Có phải đấu trường Olympic là quá sức đối với thể thao Việt Nam?

Trần Oánh Thứ sáu, ngày 09/08/2024 17:10 PM (GMT+7)
Đã đến lúc, thể thao Việt Nam thôi chạy theo thành tích hão, dàn trải nhân tài và vật lực của mình cho những môn thể thao, trong đó có cả những môn chỉ nhằm tìm kiếm huy chương ở "ao làng” SEA Games, để rồi sau đó không ai nhớ đến đó là môn gì nữa.
Bình luận 0

Có phải đấu trường Olympic là quá sức đối với thể thao Việt Nam?

Đến hôm nay, 9/8/2024 Olympic 2024 đã kết thúc, ít nhất là đối với thể thao Việt nam. Ngoài 1 HCĐ, 3 HCB, 1 HCV nội dung 10 m súng ngắn hơi nam của Hoàng Xuân Vinh tại Thế vận hội Mùa hè 2016, thể thao Việt Nam lại như mọi khi trong suốt 40 năm qua, đó là ra về tay trắng.

Theo các nhà làm thể thao Việt Nam, mặc định đấu trường Olympic là 1 đấu trường quá sức, chỉ là nơi các VĐV Việt Nam"cọ xát", "học hỏi". Với những nhận định của các nhà quản lý và làm nghề như thế, thì đương nhiên NHM thể thao Việt Nam cũng quen với việc các VĐV của chúng ta đến đấu trường Olympic để rồi "thi xong xuôi tất cả lại về". Tất cả chúng ta đều chấp nhận rằng, đấu trường Olympic là vượt tầm, quá sức đối với thể thao Việt Nam.

Ở Olympic 2024, đoàn thể thao Việt Nam có 17 VĐV tham dự, mà trên truyền thông, với NHM thể thao Việt Nam, mỗi VĐV được thi đấu ở Olympic là 1 niềm hy vọng. Bất chấp thực tế, theo đánh giá của những người trong ngành, khoảng cách của các VĐV đó so với trình độ đạt huy chương Olympic là còn khá xa. NHM chúng ta hy vọng vào tinh thần thi đấu "lăn xả", "quả cảm", chúng ta hy vọng vào cả sự may mắn trong thi đấu. Nhưng giống như mọi khi, trình độ thua kém quá xa thì tinh thần thi đấu và sự may mắn là không đủ. Dù các VĐV đã rất nỗ lực, những niềm hy vọng đó cũng nhanh chóng vụt tắt.

Có phải đấu trường Olympic là quá sức đối với dân tộc Việt Nam? - Ảnh 1.

Hàn Quốc thống trị thế giới môn bắn cung

Lẽ ra chúng ta sẽ tiếp tục vui vẻ chấp nhận việc đến Olympic rồi ra về tay trắng như vậy là bình thường, nếu như không "bỗng dưng" các nước cùng "ao làng" với chúng ta như Phillipines lại được 2 HCV, 2 HCB, Indonesia được 2 HCV, 1 HCB, Thái Lan được 1 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ, Malaysia được 2 HCĐ, tính đến thời điểm 8/8/2024. Như vậy, họ còn có thể nâng cao hơn nữa tổng số huy chương trong những ngày cuối cùng của Thế vận hội, trong khi chúng ta đã đưa nhau về nước.

Đến lúc này, có lẽ câu hỏi dành cho các nhà làm thể thao Việt Nam sẽ là: Có phải đấu trường Olympic là quá sức đối với VĐV Việt Nam?

Chúng ta sẽ cùng nhau xem xét một số vấn đề của Thể thao Việt Nam qua cách nền thể thao này tham gia các giải đấu.

