Như đã thông tin, trước khi bị bắt, ông Nguyễn Văn Khanh đã khẳng định với PV, ông không chỉ đạo phá nhà ông Đoàn Văn Quý vào ngày 6.1. Điều này phù hợp với thực tế: Ngay trong ngày 5.1, đoàn cưỡng chế (do ông Nguyễn Văn Khanh làm trưởng đoàn) đã lập biên bản bàn giao 19,3ha đầm cho UBND xã Vinh Quang quản lý. Kể từ thời điểm đó, UBND xã Vinh Quang áp dụng biện pháp quản lý hết sức nghiêm ngặt, "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Ngày 6.1, khi đoàn cưỡng chế đã rút hết, căn nhà 2 tầng của gia đình ông Đoàn Văn Quý mới bị xe ủi đến phá hủy. Đây là tình tiết quan trọng của vụ án phá hủy tài sản, bởi nếu không được làm rõ, rất có thể sẽ bị lợi dụng kiểu "lập lờ đánh lận con đen" để đổ thêm tội cho ông Khanh.
|
Chiếc máy ủi vụ phá nhà ông Vươn. |
Về việc đoàn cưỡng chế thực hiện việc phá nhà ông Vươn trong ngày 5.1, không thể phủ nhận trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Khanh với vai trò là Trưởng đoàn cưỡng chế. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở ông Khanh và cấp dưới của ông mà không xem xét trách nhiệm đối với Bí thư Huyện ủy Bùi Thế Nghĩa (với tư cách người đứng đầu cơ quan Đảng) và Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền (với vai trò là người chịu trách nhiệm cao nhất trong chính quyền) thì dư luận chưa thể đồng tình.
Theo luật sư Đặng Anh Đức - Trưởng Văn phòng Luật sư Đặng và Cộng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội):
"Việc bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Khanh trong khi cho 3 bị can khác được tại ngoại hầu tra là chưa khách quan. Bởi lẽ, bản thân ông Khanh là người có nhân thân tốt, quá trình công tác cũng chưa có vi phạm pháp luật. Ông còn được người dân nhận xét là một cán bộ có tư cách tốt và đây là tội danh ít nghiêm trọng. Do vậy, cần phải xem xét vấn đề cho ông Khanh được tại ngoại để hầu tra như 3 bị can khác, như vậy mới khách quan".
Bởi vì, bản thân ông Khanh một mình không thể đưa ra kế hoạch phá hủy nhà ông Vươn. Hơn nữa, kế hoạch cưỡng chế ngày 5.1 đã được thông qua Thường vụ Huyện ủy và được thống nhất trong UBND huyện. Vậy ai mới là người thực sự chỉ đạo việc này cần được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.
Ngay khi ông Khanh bị kỷ luật với hình thức cách chức Phó Chủ tịch UBND huyện, chị em bà Thương (vợ và em dâu ông Vươn) và Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản huyện Tiên Lãng đã gửi đơn tới nhiều cơ quan chức năng đề nghị xem xét giảm mức kỷ luật đối với ông Khanh. Điều đó cho thấy, ông Khanh rất được lòng dân.
Trước khi Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hiền ký quyết định thu hồi đất và quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với gia đình ông Vươn và một số hộ khác, ông Nguyễn Văn Khanh đã có ý kiến phản đối, đề xuất với huyện để cho gia đình ông Vươn được tiếp tục sử dụng đất. Điều đó cho thấy, ông Khanh là một cán bộ cương trực, công tâm và vì dân.
Chính vì thế, dư luận cho rằng, với một người từng là cán bộ tốt, nhân thân tốt như ông Khanh, cơ quan công an không cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giam, mà chỉ cần áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (như đối với 3 bị can khác) cũng có thể phục vụ tốt yêu cầu điều tra.
Vũ Thị Hải
Gia đình ông Khanh tìm luật sư bảo vệ
Bà Phạm Thị Hà - vợ ông Nguyễn Văn Khanh cho biết, sáng qua (24.10), bà đã đến CSĐT Công an TP. Hải Phòng để làm thủ tục xin tiếp tế cho chồng và thủ tục đã được hoàn tất vào chiều cùng ngày. Cũng theo bà Hà, gia đình đang tìm luật sư để làm thủ tục xin bảo lãnh cho ông Khanh được tại ngoại và bảo vệ ông Khanh về tội danh mà Cơ quan CSĐT Công an TP. Hải Phòng vừa khởi tố chồng bà.
Liên quan đến vụ việc, theo luật sư Nguyễn Việt Hùng- người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Đoàn Văn Vươn, sáng qua (24.10), ông đã tham gia, giám sát việc CSĐT Công an TP. Hải Phòng tiếp tục lấy lời khai của ông Vươn xung quanh vụ án ông Vươn bị khởi tố "giết người, chống người thi hành công vụ" để làm rõ một số tình tiết. Cũng theo ông Hùng hiện tại sức khỏe và tinh thần của ông Vươn vẫn khá tốt.
Mạnh Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.