Trao đổi với phóng viên NTNN về thực trạng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thiếu đất sản xuất, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Danh Út cho rằng như vây.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về nhu cầu đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các vùng khó khăn, cụ thể là tại Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ hiện nay?
|
Cuộc sống của đồng bào DTTS chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhu cầu đất sản xuất với họ rất quan trọng |
- Sau khi tổ chức giám sát, Hội đồng Dân tộc đã báo cáo và tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường vụ đã ra nghị quyết về vấn đề này. Qua giám sát, nhìn chung đồng bào DTTS cũng là nông dân, cuộc sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhu cầu đất sản xuất là rất quan trọng. Thời gian qua, đồng bào DTTS bị mất đất rất nhiều mà nguyên nhân sâu xa là do chúng ta làm các công trình thủy điện, thủy lợi; quy hoạch đất nông nghiệp làm đất nông, lâm trường...
Những nguyên nhân này đã làm đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất ngày càng trầm trọng. Từ năm 2002 -2012, theo kết quả kiểm tra của chúng tôi, có trên 600.000 hộ dân thiếu đất hoặc không có đất. Thực hiện chính sách của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất, chúng ta đã giải quyết cho trên 300.000 hộ trong thời gian qua. Còn khoảng 300.000 hộ đang không có đất, thiếu đất, mong được Nhà nước hỗ trợ khẩn cấp.
“Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS để từ đó ổn định sinh hoạt, sản xuất, học tập, đóng góp vào đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giàu cho đất nước là một nhiệm vụ nặng nề, cần đưa ra được mục tiêu, giải pháp và thời hạn cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng loại hình. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất phải tùy thuộc vào đặc thù, điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của từng vùng, từng cộng đồng DTTS và từ nhiều nguồn khác nhau.
(Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp thứ 11 Ủy ban Thường vụ Quốc hội)
Trong khi đồng bào DTTS thiếu đất trầm trọng thì nhiều nông, lâm trường sử dụng đất không hiệu quả. Theo ông, giải pháp nào để cân bằng nghịch lý này? Có nên chấm dứt việc lâm trường giao khoán đất rừng cho nông dân?
- Không chỉ nông, lâm trường chiếm giữ đất, mà khi các công trình thủy điện được xây dựng, bắt buộc đồng bào sống trong khu vực nhà máy và lòng hồ phải di dời đi nơi khác. Việc tái định cư cho một số đồng bào, chúng ta không đảm bảo. Đồng bào hy sinh đất ở, đất sản xuất của mình vì lợi ích quốc gia, nhưng đổi lại, nhiều nơi không đảm bảo công tác tái định cư cho đồng bào. Có nơi xây nhà ở đàng hoàng nhưng lại không có đất sản xuất hoặc ngược lại...
Vì vậy, trước mắt, chúng ta phải làm tốt hơn nữa công tác tái định cư cho đồng bào DTTS tại những khu vực có công trình thủy điện. Ví dụ như Thủy điện Hòa Bình đã đi vào hoạt động bao nhiêu năm nay mà vẫn còn rất nhiều hộ dân không có đất ở, đất sản xuất. Hay mới đây nhất là Thủy điện Sơn La, trong hơn 27.000 hộ dân thì công tác tái định cư đảm bảo được cho 21.000 hộ, vẫn còn 6.000 hộ chưa được đảm bảo.
Ngoài ra, trong quá khứ, do những lý do lịch sử, chúng ta đã thành lập nhiều nông, lâm trường quốc doanh. Giờ nhìn lại mới thấy tại nhiều nông, lâm trường, việc quản lý sử dụng không hiệu quả, đất để hoang rất nhiều. Thậm chí nhiều ban quản lý các nông, lâm trường cho thuê đất lộn xộn, giao khoán cho người nơi khác đến, trong khi đồng bào khu vực đó không có đất sản xuất. Vì thế, chúng tôi đang kiến nghị cần chấn chỉnh, siết chặt lại công tác quản lý đất nông, lâm trường.
Theo ông, có nên tính tới phương án cho giải thể các nông, lâm trường hoạt động không hiệu quả?
- Hiệu quả của nông, lâm trường ra sao, Đảng và Nhà nước đã biết rất rõ rồi. Chúng ta đang tiến hành thanh kiểm tra, rà soát lại một cách toàn diện để có phương án phù hợp. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định việc hình thành nông, lâm trường là cần thiết vì chúng ta cần có định hướng, cách làm ăn lớn trong nông nghiệp.
