Colombia: Hành trình leo hàng nghìn bậc thang khám phá “thành phố đã mất” Ciudad Perdia
Colombia: Hành trình leo hàng nghìn bậc thang khám phá “thành phố đã mất” Ciudad Perdia
Thứ hai, ngày 30/08/2021 07:48 AM (GMT+7)
Ciudad Perdia là 1 trong 7 kỳ quan của Colombia. Hành trình khám phá nơi đây rất cuốn hút khách du lịch ưa thích phiêu lưu, thiên nhiên và di tích cổ. Đặc biệt điểm đến này là thành phố bị bỏ hoang còn lâu đời hơn cả Thánh địa Machu Picchu nổi tiếng.
Các tour khám phá Ciudad Perdia rất cuốn hút những người ưa thích du lịch phiêu lưu mạo hiểm, yêu thiên nhiên và di tích cổ. (Ảnh: bordersofadventure)
Khám phá tuyến đường độc đạo hàng nghìn bậc thang tới "thành phố đã mất" Ciudad Perdia
Được biết đến tại địa phương với tên gọi bản địa là Teyuna, thành cổ Ciudad Perdia vốn được bộ lạc cổ xưa Tayrona xây dựng trên sườn phía bắc của dãy núi Sierra Nevada de Santa Marta của Colombia.
Ngày nay Ciudad Perdia là một trong những thị trấn thời tiền Colombia lớn nhất được biết đến ở châu Mỹ. Đây cũng là tâm điểm của hoạt động đi bộ đường xa dài ngày (trekking) phổ biến nhất ở Colombia.
Ciudad Perdia vốn là công trình do thổ dân Tayrona cổ xưa xây dựng nên vào khoảng năm 800 sau Công nguyên - lâu đời hơn cả Thánh địa Machu Picchu nổi tiếng ở Peru. (Ảnh: expotur-eco)
Trekking khám phá "thành phố đã mất" Ciudad Perdia là một trải nghiệm tuyệt vời hiếm có, với phong cảnh độc lạ của rừng núi cùng cảm giác xa xôi sẽ vẫn mãi ghi dấu ấn trong lòng khách du lịch.
Ciudad Perdia theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "thành phố đã mất", là một địa điểm khảo cổ Cổ đại, nằm ẩn sâu trong rặng núi Sierra Nevada de Santa Marta.
Tuyến đường độc đạo khám phá "thành phố đã mất" Ciudad Perdia, theo đánh giá của nhiều người trekking, còn khó khăn hơn đi bộ theo đường mòn Inca và tuyến đi bộ leo núi tới khu tại cơ sở Everest. (Ảnh: bordersofadventure)
Ciudad Perdia bao gồm 169 bậc thang được khoét sâu vào sườn núi, với một mạng lưới các con đường và một số quảng trường nhỏ hình tròn. Chỉ có một lối vào duy nhất là phải leo khoảng 1.200 bậc đá xuyên qua rừng rậm trong Vườn Quốc gia Tayrona, thuộc khu dự trữ sinh quyển Sierra Nevada de Santa Marta được UNESCO bảo tồn.
Điểm dừng chân, nằm võng nghỉ ngơi của khách du lịch tại El Mirador, Cabo San Juan trong Vườn Quốc gia Tayrona. (Ảnh: brookearoundtown)
"Thành phố đã mất" Ciudad Perdia chỉ được phát hiện lại từ thập niên 1970, sau khi nó bị chôn vùi trong rừng rậm suốt 400 năm. Với sự vào cuộc của các nhà khảo cổ, hiện nay Ciudad Perdia được 4 bộ lạc thổ dân Kogui, Wiwa, Arhuaco và Kankuamo (là hậu duệ của bộ lạc thổ dân Tayrona cổ xưa) bảo vệ và duy trì.
Hậu duệ của thổ dân Tayrona cổ xưa với cam kết duy trì cân bằng sinh thái vùng đất thiêng
Gần đây khoảng 10% Ciudad Perdia được mở cửa đón khách du lịch đi bộ theo các tour trekking khám phá "thành phố đã mất" ở độ cao 1.200m và là điểm cao nhất của hành trình.
Khách du lịch thư giãn sau chặng đường xa - bơi trong làn nước trong vắt được bao quanh bởi cảnh quan ngoạn mục của Vườn Quốc gia Tayrona. (Ảnh: brookearoundtown)
Bù lại khách du lịch có cơ hội thám hiểm hệ thống đa dạng sinh học lớn thứ nhì thế giới tại vùng rừng rậm biệt lập, bao quanh rặng núi Sierra Nevada de Santa Marta. Với độ cao khoảng 5.700m, Sierra Nevada de Santa Marta là dãy núi ven biển cao nhất thế giới, trải dài qua nhiều vùng sinh thái từ sa mạc, rừng ngập mặn… tới đỉnh núi tuyết phủ tuyệt đẹp.
Khi những người Tây Ban Nha chinh phục châu Mỹ lần đầu tiên đặt chân tới Colombia hồi thế kỷ 16, họ đã rất ngạc nhiên khi thấy cách thổ dân thời đó thực hành canh tác bền vững và xây dựng hệ thống thoát nước bậc thang để giảm thiểu xói mòn. Đặc biệt thổ dân còn chế tác được những sản phẩm bằng vàng và đồ gốm rất tinh xảo.
Nhưng sau đó các cộng đồng thổ dân nơi đây bị thực dân Tây Ban Nha đẩy dần lên núi cao - nơi họ cố gắng bảo vệ nền văn hóa truyền thống của tổ tiên Tayrona bằng tình trạng biệt lập.
Dân số của 4 bộ lạc thổ dân hậu duệ của người Tayrona cổ xưa hiện nay khoảng từ 35.000 đến 51.000 người. Họ nói các ngôn ngữ khác nhau nhưng vẫn gìn giữ truyền thống tâm linh chung, thông qua cách thực hành tâm linh và tín ngưỡng theo cách của tổ tiên Tayrona cổ xưa.
Đặc biệt họ luôn coi việc duy trì cân bằng giữa môi trường sinh thái với thế giới tâm linh là trách nhiệm thiêng liêng của mình. Và họ duy trì trách nhiệm đó bằng việc thiền định hàng ngày, song song với thực hành các nghi lễ truyền thống nơi núi thiêng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.