề biên giới luôn hết sức phức tạp và nhạy cảm, có những phức tạp nảy sinh ngay từ lịch sử mà nhiều khi người làm nghề khó có thể vượt qua?” – “Sự thật là tối thượng và ta luôn phải tôn trọng nó. Nhưng sự thật đó không phải do anh tự tưởng tượng ra hoặc là lượm lặt không có chọn lọc, mà phải là một sự thật phù hợp với quy luật của cuộc sống, phù hợp với luật pháp trong nước và quốc tế và với ý chí, nguyện vọng của cả cộng đồng. Thế nên tìm ra được sự thật trong nghề này không hề dễ dàng, đòi hỏi phải có cả sự dũng cảm, kiên định của người làm nghề” – Tiến sĩ Trục khẳng định.
Ông kể lại câu chuyện: “Vào những năm 90 của thế kỷ trước, việc khai thông tuyến đường sắt Đồng Đăng – Bằng Tường (giữa Việt Nam và Trung Quốc) đang lâm vào bế tắc khi hai bên xảy ra tranh chấp về biên giới ở khu vực Hữu Nghị Quan.
Thậm chí có đổ máu. Lúc bây giờ, phía mình thì khẳng định đường biên giới không phải ở khu nhà mái bằng mà phải cách đó 300m, còn phía Trung Quốc thì ngược lại. Dựa trên những tư liệu pháp lý có được, thấy rằng quan điểm cả hai bên đều có những nhầm lẫn và đường biên giới phải nằm ở đoạn giữa của khu vực đó. Nhưng tôi nói cái nào rõ ràng của mình thì mình bảo vệ, còn chưa rõ ràng thì phải đàm phán và có sự nhân nhượng giữa hai bên.
Và cuối cùng giải pháp đó cũng được chấp nhận, tôi được giao đi cùng đoàn đàm phán gặp Đường Gia Triền (sau này là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc – PV). Mất một ngày trời đàm phán. Họ cũng đưa ra nhiều lý do để chối bỏ, nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận phương án mình đưa ra. Và sau này, kết quả đàm phán quả nhiên đường biên giới đi vào giữa “vùng trắng” đó”.
“Khi đó, áp lực lên tôi hết sức nặng nề. Nếu mà mình gật đầu cho qua thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều. Nhưng thực tế không cho phép mình làm như vậy” - ông tâm sự.
Biển Đông chưa bao giờ lặng sóng
Năm qua, “ông Biển Đông” đã có hai dấu ấn đáng kể, đó là vừa làm chủ biên cuốn “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”, vừa tham gia biên tập, thẩm định cho cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa”. Cả hai cuốn đều nhận được sự đánh giá cao của giới làm nghề trong và ngoài nước. “Về phía Trung Quốc, họ cũng có ngay bài phân tích phản đối cuốn sách của tôi trên Đài phát thanh của họ. Họ bảo rằng ông Trần Công Trục nói không đúng khi cho rằng quần đảo Hoàng Sa không phải là quần đảo ven bờ; hay việc giải quyết tranh chấp tại quần đảo Trường Sa phải theo Công ước Luật Biển năm 1982. Nghiên cứu thế không phải là của nhà khoa học!”.
“Hơn 40 năm theo dõi vấn đề biên giới hải đảo, ông thấy Biển Đông ngày xưa có căng thẳng như bây giờ?” – TS Trục phân tích ngay: “Bản chất vấn đề Biển Đông là do chiến lược của Trung Quốc: Họ muốn tìm đường vươn ra biển, muốn biến mình từ quốc gia lục địa đóng cửa thành quốc gia mở cửa, vươn ra biển. Con đường họ chọn là Biển Đông bởi đây là con đường khả thi hơn cả. Còn Biển Bắc thì có quá nhiều đối thủ lớn”. Ông cũng nhấn mạnh thêm, thực chất, Biển Đông chưa bao giờ lặng sóng. Chỉ có sóng ngầm dưới mặt nước hay nổi lên trên mà thôi. Cái này tùy theo điều kiện, thời cơ chính trị trong khu vực.
“Cứ thấy tôi lên báo nói về tranh chấp tại Biển Đông, gia đình lại bảo: “Thôi ông ơi đây là chuyện quốc gia đại sự, ông nghỉ rồi thì ông đừng nói nữa, có khi lại lợi bất cập hại”. Nhưng điều đó không làm tôi thay đổi động cơ sống của tôi. Tôi muốn nói để góp phần làm sáng tỏ chân lý, sự thật”.
TS Trần Công Trục
“Ông có cho rằng, ứng xử của Việt Nam đối với các vấn đề tranh chấp tại Biển Đông thời gian qua đã đủ mạnh mẽ?” – “Phải nhìn nhận thực tế là trong khu vực, Việt Nam là nước tích cực nhất trong vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông từ ngày chúng ta tham gia Công ước Luật Biển. Chúng ta là nước đầu tiên có tuyên bố về phạm vi các vùng biển trong khu vực Đông Nam Á, cũng là nước đầu tiên cho ra đời đường cơ sở, tích cực tham gia đàm phán về các vùng chồng lấn trên biển. Rất nhiều học giả đã đánh giá cao sự giải quyết của VN trong vấn đề biên giới trên biển”.
Và cuối cùng, ông đưa ra nhận định: Chúng ta hiện đứng trước thử thách rất lớn, xử lý thế nào lúc này cũng là bài toán cực kỳ hóc búa. Đây là cuộc đấu tranh cực kỳ phức tạp, đòi hỏi không chỉ thế hệ này mà nhiều thế hệ sau, đòi hỏi sự tập hợp đoàn kết của toàn dân. Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để có hồ sơ pháp lý đầy đủ và phải đẩy mạnh công tác truyền thông cho nhân dân hiểu hơn về tầm quan trọng của vấn đề biển đảo.
Kiều Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.