Nhưng bên cạnh đó vẫn phải chú ý, quan tâm tới công ăn việc làm của đồng bào DTTS ngay tại địa phương đó. Chúng ta có thể cắt bớt đất nông, lâm trường để giao lại cho nông dân, đồng bào DTTS hoặc là thực hiện cơ chế giao khoán mới cho đồng bào ngay tại địa phương. Thực trạng hiện nay là các ban quản lý lại giao khoán đất rừng cho người ở nơi khác đến. Kiểu gì cũng phải ưu tiên cho người nông dân, đồng bào DTTS ở địa phương đó. Vừa rồi, Ban Bí thư đã có chỉ thị yêu cầu sắp xếp lại đất nông, lâm trường cho hợp lý. Theo tôi đây là chủ trương rất đúng.
Về việc góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng việc lấy ý kiến của đồng bào DTTS chưa được thực hiện trực tiếp. Theo ông, cần thay đổi quy trình góp ý thế nào để đồng bào có thể góp được nhiều hơn tiếng nói của mình?
Ngày 20.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL giai đoạn 2013-2015. Quyết định nêu rõ: Giao đất trực tiếp cho các hộ gia đình chưa có đất để làm nhà ở, hỗ trợ bằng tiền cho các đối tượng cần vốn để làm các ngành nghề hoặc để chuộc lại đất sản xuất đã chuyển nhượng, thế chấp. Việc giao đất hoặc hỗ trợ bằng tiền phải đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ, đúng đối tượng thông qua chính quyền và các tổ chức đoàn thể, tiến hành bình xét từ cấp cơ sở thôn, ấp...
- Thời gian qua, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được đưa ra cho toàn dân đóng góp và đã được tổng hợp ý kiến, kỳ này báo cáo Quốc hội. Về cơ bản, tôi nhất trí với đợt lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo luật. Tuy nhiên, đúng như bạn nói, về quy trình lấy ý kiến, tôi thấy rằng chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế.
Ở một số nơi, việc lấy ý kiến còn mang tính chất đại diện, hình thức. Cũng có nơi đến lấy trực tiếp ý kiến của từng đồng bào DTTS, nhưng chưa nhiều. Sắp tới, nếu có thêm thời gian, chúng ta nên tổ chức cho đồng bào vùng sâu, vùng xa góp ý thêm, hạn chế việc lấy ý kiến từ những người đại diện. Làm sao phải lấy càng nhiều ý kiến từ chính những người phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ luật càng tốt.
Trong Luật Đất đai hiện hành có nội dung giao đất giao rừng cho cộng đồng. Tuy nhiên, 10 năm qua, chúng ta chưa thể tiến hành được việc này. Theo ông, phải sửa luật như thế nào để cụ thể hóa nội dung này vào thực tiễn?
- Đúng là chủ trương chúng ta đã có nhưng vẫn chưa thực hiện được nhiều do những vướng mắc trong cơ chế, chính sách quản lý đất cộng đồng. Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng có đề cập tới nội dung giao đất cho cộng đồng quản lý. Cần phải nhớ là đồng bào DTTS có đặc điểm không chỉ cần đất ở, đất sản xuất, mà họ còn luôn có đất cộng đồng, nơi thể hiện phong tục tập quán truyền thống của dân tộc đó.
Ví dụ như đồng bào Khmer lấy đất cộng đồng để làm chùa. Hay như đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, họ cũng cần đất cộng đồng để xây dựng nhà mồ cho người đã khuất... Nếu như chúng ta chỉ cấp đất ở, đất sản xuất cho người ta là trái với phong tục tập quán của họ. Cho nên bắt buộc phải đưa việc giao đất cộng đồng vào luật và cụ thể hóa nó vào cuộc sống bằng được.
Không chỉ thế, sắp tới, có những loại đất cộng đồng mà Hội đồng Dân tộc đề nghị phải cấp cho đồng bào DTTS để họ cùng tham gia phát triển sản xuất trên mảnh đất đó, để cộng đồng đó có điều kiện cùng giúp đỡ nhau phát triển.
Nói thẳng về vấn đề này, vừa qua chúng ta làm chưa tốt! Tôi đi giám sát ở Lai Châu hay Tây Nguyên, cũng là khoán đất rừng cho cộng đồng, nhưng mà cơ chế quản lý chưa rõ nên từ đó trách nhiệm quản lý của cộng đồng chưa cao. Sắp tới, cùng với việc khoán đất cho cộng đồng, chúng ta phải có cơ chế quản lý rõ ràng, cụ thể hơn nữa, nếu không thì cũng thất bại.
Xin cảm ơn ông!
Hải Phong (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.