Trong một lần tâm sự với người viết vào thời điểm VFF chuẩn bị chia tay HLV Toshiya Miura, cổ động viên lão làng Tuấn “Trâu vàng” tâm sự: “Tôi và nhiều cổ động viên khác rất tôn trọng HLV Miura nhưng có lẽ ông ta không hợp với bóng đá Việt Nam. Chúng tôi yêu thứ bóng đá tổng lực, muốn chứng kiến những “cơn lốc đỏ” ở Mỹ Đình, như cách đã chứng kiến “cơn lốc màu da cam” đã mang đến bao xúc cảm tuyệt vời cho người hâm mộ toàn cầu”.
ĐT Việt Nam đã có chiến thắng hoành tráng bằng lối đá đẹp.
Tối 24.3, ông Tuấn “trâu vàng” cũng có mặt trên sân Mỹ Đình say mê dõi theo thầy trò HLV Hữu Thắng thể hiện lối chơi mang dáng dấp tiki-taca mà ông hằng đam mê. Ông Tuấn “trâu vàng” không biết ở Hà Lan, một trong những người cả đời theo đuổi triết lý bóng đá đẹp, tìm mọi cách chống lại, phá tan thứ bóng đá thực dụng đến tàn nhẫn - Johan Cruyff đã ra đi mãi mãi.
Thực tế, từ cách đây mấy ngày, báo chí thế giới đã bắt đầu viết về Johan Cruyff. Không một chút bi lụy, tất cả đều nhớ đến những khoảnh khắc tài hoa mà Johan Cruyff đã để lại mãi trên sân cỏ thế giới. Những bước chạy thanh thoát, những pha xử lý đơn giản mà uyển chuyển đến lạ lùng mang theo tâm hồn của một nghệ sĩ, của “Thánh Johan” đã mê hoặc lòng người. Bản thân người viết tin chính những người Đức vốn lạnh lùng, lý trí như một “cỗ xe tăng” từng đánh bại Hà Lan trong trận chung kết World Cup 1974 cũng phải ngả mũ trước Johan Cruyff. Nếu không biết thừa nhận, tiếp thu sự mềm mại trong triết lý bóng đá đề cao tính thưởng thức đến tột cùng, có lẽ người Đức đã không thể vô địch World Cup 2014, sau 24 năm chờ đợi kể từ ngày họ đăng quang ở World Cup 1990. Trước đó, bóng đá Tây Ban Nha với “thế hệ vàng” của Barca – nơi Johan Cruyff có những đóng góp nền móng, đặc biệt quan trọng cho sự hình thành của Học viện La Masia với những Xavi, Iniesta… cũng đã vô địch World Cup 2010 sau khi đánh bại chính Hà Lan một thời “lạc đường” dưới thời HLV Bert van Marwijk.
Giờ thì Johan Cruyff đã ra đi dù chưa thể một lần cùng (và chứng kiến) Hà Lan lên ngôi vô địch World Cup. Nhưng điều đó có là gì đâu khi triết lý bóng đá của ông đã được “đệ tử” Pep Guardiola kế thừa và tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới cùng với Barca, Bayern Munich – một đội bóng Đức. Chắc chắn, rồi người Đức sẽ phải thừa nhận câu nói của Johan Cruyff sau thất bại ở trận chung kết World Cup 1974: “Đức vô địch nhưng Hà Lan mới là đội bóng được yêu mến nhất!”
Lời tuyên bố của Johan Cruyff có sai không khi tối 24.3, ở sân Mỹ Đình, một nơi có thể chưa bao giờ xuất hiện trong suy nghĩ của Johan Cruyff, và những cầu thủ chơi bóng trên sân có thể cũng chẳng biết tới danh tiếng của ông; vậy mà tuyển Việt Nam đã chơi thứ bóng đá đẹp ấy. Dù còn gượng gạo nhưng thầy trò HLV Hữu Thắng cũng đủ “làm khổ” Đài Loan (Trung Quốc) với chiến thắng 4-1 chung cuộc đầy thuyết phục. Chưa ai quên, ngày đầu nhận “ấn kiếm” cách đây hơn nửa tháng, HLV Hữu Thắng đã thừa nhận ông chịu ảnh hưởng nhiều từ phong cách của Pep Guardiola và rất khâm phục cách mà Pep đã làm được ở những đội bóng ông từng đi qua.
Giờ thì Hữu Thắng cũng đã có một khởi đầu thuận lợi trong trận ra mắt các cổ động viên thân yêu. Tối 24.3, trên các khán đài, người ta cứ hò hát mãi, tận hưởng giây phút được thấy đội tuyển trở lại là chính mình. Với những người hâm mộ Việt Nam dành tình cảm cho Johan Cruyff, họ còn cảm thấy được an ủi, được xoa dịu khi trận thắng của ĐT Việt Nam còn có ý nghĩa tưởng niệm một huyền thoại của bóng đá thế giới, một con người luôn luôn theo đuổi cái đẹp cho dù có những lúc tưởng như đã bị thực tế phũ phàng “vùi dập”!
Cứ đá như thế, cứ chơi nhiệt huyết và đầy đam mê như tối nay, rồi thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng “sẽ là người chiến thắng”, “sẽ khắc tên mình trên đời”… như những gì mà nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập đã gửi gắm lại trong bài hát “Đường đến ngày vinh quang”!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.