Cơn bão Yagi là minh chứng rõ ràng cho sự tàn phá của biến đổi khí hậu, Chủ tịch VCCI "ngụ ý" điều gì?

Huyền Anh Thứ ba, ngày 10/09/2024 20:57 PM (GMT+7)
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: “Cơn bão Yagi là minh chứng rõ ràng cho sự tàn phá của biến đổi khí hậu. Cũng chính từ sự cố thiên tai, chúng ta hiểu hơn về giá trị của phát triển bền vững”.
Bình luận 0
Cơn bão Yagi là minh chứng rõ ràng cho sự tàn phá của biến đổi khí hậu, Chủ tịch VCCI "ngụ ý" điều gì? - Ảnh 1.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Mở đầu bài phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam (VCSF) 2024 với chủ đề "Net Zero 2050: Bồi đắp niềm tin – Kiến tạo chuyển đổi", ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, miền Bắc vừa hứng chịu một trận siêu bão lớn nhất trong 3 thập kỷ qua, cơn bão số 3 có tên quốc tế là Yagi với sức tàn phá ghê gớm ở cả cấp độ, cường độ và phạm vi.

Cả nước vẫn đang nỗ lực chung tay, vừa khẩn trương khắc phục hậu quả nặng nề do bão Yagi gây ra, vừa đối phó với lũ lụt ở mức cao lịch sử do hoàn lưu bão đang gây ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ông cho biết, bao giờ lũ cao như hiện nay. Mực nước lũ tại Lào Cai vượt mức đỉnh của 53 năm trước, còn mực nước trên sông Thao 65 năm mới có. Thiên tai gây ra thiệt hại vô cùng to lớn cho nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Chỉ riêng thống kê sơ bộ của các Hiệp hội doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng, thiệt hại với các doanh nghiệp đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Các nhà khoa học cho rằng, sở dĩ các cơn siêu bão ngày càng xuất hiện nhiều hơn, bất thường hơn là do sự nóng lên của trái đất nói chung và sự nóng lên của đại dương nói riêng.

Tổng Thư ký LHQ, ông António Guterres cũng đã cảnh báo hồi tháng 8 vừa qua, nhiệt độ nước biển khu vực Thái Bình Dương đang tăng nhanh gấp 3 lần so với mức tăng trung bình của toàn cầu.

"Cơn bão Yagi là một minh chứng nữa cho thấy sự nóng lên của trái đất, biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ gây ra những hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan tác động nghiêm trọng đến sự tồn vong của loài người. Hơn lúc nào hết, mục tiêu phát triển bền vững, làm chậm quá trình tăng nhiệt của Trái Đất đã trở thành mục tiêu toàn cầu tối quan trọng và cấp thiết. Trong bối cảnh đó, phát triển bền vững cũng là mục tiêu, là yêu cầu chiến lược đối với tất cả các doanh nghiệp hiện nay", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Là một quốc gia có trách nhiệm, Việt Nam đã đưa ra cam kết và tích cực, chủ động, nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tác nhân chính của sự nóng lên toàn cầu. Ông cho biết, những yêu cầu, đòi hỏi phải hành động mang tính sống còn của loài người và mục tiêu cũng như lộ trình trung hòa các-bon của Việt Nam đã được xác định rõ. Tuy nhiên, hàng loạt những câu hỏi, băn khoăn cũng đang được đặt ra, như: Việc triển khai thực hiện liệu có dễ dàng ? Đâu là những khó khăn, thách thức mà chúng ta gặp phải ? Mục tiêu Net Zero vào năm 2050 liệu có khả thi ? Làm sao để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng của một quốc gia đang phát triển với nguồn lực có hạn như Việt Nam với mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính?,...

Vì thế, Chủ tịch VCCI cho rằng, xuất phát từ thực tiễn, từ hơi thở của hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn có nhiều cơ hội để được cùng nhau chia sẻ, trao đổi, đối thoại và mở ra các cơ hội hợp tác để cùng làm sáng tỏ và tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên.\

Cơn bão Yagi là minh chứng rõ ràng cho sự tàn phá của biến đổi khí hậu, Chủ tịch VCCI "ngụ ý" điều gì? - Ảnh 2.

Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam (VCSF) 2024 với chủ đề "Net Zero 2050: Bồi đắp niềm tin – Kiến tạo chuyển đổi".

Liên quan đến vấn đề này, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, Đồng Chủ tịch VBCSD nhấn mạnh, chúng ta nên nhìn bền vững là động lực tạo giá trị, không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp. Trong quá trình chuyển đổi xanh, tất nhiên vẫn còn nhiều nút thắt và thách thức. Một trong những điểm nghẽn đó là kết nối câu chuyện bền vững với các động lực cốt lõi trong việc đưa ra quyết định lựa chọn nhãn hàng hay thương hiệu.

"Các doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận, kết nối với người tiêu dùng để sáng kiến bền vững thực sự trở thành động lực tăng trưởng", ông Jacob chia sẻ.

Cũng có những ý kiến cho rằng, cần chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững, không chỉ để thích ứng, giảm thiểu tác động tiêu cực mà còn có thể hóa giải thách thức nắm bắt được các cơ hội từ thị trường xanh toàn cầu.

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và truyền thông Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cho biết, thực hiện mục tiêu này không phải là công việc đơn giản. Vì thế, doanh nghiệp phải chia mục tiêu thành nhiều lộ trình khác nhau để thực hiện. Lộ trình đến năm 2025 dự kiến sẽ giảm mức phát thải 20% so với mức phát thải cơ sở năm 2018, nên thời gian qua, doanh nghiệp đã có chương trình giúp người nông dân 4 tỉnh Tây Nguyên canh tác cà phê từ phương pháp thô sơ sang phương pháp bền vững hơn, chuyển dịch sang phát triển nông nghiệp tái sinh.

Chia sẻ câu chuyện phát triển bền vững của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Trà My – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn PAN tiết lộ, PAN là Tập đoàn nông nghiệp - thực phẩm hàng đầu thành lập được 12 năm, cũng là 12 năm đồng hành với câu chuyện Phát triển Bền vững.

Khó khăn nhất của PAN khi làm phát triển bền vững là Tập đoàn có nhiều công ty thành viên, có những công ty con tuổi đời 50-55, trong khi công ty mẹ chỉ có 12 năm.

"Chênh lệch về quy mô, công ty nhỏ, doanh số chưa đến 100 tỷ cho đến những công ty vài nghìn tỷ; 46 nhà máy trải dài từ Bắc vào Nam, đôi khi có sự khác biệt về văn hóa vùng miền; thế hệ lãnh đạo cũng đa dạng, tuổi đời 30-80…Để thành công được, người lãnh đạo đóng vai trò quan trọng, đầu tàu đó cảm nhận được vai trò của phát triển bền vững, để doanh nghiệp trường tồn và phát triển không thể đi ra ngoài đường ray phát triển bền vững", bà My nhấn mạnh.

Để vượt qua những rào cản này, Tập đoàn PAN đã thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển Bền vững do bà là Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc đứng đầu. Ban chỉ đạo có đủ lãnh đạo đại diện ở cả 3 mảng kinh doanh cốt lõi: Nông nghiệp, Thủy sản, và Chế biến thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc đề xuất chiến lược và khung mục tiêu, đảm bảo các hoạt động bền vững được thực hiện hiệu quả.

Ngoài ra, câu chuyện phát triển bền vững cũng được truyền thông nội bộ rộng rãi qua những chương trình như Gala, CEO Summit, các buổi đào tạo…

"Chúng tôi quan tâm đến chất lượng ngay từ đầu, câu chuyện phát triển bền vững đã đi sâu trong tư duy của lãnh đạo PAN từ đầu. Đây là vấn đề sống còn, quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp, hoặc là có, hoặc là chết. Sứ mệnh lớn lao, thách thức không nhỏ, đòi hỏi Tập đoàn PAN phải nỗ lực mỗi ngày", Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn PAN chia sẻ.

Cơn bão Yagi là minh chứng rõ ràng cho sự tàn phá của biến đổi khí hậu, Chủ tịch VCCI "ngụ ý" điều gì? - Ảnh 3.

bà Nguyễn Thị Trà My – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn PAN.

Tiếp cận hành trình chuyển đổi xanh thông qua đẩy mạnh yếu tố đa dạng, bao trùm và tăng cường sự tham gia của nữ lãnh đạo doanh nghiệp, bà Milly Cheng, Tổng Giám đốc Coca-Cola Việt Nam cho biết chiến lược phát triển bền vững "Lựa Chọn Hôm Nay, Định Hình Tương Lai" với ba trụ cột chính gồm Sản phẩm, Hành tinh và Con người là kim chỉ nam cho các định hướng phát triển của công ty trong dài hạn.

Với hành trình gần 10 năm bền bỉ hỗ trợ cộng đồng qua dự án EkoCenter, Coca-Cola Việt Nam không ngừng đổi mới để tạo nên những cộng đồng tiên tiến và vững mạnh trong thời đại số thông qua các chương trình giáo dục về STEAM, tập huấn về kỹ năng thương mại điện tử, các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cũng như chống biến đổi khí hậu tại các Trung tâm hỗ trợ cộng đồng của công ty trên toàn quốc.

Phát biểu bế mạc diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD khẳng định, VCSF 2024 đã góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy cộng đồng DN chuyển đổi tư duy kinh doanh sang kinh doanh bền vững. Khuyến khích DN hành động mạnh mẽ hơn thông qua việc chia sẻ các sáng kiến chuyển đổi xanh của các DN tiêu biểu trong các lĩnh vực khác nhau.

Những khuyến nghị từ diễn đàn sẽ được VBCSD-VCCI tổng hợp và báo cáo lên Chính phủ, Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững, là đầu vào cho việc hoạch định các chính sách mới tạo thuận lợi cho phát triển bền vững DN và thúc đẩy DN chuyển đổi xanh hướng tới mục tiêu Net Zero 2050.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem