Con chú con bác cũng thành... vợ chồng

Kiều Thiện Thứ năm, ngày 05/11/2015 08:23 AM (GMT+7)
Ở Mai Sơn, Sơn La, nhiều cặp vợ chồng là người trong họ gần, thậm chí là con chú con bác, tức là mới cách nhau 1-2 đời đã kết hôn.
Bình luận 0

“Việc gắn kết những hoạt động tư vấn về Luật Hôn nhân- Gia đình và các chiến dịch truyền thông về dân số-sức khỏe sinh sản đã góp phần cải thiện chất lượng kết hôn và nguồn nhân lực trên địa bàn, đặc biệt là chấm dứt được hiện tượng hôn nhân cận huyết thống” – ông Bạc Cầm Tổ - Giám đốc Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện Mai Sơn (Sơn La) chia sẻ.

Hôn nhân cận huyết thống là sai lầm của nhận thức

Đến Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Mai Sơn đúng lúc ông Bạc Cầm Tổ - Giám đốc Trung tâm chuẩn bị đi công tác vùng cao, ông bảo: Chú đi cùng anh một chuyến không. Đến cơ sở sẽ dễ cảm nhận những đổi thay trong nhận thức và hành động của người dân về công tác dân số. Mai Sơn có những địa bàn vùng cao, là nơi cư trú của bà con dân tộc thiểu số như: Sinh Mun, Khơ Mú, Mông… Công tác dân số ở đó luôn là thách thức…”.

img

Nhân viên y tế thực hiện tư vấn và khám, điều trị bệnh cho các bà mẹ và trẻ em ở xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, Sơn La.   Ảnh: K.T

Mai Sơn có 4 xã đặc biệt khó khăn: Phiêng Pằn, Nà Ớt, Chiềng Nơi và Phiêng Cằm. Những địa bàn này giao thông vốn không thuận lợi và đương nhiên điều kiện phát triển kinh tế cũng bị hạn chế. Chính bởi những lẽ đó nên công tác DS-KHHGĐ ở huyện Mai Sơn luôn được tập trung cao cho 4 xã này và những vùng lân cận. Ông Lò Văn Sơn, một trong những lão nông cao tuổi nhất ở Phiêng Pằn, bảo: Phiêng Pằn có 2 dân tộc chính là Sinh Mun và Mông. Trong đó dân tộc Sinh Mun trước đây có mức độ hôn nhân cận huyết cao nhất. Nhiều cặp vợ chồng là người trong họ gần, thậm chí là con chú con bác, tức là mới cách nhau 1-2 đời đã kết hôn.

Lý giải nguyên nhân kết hôn cận huyết thống của người dân Phiêng Pằn trước đây, ông Sơn bảo: Đấy là do đói nghèo sinh ra thất học. Thất học thì hiểu biết không đến nơi đến chốn. Bởi đói nghèo nên trai, gái cũng ít ra khỏi bản, chỉ chăm chú làm nương, làm rẫy kiếm miếng ăn. Đến tuổi kết hôn, thấy ai ưng mắt là tán, là yêu. Mà thật lòng nhiều khi cũng chẳng được yêu, được tìm hiểu mà do chính bố mẹ lấy cho. Càng là người trong họ mạc thì càng đỡ tiền thách cưới. Thế là thành hôn nhân cận huyết thống…

Ánh sáng từ những chiến dịch truyền thông

Theo chị Lò Thị Hoan, dân bản Phiêng Hay ,xã Phiêng Pằn, “Hàng năm, ở Phiêng Pằn, chúng tôi vẫn được các y bác sĩ trong đoàn công tác của tỉnh, của huyện tư vấn nhiều về chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ. Trong những lần tư vấn ấy, các bác sĩ đã nói nhiều về tác hại của hôn nhân cận huyết thống: Trẻ sinh ra thể lực yếu, trí tuệ kém cỏi, hay mắc bệnh, sức đề kháng không cao. Họ cũng lấy nhiều dẫn chứng ngay trong xã, trong huyện nên chúng tôi dễ so sánh và nhận biết để điều chỉnh mối quan hệ. Lớp trẻ ở Phiêng Pằn bây giờ hiểu rõ những điều ấy rồi, không còn hôn nhân cận huyết nữa đâu.

Nói về hiệu quả các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình ở vùng cao, ông Tổ cho biết: Năm nay, chúng tôi thực hiện chiến dịch ở 7 xã vùng khó khăn và kết quả đạt được khá cao, người dân hưởng ứng ngày một đông hơn, tích cực hơn. Đặc biệt là trong những ngày thực hiện chiến dịch đã có nhiều nam giới đưa vợ, bạn gái của mình đi nghe tư vấn hoặc thực hiện khám, điều trị bệnh. Như vậy là nhận thức về sức khỏe sinh sản đã được nâng lên một tầm cao hơn. Nhờ vậy mà chỉ tiêu khám phụ khoa của chiến dịch đã đạt tới 1.446 ca, đạt gần 274% kế hoạch đề ra. Qua công tác thống kê, quản lý cho thấy không còn hiện tượng hôn nhân cận huyết thống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem