Còn đâu vai hề cải lương trong sáng...

Thứ tư, ngày 08/06/2016 17:23 PM (GMT+7)
Tình trạng diễn cương ẩu, đùa cợt vô duyên khiến vai hề mất tiếng cười trong sáng trên sân khấu cải lương hiện nay.
Bình luận 0

Sàn diễn cải lương đìu hiu từ nhiều năm qua, vở cải lương nguyên tuồng cũng không có điều kiện dàn dựng trên các sân khấu nên vai trò diễn viên hề cũng dần mất đi. Vì vậy, nghệ sĩ theo nghiệp cải lương chẳng ai còn quan tâm đến việc trở thành đào, kép hề như các nghệ sĩ ngày xưa từng mơ ước.

Mất dần tính độc đáo

Nghệ sĩ hề cải lương Giang Châu cho biết xưa nay, trong một kịch bản cải lương, tác giả đều viết thêm những lớp diễn vui nhộn nhằm phá đi sự căng thẳng, bi lụy của các tình huống chính kịch, bi kịch. Vai hài, còn gọi là vai hề, vì thế rất cần cho một vở diễn.

Do vậy, trên chặng đường phát triển của sân khấu cải lương đã hình thành sở trường diễn hài độc đáo đầy duyên dáng của rất nhiều nghệ sĩ chuyên đóng vai hề. Ngày nay, chưa nói đến việc sàn diễn bị hạn chế, vai hề dành cho các diễn viên trẻ và cách diễn hài để bật lên tiếng cười trong sáng, ý nghĩa trở thành lỗ hổng lớn.

img

Nữ “quái kiệt” Bo Bo Hoàng và nghệ sĩ Cát Phượng trong vai mẹ con Cám - vở cải lương hài dân gian “Tấm Cám” của tác giả Huy Trường - đã từng đem lại doanh thu cao cho Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long

Điểm lại những nghệ sĩ đã tạo được uy tín khi đến với sở trường diễn hề sẽ thấy họ đã tạc dấu ấn khó quên trong lòng khán giả qua cách thể hiện nhân vật. Sự nghiêm túc trong sáng tạo đã giúp cho nghệ sĩ tạo được tiếng cười qua những vai diễn để đời, như: Trùm sò của NSƯT Giang Châu - vở “Ngao sò ốc hến”; Quan huyện Chìa của NSƯT Thanh Điền - vở “Ngao sò ốc hến”; Tiểu đồng của cố nghệ sĩ Kim Ngọc - vở “Trăng thề vườn Thúy”; Bảy cán vá của NSND Ngọc Giàu - vở “Đời cô Lựu”; thầy bói của NSND Thanh Tòng - vở “Gánh cảnh Trạng Nguyên”; hiệp sĩ mù của NSƯT Bảo Quốc trong vở cùng tên đã giúp ông đoạt HCV Thanh Tâm năm 1972; Hậu của nghệ sĩ Kiều Mai Lý - vở “Chuyện cổ Bát Tràng”; bà Tám bán chè của nghệ sĩ Hồng Nga - vở “Bến phà kỷ niệm”… Còn rất nhiều nghệ sĩ diễn vai hề đã là “thương hiệu” của 22 đơn vị nghệ thuật cải lương vào thập niên 80 của thế kỷ trước tại TP HCM, như: Hoàng Giang, Tư Rợm, Văn Chung, Bảo Chung, Linh Trung, Bo Bo Hoàng, Bạch Long, Mai Lan, Tô Kiều Lan, Vũ Đức, Hề Sa, Mỹ Chi, Phú Quý, Hồng Tơ, Tấn Beo… Đến hôm nay, trong số họ thì người còn, người mất nhưng hễ nhắc đến hề của sàn diễn cải lương, khán giả không thể quên những vai diễn của họ.

