Những ngày qua, cả nước vẫn ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao, trong đó nhiều ca trong cộng đồng. Tại Hà Nội cũng như một số tỉnh Ban chỉ đạo phòng chống dịch thường xuyên thông báo tìm khẩn người đến các địa điểm mà F0 từng ghé qua.
Với tình hình như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng có nên tìm khẩn người từng đến địa điểm có F0? Hiện cứ có 1 ca F0 đến quán, nhà hàng, hiệu thuốc… lại phát thông báo tìm người, hiệu quả của việc này ra sao?
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc tìm tất cả những người từng đến địa điểm có F0 ghé qua là điều rất cần thiết.
Ông Phu phân tích, nếu nhà hàng, quán cà phê… có người từng đến nhiễm Covid-19 thì người khác rất có thể trở thành F1 và F1 có thể sẽ trở thành F0. Chính vì vậy phía dịch tễ phải đánh giá đúng, trúng ai tiếp xúc gần đặc biệt trong phòng kín ở thời gian có F0 từng đến.
"Phải xác định F1 làm sao đừng quá lạm dụng. Đánh giá đúng F1 mới phải cách ly hoặc phải theo dõi sức khoẻ. Đặc biệt nếu sinh hoạt trong phòng kín có F0 sẽ dễ lây lan. Hiệu quả của việc này giúp ngăn chặn dịch Covid-19 hiệu quả, tránh phát sinh thêm nhiều chùm ca bệnh mới", ông Phu cho hay.
Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, mục đích của việc thông báo tìm người từng đến khu vực có ca F0 để cảnh báo cho mọi người biết và cảnh giác.
"Theo nguyên tắc để xác định trường hợp F1 là những người từng tiếp xúc với F0 và cả hai không thực hiện đeo khẩu trang, tiếp xúc cách nhau dưới 2m và tiếp xúc trên 15 phút. Chính vì không sàng lọc F1 đúng nghĩa nên đôi khi có nhiều trường hợp người dân vô tình trở thành F1 phải bị đưa đi cách ly tập trung. Như vậy vừa tốn kém nguồn nhân lực, tiền bạc… của nhà nước vừa tốn kém sức lao động của người khác khi 14 ngày ở khu cách ly không làm gì", ong Nga thông tin.
Theo ông Nga, ở nước ngoài thường cảnh báo nếu có tiếp xúc với F0 không đeo khẩu trang, khoảng cách dưới 2m phải tự cách ly nhà, tự xét nghiệm xem có dương tính không. Ông cho rằng phải "bắt" trúng F1. Với trường hợp không đeo khẩu trang, bất cẩn người dân phải tiến hành xét nghiệm. Tốt nhất ai nghi ngờ phải tự cách ly tại nhà. Mục đích của việc này là thông báo có F0 từng đến để biết mọi người biết để cảnh giác.
"Nếu trong trường hợp tại quán bar, karaoke đa phần đều không đeo khẩu trang. Chính việc này chỉ cần có 1 trường hợp F0 thì tất cả hầu như thành F1, sẽ rất dễ lây chứ không như ngoài đường, hay cửa hàng… tỉ lệ lây nhiễm rất thấp nếu tuân thủ 5K", ông Nga nói thêm.
Trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam cho hay, việc thông báo tìm khẩn vẫn là chủ trương cần thiết và đúng đắn.
"Bản chất của việc này đó là sự khai báo trung thực. Cụ thể, trong thông điệp 5K có việc khai báo y tế, việc này rất quan trọng bởi nếu có ca F0 sẽ dễ hơn rất nhiều trong việc truy vết. Nếu ai cũng ý thức trong việc khai báo sẽ đỡ hơn rất nhiều trong việc truy tìm.
Nếu như chúng ta từng đến đâu, tiếp xúc với ai, bởi nếu không may mình xảy ra hoặc người nào đó F0 mình biết mình có tiếp xúc với những ai. Đây là ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân. Bản chất việc này kêu gọi mọi người nâng cao ý thức 5K. Giả sử nếu trong trường hợp nếu mình không tiếp xúc hay không có dấu hiệu gì không phải khai báo", GS Nguyễn Anh Trí thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.