Quýt làm cam chịu
Luật của FIFA cấm chính phủ của một số quốc gia được can thiệp vào nội bộ của liên đoàn bóng đá thành viên. Rất nhiều nền bóng đá đã bị FIFA phạt nặng, cấm thi đấu dài hạn vì xâm phạm luật này. Nhưng ở một số quốc gia, điều này vẫn thường xuyên diễn ra.
|
LĐBĐ Iran từng bị FIFA đình chỉ tham gia một số hoạt động bóng đá quốc tế vì chính phủ nước này can thiệp quá sâu. |
Tháng 12.2008, Chính phủ Brunei đã giải tán Liên đoàn Bóng đá Brunei (BAFA) và thành lập một bộ máy nhân sự hoàn toàn mới cho tổ chức này. Ngay lập tức, FIFA điều tra kỹ càng và ngay lập tức ban hành lệnh cấm thi đấu với bóng đá nước này ở mọi cấp độ. FIFA cũng khẳng định: “Lệnh cấm thi đấu có hiệu lực ngay tức thời”.
Vào thời điểm ấy, Câu lạc bộ DPMM của Brunei đang thi đấu tại Giải vô địch quốc gia Singapore và có thành tích khá tốt (xếp thứ 4/12 đội), đồng thời mùa giải chỉ còn 5 vòng đấu nữa là kết thúc. Nhưng mọi thành tích của đội bóng này bị hủy khi án phạt có hiệu lực và DPMM bị loại khỏi giải. Chỉ đến khi Chính phủ Brunei bổ nhiệm lại bộ máy nhân sự của BAFA, án phạt mới được bãi bỏ.
Sau khi World Cup 2010 kết thúc, do quá thất vọng với thành tích bết bát của đội tuyển quốc gia, Chính phủ Nigeria đã cấm đội tuyển thi đấu trong vòng 2 năm. Biết tin này, FIFA lập tức vào cuộc và ngay sau đó, không chỉ đội tuyển bóng đá nam mà đội tuyển bóng đá nữ cũng như tất cả các đội trẻ của quốc gia châu Phi này bị cấm thi đấu ở mọi giải đấu quốc tế. Án phạt này chỉ được gỡ bỏ khi Ban Chấp hành của Liên đoàn Bóng đá Nigeria trở lại làm việc và Chính phủ không can thiệp vào công việc chuyên môn.
Tại Europa League mùa này, Câu lạc bộ Sion (Thụy Sĩ) đã bị buộc tội sử dụng những cầu thủ không đủ điều kiện pháp lý vào sân trong các trận đấu với Celtic ở vòng loại. Sau đó, dù đã giành chiến thắng chung cuộc, Sion vẫn bị phạt loại khỏi giải. Sự việc chưa dừng ở đây khi FIFA yêu cầu Liên đoàn Bóng đá Thụy Sĩ (SFA) phải phạt 6 cầu thủ không đủ điều kiện (bị FIFA cấm thi đấu từ năm 2008) gồm: Glarner, Goncalves, Mutsch, Feindouno, Ketkeophomphone và Gabri.
Trong khi SFA tỏ ra chần chừ thì FIFA lập tức cảnh báo rằng, nếu sự việc không được giải quyết trước ngày 13.1 thì cả đội tuyển và các câu lạc bộ của quốc gia này sẽ bị đình chỉ thi đấu quốc tế. Điều đó cũng có nghĩa là Basel - đội bóng đã giành quyền vào vòng knock-out Champions League cũng sẽ bị loại. Sau đó, SFA đã phạt Sion bị trừ 36 điểm ở giải vô địch quốc gia, nền bóng đá nước này mới không bị phạt và Basel mới tránh bị vạ lây.
Can thiệp là bị phạt
Năm 2005, FIFA đã cấm Liên đoàn Bóng đá Yemen (YFA) tiến hành các hoạt động quốc tế vô thời hạn do để chính phủ can thiệp vào công việc nội bộ. Nguyên nhân sự việc bắt nguồn từ hành động bác bỏ bản lịch trình FIFA của Chính phủ Yemen. Không chỉ bị cấm thi đấu, Yemen còn bị FIFA cắt viện trợ về tài chính.
Điều 17 Luật FIFA quy định: Nếu bất cứ liên đoàn bóng đá nước nào để chính phủ can thiệp quá sâu vào hoạt động nội bộ sẽ bị cấm tham gia các sự kiện thể thao quốc tế và bị cắt mọi nguồn hỗ trợ về tài chính từ FIFA.
Tại vòng loại World Cup 2010, đội tuyển Iran đã gặp rắc rối do quyết định của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Theo trang mạng Wikileaks, ông Ahmadinejad đã ra lệnh sa thải huấn luyện viên trưởng Ali Daei, đồng thời gây sức ép bắt các lãnh đạo đội tuyển phải gọi lại tiền đạo kỳ cựu Ali Karimi.
Dù sau đó, Iran không vượt qua vòng loại nhưng FIFA vẫn không bỏ qua chi tiết này. Ủy ban Các vấn đề khẩn cấp của FIFA đã nhóm họp và đưa ra quyết định đình chỉ Liên đoàn Bóng đá Iran (IRIFF) khỏi tất cả các hoạt động bóng đá quốc tế do Chính phủ Iran đã có những can thiệp quá sâu vào những vấn đề riêng của bóng đá, vi phạm nghiêm trọng Điều 17 trong Luật của FIFA.
Đức Hiếu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.