Đề cập đến sự mất dần ấn tượng của nghệ sĩ khi thể hiện những vai hề trên sân khấu cải lương hiện nay, NSƯT Giang Châu nhận xét: “Hồi đó, thầy tuồng cải lương chăm chút cho vai hề lắm. Đâu có để mình muốn ra sàn diễn nói gì, hát gì cũng được. Để diễn vai Trùm Sò trên sân khấu đoàn Sài Gòn 1, tôi tập 6 tháng dưới sự chỉ đạo của NSND Ba Vân. Áp lực nhiều lắm! Vì chúng tôi biết muốn làm cho vai diễn tạo tiếng cười thì đòi hỏi mình phải có dấu ấn mới. Nhờ vậy, vai Trùm Sò của tôi trong vở “Ngao sò ốc hến” đã thành công”.

Tìm lại tiếng cười trong sáng

Nghệ sĩ hài Bảo Chung kể: “Vở “Chắp cánh chim bằng” trên sân khấu đoàn Sài Gòn 3 đã giúp tôi tự tin đến với sở trường hề. Trước đó, tôi đóng vai kép có nghệ danh là Phương Lâm. Nhờ anh Thanh Điền giao vai này mà tôi đi theo nghề diễn hài”.

Các nghệ sĩ hài cải lương tên tuổi đều cho rằng hiện nay, trên sân khấu cải lương, các diễn viên được giao vai hài đều diễn cương ẩu nhằm tạo tiếng cười. Mới đây, trong chương trình vinh danh 2 soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên, lớp diễn trong vở “Nửa đời hương phấn”, 3 nhân vật Tùng, Diệu, Hương gặp nhau, đã đi vào lòng người xem được 3 diễn viên cố tình diễn hài, tạo tiếng cười không đúng chỗ làm giảm giá trị tác phẩm. Hoặc trong vở “Gánh cải Trạng Nguyên” (chương trình “Hội ngộ tài danh”), nghệ sĩ đóng vai chính lại cười giỡn với cha vợ một cách sỗ sàng, trong khi nhân vật là thư sinh nho nhã.

Để hiểu được cái hài đúng nghĩa, đem lại tiếng cười thâm thúy, sâu sắc, việc trang bị kiến thức đối với diễn viên cải lương đang trở thành cấp thiết. Tình trạng tập dượt thiếu nghiêm túc, vội vã đã dẫn đến việc diễn cương ẩu, đùa cợt vô duyên khiến vai hề mất tiếng cười trong sáng trên sân khấu cải lương. NSƯT Giang Châu nói: “Tiếng cười ý nghĩa là được bộc lộ đúng lúc. Nhiều khi chỉ với một động tác nhỏ, một bài bản ngắn nhưng làm bật lên vai hài ấn tượng. Cái hài trên sân khấu cải lương bao giờ thiếu một chút vẫn hay hơn là dư. Hiện nay, các diễn viên trẻ đã quá tham khi muốn dùng hài để lấn lướt bạn diễn. Điều đó không chấp nhận được”.

Diễn hài nguyên tuồng còn khó hơn

“Xưa nay, hài trên sân khấu cải lương chỉ là sự điểm xuyết cho vài nhân vật trong vở cải lương nhằm phá đi sự căng thẳng, bi lụy. Soạn giả Viễn Châu có công lao lớn lập nên khuôn mẫu cho những kịch bản cải lương hài. Vở “Một ngày làm vua” là tiêu biểu khi tạo tiếng cười nhưng không phá đi cốt cách nhân vật, vai nào cũng có sự chừng mực, cái duyên hài xuất hiện từ tình huống chứ không qua cách diễn cường điệu. Vai của danh hài Bảo Quốc - anh kép hát tự dưng được làm vua một ngày - là vai diễn để đời theo khuynh hướng cải lương hài trọn vở” - NSƯT Minh Vương nhắc lại.

Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng để diễn được cải lương hài đòi hỏi nghệ sĩ phải lao động nghệ thuật nghiêm túc. Muốn có được chất hài và vai hề hay, vở diễn và nghệ sĩ phải bảo đảm sự ngay ngắn, trong sáng của tiếng cười trong đó.

Thanh Hiệp (Người Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem