Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Lãng du miền hạ du
Không hùng vĩ sôi sục như sông Hồng, không mềm mại e ấp như sông Hương, sông Sài Gòn được sinh ra trên một vùng châu thổ mênh mông, được bàn tay thiên nhiên tạo hình độc đáo và đẹp đến bất ngờ.
Sông Sài Gòn chụp từ trên cao. Ảnh: Dương Minh Long |
Khởi nguồn từ vùng biên địa Tây - Nam giáp Campuchia, sông chảy qua các tỉnh biên giới để đi về miền hạ du. Đến đây, sông cẩn thận len lỏi từng bước đi, tự vẽ cho mình một lộ trình rất kỳ lạ mà chỉ có chị em thiên nhiên là địa hình và thủy văn mới hiểu nổi.
Sông không chịu đi một đường thẳng hay đường cong tương đối, mà ngoằn ngoèo thành những vòng cung và đường tròn gần như khép kín, tạo thành những bán đảo nối tiếp nhau như một chuỗi hạt cù lao xanh tươi hiền hòa.
Riêng bán đảo Thanh Đa, dường như tạo hóa một hôm vui tay cầm chiếc compa xoay một vòng có chu vi 12km, và con sông cứ thế mà bao quanh như một dải lụa ôm nguyên vùng đất rộng 500ha, chỉ chừa một lối đi mỏng manh nối với đất liền.
Sau khi tạo hình cho Thanh Đa, sông kiên nhẫn vẽ một vòng rộng hơn để có một bán đảo Thủ Thiêm rộng rãi và đầy hứa hẹn. Con đò Thủ Thiêm trong đời sống và trong thơ ca có tự xa xưa nhưng người thời nay hình như quên lãng.
Vì có cách đi đứng như một kẻ mơ mộng quên đường về hoặc hay tìm kiếm vui thú riêng tư, nên sông đảo chiều liên tục, tự tác tạo cho mình một độ dài gấp đôi so với đường chim bay. Sông không vội vàng gấp gáp nên ôm nhiều khúc cong rộng, mềm mại, tạo những đôi bờ đẹp lụa là.
Hệ thực vật đa dạng miền nhiệt đới dựng thành những mảng xanh đa sắc tô điểm cho đôi bờ thêm duyên dáng. Sông Sài Gòn không chỉ là cảnh quan thiên nhiên đẹp nhất của TP.HCM, mà nó còn là con sông vạm vỡ với chiều rộng từ 200 - 350m, nên sông chứa đựng giá trị kinh tế tiềm tàng mà con người có thể khai thác.
Cùng với dòng sông, còn nhiều anh em kênh rạch khác được sinh ra, tỏa rộng trên vùng châu thổ, là một hệ thống điều tiết thủy văn tuyệt vời. Hiếm có thành phố nào có được một dòng sông như vậy.
Bị phụ tình và lãng quên
Sông Sài Gòn tự làm đẹp mình và làm đẹp một vùng đất, sẵn sàng góp sức làm giàu có thêm đời sống vật chất và tinh thần cho con người, nhưng tiếc thay con người đã từ chối tấm thịnh tình đó của một dòng sông.
Có bao nhiêu thứ xấu xa nhất, dơ bẩn nhất, con người đều đổ ra sông. Nhà máy, cơ sở sản xuất, chất thải sinh hoạt cứ tìm sông mà tới. Sông ngày càng nặng gánh nhọc nhằn chuyên chở những thứ bỏ đi của con người nên mất khả năng tự làm sạch và bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Bao nhiêu năm qua, sông lâm bệnh nặng nhưng không ai thuốc thang chạy chữa. Con người cứ tàn nhẫn hành hạ, đầu độc lên cơ thể đang mang đầy thương tích của nó.
Sông Sài Gòn là một nạn nhân bị cầm tù và bức tử. Cầm tù vì hai bên bờ bị lấn chiếm toàn bộ. Bờ sông là một phần cơ thể của con sông, nhưng nó đã bị các công trình lớn nhỏ khác nhau vây hãm. Nhiều quãng sông đẹp đã biến thành của riêng của các ông chủ giàu có, hai bên bờ là những biệt thự sang trọng, có uy quyền trấn giữ một khoảng sông để làm ao nhà.
Các loại công trình này che chắn hết tầm nhìn ra sông, là những bức tường thành ngăn cách con người với dòng sông. Sông đẹp nhưng không có không gian để tao nhân mặc khách đến ngắm, trò chuyện và lắng nghe những thổn thức của dòng sông.
Ai có thể đến với sông khi không có không gian đôi bờ? Ai có thể ra sông để hứng gió khi bờ sông nồng nặc mùi hôi thối, dưới chân đầy ống kim tiêm, công viên bên sông là ổ chứa các loại tệ nạn? Ai có thể hướng về sông khi tầm mắt bị che chắn bởi các loại công trình?
Ai có thể mơ mộng trên sông khi nó đang ngổn ngang các loại tàu bè xuôi ngược mất trật tự, thậm chí không thiếu những băng nhóm trộm cắp, "cát tặc" hoạt động và nhiều mối nguy hiểm khác rình rập.
Vì thế con sông ngày càng xa lạ với con người, nó biến mất trong tâm trí của con người. Nếu như nó có tồn tại, thì con người xem đó như một nơi để đổ chất thải hơn là một báu vật thiên nhiên ban tặng, có thể dưỡng nuôi tinh thần và chứa đựng tiềm năng làm trù phú một vùng đất, lộng lẫy một đô thị.
Lê Thanh Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.