Cô sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội hết mình theo đuổi đam mê ngôn ngữ Trung

Chủ nhật, ngày 18/09/2022 09:58 AM (GMT+7)
Nguyễn Thúy An (sinh năm 2000) vừa tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Trung Thương mại của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Như một cái duyên, Thúy An tình cờ được tiếp cận với ngôn ngữ Trung từ khi còn bé đã hình thành nên trong cô nàng niềm hứng thú và dần chuyển thành đam mê với ngôn ngữ này.
Bình luận 0

Nguyễn Thúy An (sinh năm 2000) vừa tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Trung Thương mại của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Như một cái duyên, Thúy An tình cờ được tiếp cận với ngôn ngữ Trung từ khi còn bé đã hình thành nên trong cô nàng niềm hứng thú và dần chuyển thành đam mê với ngôn ngữ này.

Cô sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội hết mình theo đuổi đam mê ngôn ngữ Trung - Ảnh 1.

Nguyễn Thúy An (sinh năm 2000) vừa tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Trung Thương mại của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Mình có cơ hội được tiếp cận với ngôn ngữ Trung ngay từ khi còn nhỏ và như một cơ duyên. Khi đó, gia đình mình có bác làm việc tại Đài Loan, có lần bác gọi điện về hỏi thăm và mình tình cờ nghe được ngôn ngữ ấy từ đầu dây bên kia. Từ đó, niềm hứng thú với ngôn ngữ Trung trong mình đã được khơi dậy. Bác là người đầu tiên dạy cho mình về ngôn ngữ ấy. Thế nhưng, những gì bác có thể dạy cho mình lại không phải quá nhiều, mình chỉ có thể nghe, nói cơ bản được thôi.

Khi mình lớn hơn một chút, do đã có một chút căn bản với ngôn ngữ Trung nên mình rất thích xem phim Trung Quốc cũng như nghe nhạc C-Pop. Tuy nhiên, còn quá nhiều từ mình nghe không hiểu và cũng không biết đọc chữ. Cho nên khi lên lớp 7, mình đã quyết định ra trung tâm đăng ký học bài bản đầy đủ 4 kỹ năng bao gồm: nghe, nói, đọc, viết để thỏa mãn sở thích cá nhân. Cũng từ đây, những hứng thú ban đầu với ngôn ngữ Trung đã lớn dần và dần trở thành niềm đam mê của mình.

Hồi mình học cấp 3, ở trường chỉ dạy tiếng Anh và tiếng Nhật thôi, nhưng mình lại quyết tâm thi đại học bằng Tiếng Trung và sẽ đỗ ngành Tiếng Trung Thương mại của trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Cho nên mình đã đi học thêm một khóa HSK và tự học rất nhiều bằng cách tự luyện đề để ôn thi đại học. Và kết quả là năm đó mình đã đạt được nguyện vọng như mong muốn.

Suốt quãng thời gian sinh viên, môi trường ở Ngoại thương với những thầy cô thân thiện nhiệt tình, có chuyên môn tốt, hết lòng vì sinh viên đã giúp mình học được rất nhiều điều. Môi trường này không chỉ cho mình kiến thức về ngôn ngữ, còn có kiến thức về kinh tế và bên cạnh đó là rất nhiều kinh nghiệm cả trong học tập cũng như trong cuộc sống. Có thể nói đây là cơ sở để giúp mình phát triển bản thân để đạt được những thành tựu sau này.

Cô sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội hết mình theo đuổi đam mê ngôn ngữ Trung - Ảnh 2.

Dạy thêm tiếng Trung từ những ngày đầu của năm nhất đại học, giúp Thúy An vừa đủ để trang trải học phí và những chi tiêu lặt vặt hàng ngày mà không cần xin thêm bố mẹ.

Những năm tháng đại học đã giúp mình phát triển thật nhiều để tiến gần hơn, tìm hiểu rõ hơn về đam mê ngôn ngữ Trung của bản thân. Trong đó phải kể đến hồi năm 2 đại học, được thầy cô và bạn bè trong lớp ủng hộ, mình đã mạnh dạn tham gia một cuộc thi Hùng biện Tiếng Trung và lọt vào Top 3. Những gì mình đạt được sau cuộc thi là thật nhiều kinh nghiệm để cải thiện trình độ Tiếng Trung của bản thân. Bên cạnh đó, phần thưởng cho cuộc thi là chuyến du lịch Đài Loan gần 10 ngày đã tạo cho mình cơ hội để tiếp xúc một cách gần gũi và chân thực nhất với ngôn ngữ cũng như văn hóa Trung Hoa.

Song song với các hoạt động học tập, mình cũng rất yêu thích các hoạt động ngoại khoá. Lợi thế của mình là từ nhỏ đã khá hoạt ngôn và năng động, nên trong 4 năm đại học mình cũng có tham gia một vài chương trình và may mắn được chọn làm MC song ngữ Trung – Việt trong các chương trình đó, mình rất cảm ơn khoa Trung Đại học Ngoại Thương Hà Nội đã cho mình những cơ hội được cọ xát này.

Cô sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội hết mình theo đuổi đam mê ngôn ngữ Trung - Ảnh 3.

Thúy An may mắn được chọn làm MC song ngữ Trung – Việt trong một số chương trình tại trường học.

Hiện tại mình đã đạt được chứng chỉ HSK 6 và HSKK cao cấp. Sau khi đã hoàn thành chương trình đại học, mình đã lựa chọn con đường trở thành một người giáo viên dạy Tiếng Trung để đưa ngôn ngữ thú vị này đến với nhiều người hơn. Mình đã mở lớp Tiếng Trung Anlaoshi để thực hiện mong muốn của mình và sẽ tiếp tục cố gắng hơn để thật thành công trên con đường mình đã chọn.

Trong cuộc sống hàng ngày, mình luôn nỗ lực mỗi ngày để có thể trở thành một phiên bản tốt hơn của bản thân và không khiến bố mẹ lo nghĩ gì nhiều vì bố mẹ mình đã làm lụng vất vả để nuôi 2 chị em mình ăn học. Đó chính là mục tiêu và động lực giúp mình cố gắng mỗi ngày. Do vậy, mình đã đi dạy thêm tiếng Trung từ những ngày đầu của năm nhất đại học, vừa đủ để mình trang trải học phí và những chi tiêu lặt vặt hàng ngày mà không cần xin thêm bố mẹ.

Mình cho rằng, là một người trẻ, để sống có ích cho xã hội, trước tiên bạn hãy là một người sống có trách nhiệm với chính bản thân mình và gia đình, không khiến bố mẹ buồn lòng, cố gắng học tập chăm chỉ và làm nhiều việc thiện hơn, giúp đỡ người thân trong gia đình bớt vất vả. Ngoài ra cũng nên tham gia một vài những hoạt động tình nguyện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, ủng hộ các em nhỏ ở vùng cao được đi học tiếp cận với cái chữ,…

Âu Dương Hoàng (svvn.tienphong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem