Chập tối, hàng loạt ô tô đậu kín trước một quán bia trên đường Hào Nam (Đống Đa, Hà Nội). Theo quan sát của phóng viên, người dân đa phần tự lái xe ô tô đến quán nhậu, kết thúc buổi nhậu họ vẫn lên xe ô tô đi tiếp.
Trong vụ tai nạn khiến 3 người chết trên phố Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) mới đây, người điều khiển xe Camry khai nhận, trước khi gây tai nạn đã uống rượu ở quán cháo lòng.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các quán nhậu trên đường Hào Nam, Huỳnh Thúc Kháng, Láng Hạ, nhiều người dân sau khi sử dụng bia rượu vẫn điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Việc điều khiển xe khi uống rượu không những gây nguy hiểm cho chính mình, người thân mà còn gây nguy hiểm cho người khác nếu không làm chủ được tốc độ.
Sau khi từ quán nhậu đi ra, nhiều người vẫn lái xe ô tô về nhà hay làm "tăng" nữa. Hình ảnh tại một quán trên phố Hào Nam (Đống Đa, Hà Nội), tối 1/3.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn Phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, năm 2015, cả nước xảy ra 22.827 vụ tai nạn, trong đó 8.727 người chết, 21.069 người bị thương. Chưa có thống kê đầy đủ, nhưng phần lớn các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng bia rượu.
Theo ông Thái, sau vụ tai nạn ô tô trên phố Ái Mộ, Ủy ban đã yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là CSGT, tăng cường xử phạt các lỗi vi phạm giao thông như vi phạm tốc độ, quá nồng độ cồn; tuyên truyền tới người dân chấp hành luật giao thông đường bộ, ra đường đội mũ bảo hiểm.
Tuyên truyền các khẩu hiệu như “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, “Nhanh một phút chậm cả đời”, “Một người sai làn cả ngàn người khổ”… tới người dân nhằm thay đổi nhận thức, hạn chế tai nạn giao thông.
Một quán bia trên phố Láng Hạ, hơn 10 chiếc ô tô đủ các loại đậu bên ngoài, luôn có nhân viên bảo vệ trông giữ xe và hướng dẫn khách khi đến đây.
Năm 2014, lực lượng cảnh sát giao thông đã ra quân xử lý lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thông tin từ Phòng CSGT Đường sắt – Đường bộ (Công an TP Hà Nội), trong đợt 2 ra quân xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, CSGT đã xử phạt 767 trường hợp vi phạm.
Trong đó, đợt 1 (15 đến 31.12.2014) xử phạt 464 lái xe vi phạm; đợt 2 (từ ngày 15.1- 31.1.2015), xử phạt 212 lái xe vi phạm. Tổng cả hai đợt, phạt tiền hơn 1 tỷ đồng.
Kể từ đó đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn thường xuyên kiểm tra xử phạt đối với lái xe sử dụng nồng độ cồn vượt mức cho phép khi lưu thông trên đường.
Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3 (PC67) Công an Hà Nội cho biết, hằng ngày, đơn vị vẫn có 2 tổ cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn khi lưu thông trên đường.
“Bình quân mỗi tháng, đơn vị xử lý khoảng khoảng 60-70 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn vượt mức cho phép khi lưu thông trên đường. Những người vi phạm đều hợp tác với lực lượng chức năng, chưa có trường hợp nào chống đối cảnh sát giao thông khi xử lý vi phạm về nồng độ cồn”, trung tá Tú nói.
Theo Trung tá Tú, Nghị định 71/2012 qui định người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 8-10 triệu đồng;
Trường hợp người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.
Còn đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, hành vi vi phạm này bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 30 đến 60 ngày tùy theo mức độ vi phạm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.