Dường như Thể thao Việt Nam gặp vấn đề ngay từ chiến lược phát triển của mình. Chưa nói đến việc lựa chọn và xây dựng cho mình 1 môn thể thao mang tính đặc thù quốc gia, ví dụ như môn bóng bàn với thể thao Trung Quốc. Thì đến nay, NHM chúng ta không biết được đâu là môn thể thao mũi nhọn của Việt Nam, theo nghĩa là môn thể thao được ưu tiên phát triển nhằm mang lại thành tích trong các kỳ thi quốc tế, ở cấp độ châu lục đến thế giới. Chắc chắn trong các bản kế hoạch của mình, thể thao Việt Nam có vạch ra các môn mũi nhọn, trọng điểm, nhưng trong mắt NHM, họ chỉ biết đến mũi nhọn và trọng điểm qua các thành tích, các tấm huy chương, tất nhiên phải là ở đỉnh cao Olympic. Câu chuyện không phải chỉ là chỉ ra các môn thể thao mũi nhọn, phù hợp với tố chất, thể trạng con người Việt Nam, có cơ hội tranh huy chương với thế giới, mà vấn đề là làm thế nào, đầu tư ra sao để các mũi nhọn đó mang về thành tích cho thể thao Việt Nam?

Nói đến đây hẳn nhiều người sẽ nghĩ: Nước chúng ta còn nghèo, khả năng tài chính để đầu tư của chúng ta hạn chế. Nhưng chính vì thế, chúng ta càng cần có chiến lược tập trung tiềm lực tốt hơn. Ví dụ như nhìn vào danh sách các môn thi của kỳ SEA Games gần đây nhất, SEA Games 32 ở Campuchia, một số môn đến bây giờ chắc không ai nhớ nó là môn gì mà thể thao Việt Nam đầu tư tham gia để giành huy chương, làm đẹp thêm bảng thành tích, giúp chúng ta có cái danh đứng đầu Đông Nam Á như Võ Kun Bokator, Võ gậy, Võ Khmer, Vượt chướng ngại vật ...? Ở Việt Nam có còn ai tiếp tục luyện tập mấy môn đó không? Mấy huy chương đó có làm nên nền tảng gì, tạo ra cái gì để nền thể thao này kế thừa không?

Sau khi Olympic Paris 2024 diễn ra, bỗng nhiên thấy con số 355 huy chương và vị trí thứ nhất SEA Games của thể thao Việt Nam trở nên nhạt nhẽo. Có lẽ, để đánh giá tầm vóc 1 nền thể thao quốc gia ở Đông Nam Á, chúng ta nên căn cứ vào số huy chương mà quốc gia đó giành được ở Olympic để đánh giá. Thay vì căn cứ vào số huy chương mà rất nhiều trong số đó là của những môn mà chả đâu trên thế giới này thi cả.

Đầu tư vào các môn thi kiểu ao làng như vậy cũng là tiền, tất nhiên là nếu đã chi tiền vào đây thì khỏi chi cho các mũi nhọn khác. Đây chỉ là 1 ví dụ nhỏ về cách chúng ta tiêu tiền trong thể thao, nhưng nó phản ánh khá đầy đủ tầm nhìn chiến lược của Thể thao Việt Nam.

Tham khảo cách làm của một số quốc gia, ta thấy Trung Quốc, cường quốc thể thao thế giới có 1 chiến lược thành tích rất rõ ràng. Họ đã tập trung vào những môn thể thao ít nổi bật, thường bị xem nhẹ ở các nước phương Tây hoặc các môn thể thao có nhiều hơn 1 HCV. Không phải ngẫu nhiên mà gần 75% số HCV Olympic mà đoàn thể thao Trung Quốc giành được kể từ năm 1984 cho đến nay thường chỉ trong 6 bộ môn: bóng bàn, bắn súng, lặn, cầu lông, thể dục dụng cụ và cử tạ. Trong đó, hơn 2/3 số HCV của Trung Quốc do các VĐV nữ mang về. Trong khi đó thì bắn súng và bắn cung là lựa chọn rất thông minh của Hàn Quốc.

Đã đến lúc, thể thao Việt Nam thôi chạy theo thành tích hão, dàn trải cả nhân tài và vật lực của mình cho những môn thể thao chỉ nhằm tìm kiếm huy chương ở "ao làng" SEA Games, xác định lại những môn thể thao Olympic trọng điểm, mũi nhọn phù hợp với tố chất con người Việt Nam, điều kiện kinh tế xã hội để đầu tư, từ nguồn VĐV, điều kiện, phương pháp tập luyện, đến chế độ đãi ngộ. Để chúng ta có thể đến với 1 môn thể thao nào đó ở Olympic với tâm thế của kẻ mạnh, chứ không phải với niềm hy vọng vu vơ vào tinh thần thi đấu hay sự may mắn nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem