Con bị bắt mới... cuống cuồng dạy bảo

Thứ tư, ngày 08/02/2012 12:58 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không có thời gian, thiếu kiến thức, nhiều bậc cha mẹ phó mặc việc khôn lớn của con cho trường học và... tự nhiên. Chỉ đến khi con hỗn láo, bị đuổi học, vi phạm pháp luật mới cuống cuồng “dạy bảo”.
Bình luận 0

Xa lạ với con

Công an xã Điện Nam Trung (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) vừa bắt giữ nhóm “Sống về đêm” gồm 7 thành viên, xưng danh “đàn em Lê Văn Luyện”. Để tạo hình ảnh, chúng đã góp tiền mua dao, sắt và máy mài dao về tạo các mã tấu, tuýp sắt rồi kề cổ chụp ảnh, tung lên blog. Đáng chú ý, nhóm này mới chỉ 14 - 15 tuổi, từng tham gia vào hàng chục vụ trộm cắp và gây rối trật tự công cộng.

img
Cha mẹ có sát sao bên con mới mong hiểu và giáo dục con.

Khi nghe tin con bị bắt, chỉ có 2 phụ huynh ngạc nhiên về mức độ hư hỏng của con, còn lại đều bàng quan vì quá quen với việc con bị tố cáo, bị bắt. Làm cha mẹ nhưng hầu như họ không còn chút uy lực nào để giáo dục, dạy dỗ con.

Cùng chung nỗi niềm, chị Vũ Hồng Nga (Xuân Trường, Nam Định) tâm sự: “Vợ chồng tôi đều làm nông, ngoài ra cũng đào ao, chăn nuôi gà lợn. Sinh được 3 đứa con, con trai đầu 16, con gái 14, con trai út 12. Vợ chồng tôi bận từ sáng tới tối mịt, đêm về chỉ kịp ăn với con bữa cơm, mình hết việc thì chúng nó đã ngủ từ lúc nào. Đến khi chúng đi học cũng chỉ biết cho chúng đến trường, lúc nào trường đòi tiền thì đến nộp chứ biết gì đâu mà dạy chúng”.

Bận làm ăn, chị Nga hầu như xa lạ với việc học hành, bạn bè của con. Cho đến khi con trai lớn bị nhà trường đuổi học vì kết băng đảng, đi ăn trộm lấy tiền chơi game, con gái yêu cùng lúc 2 anh, bị bạn cùng trường tụt áo đánh ghen chị mới tá hoả. Chị càng lo lắng hơn khi các con trơ như gỗ đá khi nghe bố mẹ mắng mỏ.

“Chúng lì lợm, vặc lại tôi chan chát. Lý luận của chúng nó mình cũng không hiểu được. Muốn dạy mà không biết lần từ đâu. Ngày xưa, bố mẹ nào có dạy dỗ gì, cứ tự nhiên mà lớn, nhưng có mấy người hư hỏng đâu?” – chị Nga vò đầu bứt tai.

Muốn yêu thương phải quan tâm

Với quan điểm “trăng đến rằm trăng tròn”, nhiều bậc cha mẹ không hề quan tâm đến việc dạy dỗ, uốn nắn con từ nhỏ.

“Nông thôn cách đây 30 năm vô cùng tĩnh tại, các thế hệ không cách xa nhau về suy nghĩ, lối sống. Còn hiện nay, cuộc sống hiện đại, công nghệ tân tiến đã lan sâu về nông thôn, kéo theo sự thay đổi chóng mặt của nhu cầu sinh hoạt, các trò chơi giải trí lẫn tình cảm và suy nghĩ. Chính vì thế, cha mẹ không lường được sự phát triển của con, khi con mắc lỗi thì hẫng hụt, bị động, và không hiểu con vì khoảng cách thế hệ đã xa đằng đẵng” – chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa (Tư vấn Link tâm) cho biết.

“Yêu thương là phải quan tâm, chăm sóc con cả về thể chất và tinh thần. Cho dù bận bịu đến đâu, cha mẹ cũng cần giữ chặt “sợi dây” liên hệ về tình cảm, suy nghĩ với con bằng cách thường xuyên lắng nghe, trò chuyện với con” - chuyên gia Lê Thị Túy

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ, hạnh phúc – Viện nghiên cứu Thanh niên) thì chia sẻ, hằng ngày, Trung tâm nhận được hàng chục cuộc điện thoại ở khu vực nông thôn gọi đến: Cha mẹ bực bội về việc con hư hỏng, bất lực không dạy được con. Còn con cái thì phàn nàn cha mẹ không hiểu mình, sỉ nhục nặng nề, kỷ luật quân phiệt…

Thực tế, các hình thức “dạy con” được các bậc cha mẹ ở nông thôn áp dụng nhiều nhất là đánh mắng, sỉ nhục, phạt trói, phạt quỳ, có người còn trói con ra vườn vào ban đêm.

“Các biện pháp như vậy không bao giờ đạt được mục đích. Trẻ em sẽ không hiểu được mong muốn con thành người tốt, giỏi giang của cha mẹ mà chỉ “nghe” được sự thất vọng, khinh ghét của cha mẹ và có các hành động cực đoan như bỏ nhà ra đi, tụ tập với bạn bè xấu, mắc tệ nạn xã hội” – bà Túy cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem