Cổ phiếu dầu khí hồi phục, nhóm hưởng lợi đầu tư công trỗi dậy, VN-Index tăng 6,49 điểm
Cổ phiếu dầu khí hồi phục, nhóm hưởng lợi đầu tư công trỗi dậy, VN-Index tăng 6,49 điểm
Quốc Hải
Thứ ba, ngày 15/03/2022 17:44 PM (GMT+7)
Sau vài phiên bị bán tháo, cổ phiếu dầu khí đã bật tăng trở lại trong phiên hôm nay (15/3), bất chấp giá dầu thế giới đang giảm mạnh 20% so với giai đoạn đỉnh điểm tuần trước, về mức dưới 100 USD/thùng…
Cụ thể, giá dầu thô WTI kỳ hạn giao dịch ở mức 98,7 USD/thùng trong khi dầu Brent – chuẩn mực dầu thô quốc tế - giao dịch ở mức 102,45 USD/thùng.
Tuy nhiên, trái ngược với diễn biến giá dầu thế giới giảm, cổ phiếu nhóm dầu khí chốt phiên hôm nay lại bật tăng, trong đó nổi bật là PVC tăng trần 9,7%. Các mã dầu khí khác cũng phục hồi như PVS tăng 1,1%, PVD tăng 1%, PVB tăng 1,8%, PLX tăng 0,2%, GAS tăng 1,9%...
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công và một số cổ phiếu bất động sản cũng đã có phiên giao dịch tăng điểm mạnh, thậm chí tăng trần hôm nay như LCG, FCN, CTI, C4G, G36, HUT, NVT, ITA, DTA....
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép lại có nhiều biến động tăng giảm thất thường trong biên độ hẹp như HPG tăng nhẹ 0,8%; NKG giảm 0,4%; HSG giảm 2,1%; POM tăng nhẹ 0,7%; SMC giảm 1,2%; TLH tăng 1%.
Chốt phiên giao dịch hôm nay, chỉ số VN-Index tăng 6,49 điểm lên 1.452,74 điểm. Toàn sàn có 272 mã tăng, 166 mã giảm và 52 mã đứng giá.
Chỉ số HNX-Index kết phiên cũng tăng 6,95 điểm lên 443,52 điểm. Toàn sàn có 129 mã tăng, 112 mã giảm và 53 mã đứng giá.
Chỉ số UPCoM-Index trong phiên hôm nay cũng tăng 0,51 điểm lên 115,56 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm hơn 21% so với phiên giao dịch hôm qua, với tổng giá trị khớp lệnh hơn 26.217 tỷ đồng; trong đó, giá trị giao dịch riêng sàn HoSE giảm hơn 19%, đạt 21.800 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khối ngoại bán ròng phiên thứ 7 liên tiếp trên HOSE, với giá trị hơn 433 tỷ đồng, tập trung vào các mã HPG (116 tỷ đồng), VIC (95 tỷ đồng), VCB (95 tỷ đồng), VHM (91 tỷ đồng), NVL (89 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, khối ngoại cũng đẩy mạnh mua ròng 124 tỷ đồng cổ phiếu STB, đồng thời cũng mua ròng VPB với 67 tỷ đồng. Ngoài ra, VJC và DPM cũng được mua ròng lần lượt 65 tỷ đồng và 49 tỷ đồng.
Bàn về việc nên mua nhóm cổ phiếu nào ở hiện tại, các công ty chứng khoán đều đưa ra nhận định, VN-Index đang ở pha điều chỉnh vùng 1.500-1.520 điểm, đã kéo dài 2-3 tháng và có thể kéo dài 6 tháng. Áp lực điều chỉnh chứng khoán trên thế giới và Việt Nam có sự đồng pha. Ngắn hạn, VN-Index đối mặt kháng cự 1.400-1.410 điểm.
Dù vậy, nhà đầu tư không nên bi quan và bán tháo hoảng loạn trong thời điểm này. Bởi việc rút tiền khỏi chứng khoán và nắm giữ tiền mặt trong bối cảnh lạm phát tăng cao cũng không phải chiến lược đầu tư hiệu quả.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn qua cho thấy sức chống chịu với rủi ro khá tốt, ngay cả tác động từ việc Cục Dự trữ liên bang Hoa kỳ (FED) nâng lãi suất USD trong tháng 3 cũng có thể đã được phản ánh phần lớn.
Đặc biệt, việc mở cửa nền kinh tế từ ngày 15/3 được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các biện pháp kiểm soát giá của Chính phủ cũng được kỳ vọng đem lại hiệu quả trước diễn biến tăng mạnh của giá hàng hóa, hạn chế ảnh hưởng của lạm phát tới quá trình phục hồi kinh tế.
Từ những yếu tố trên, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư có thể đầu tư ở một số nhóm ngành như: Nhóm hưởng lợi từ gói phục hồi phát triển kinh tế, đặc biệt nhóm đầu tư cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng; nhóm hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất 2%, quy mô 40.000 tỷ đồng, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dệt may, thủy sản.
Ngoài ra, cũng có thể cân nhắc một số nhóm khác như logistics, cảng biển, bất động sản khu công nghiệp, hưởng lợi sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam; nhóm ngành đi cùng sự phục hồi hậu Covid-19 như bán lẻ và nhóm hưởng lợi mang tính chất gián tiếp là bất động sản du lịch, bất động sản nhà ở, ngân hàng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.