Ngày 19.4, một đoạn clip ghi lại cảnh một cô giáo đã có hành động giật mạnh và đánh liên tiếp vào người một trẻ mầm non. Vừa đánh cô này vừa quát mắng dù cháu bé khóc nức nở. Chưa dừng lại đó, khi một cô giáo khác tiến tới kéo cháu đi, cô giáo này tiếp tục dùng tay tát vào mặt cháu bé.
Clip sau đó được xác nhận xảy ra tại trường Mầm non ABC (Tp Vinh, Nghệ An). Ngay sáng 19.4, Sở GD – ĐT tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Phòng GD- ĐT tạm đình chỉ công tác giảng dạy của cô giáo đó và trực tiếp làm việc với trường để xác minh làm rõ sự việc giáo viên mầm non bạo hành trẻ.
Hiện trường vụ giáo viên lùi xe làm học sinh tử vong tại trường Tiểu học Vân Hồ (Ảnh: Dân Việt)
Cũng ngay trong sáng 19.4, tại trường Tiểu học Vân Hồ (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) đã xảy ra vụ việc đau lòng khi một giáo viên trong trường này điều khiển xe ô tô lùi trong trường và cán phải 2 học sinh lớp 1. Một em tử vong, em còn lại gãy cả hai chân tay phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Chỉ trước đó đúng 1 ngày (ngày 18.4) một học sinh lớp 4 của trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội) bất ngờ rơi từ tầng 4 xuống sân trường và chấn thương rất nặng, bị rạn sọ não, gãy xương đùi và tay phải. Ban giám hiệu trường khẳng định lan can tầng 4 được xây dựng đúng tiêu chuẩn đối với trường tiểu học. Việc học sinh này rơi xuống trong tích tắc không bị sự tác động từ ngoại cảnh do camera chỉ thấy hình ảnh mình em nên nguyên nhân vụ tai nạn vẫn chưa được xác định.
Đau lòng hơn, ngày 16.4, công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã phải ra lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Nguyễn Đình L – giáo viên trường Tiểu học xã An Thượng A vì hành vi dâm ô đối với 6 học sinh lớp 3 của trường này. Cụ thể, trong đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, phụ huynh của 6 học sinh này cho biết, từ đầu năm học 2017, thầy giáo này đã nhiều lần thực hiện hành vi dâm ô đối với các em tại trường và trong lớp học thêm ở nhà thầy.
Cô giáo (áo cam) trường Mầm no ABC (TP Vinh, Nghệ An) nhảy xổ vào đánh trẻ (Ảnh trích từ clip tung lên mạng ngày 19.4)
Chỉ trong 1 thời gian rất ngắn, những vụ việc gây tổn hại nghiêm trọng đến thể xác và tinh thần của học sinh diễn ra liên tiếp trong trường học, bởi chính giáo viên đã khiến không ít phụ huynh hoang mang, lo sợ vì sự an toàn của con mình khi đến trường.
Chị Triệu Thị Liên (Quan Hoa – Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết, đọc những thông tin trên báo chí mấy ngày qua chị vô cùng lo lắng. Hai đứa trẻ nhà chị rất hiếu động, việc dạy dỗ cho con các kỹ năng để tự bảo vệ an toàn cho mình luôn được chị lưu tâm. Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất là có những nguy cơ không đến từ con mà từ chính giáo viên. “Giáo viên lái xe trong sân trường gây tai nạn đây không phải vụ đầu tiên, thật đáng sợ... Khi con đến trường, bố mẹ không biết phải làm gì ngoài việc gửi gắm con cho thầy cô giáo. Giờ thì đến cả trong tay thầy cô cũng không an toàn thì làm sao bố mẹ yên tâm được. Vậy ai là người sẽ đảm bảo an toàn cho con tôi khi đến trường?” - chị Liên đặt câu hỏi.
Anh Nguyễn Văn Vinh (Hai Bà Trưng – Hà Nội) phụ huynh có con đang học tiểu học và cấp mầm non cho rằng, bố mẹ không thể giám sát con cái khi con đến trường được, chính vì vậy trách nhiệm để xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ, trẻ bị xâm hại trong trường học thuộc về giáo viên và nhà trường. “Nhiều vụ tai nạn của học sinh do chính giáo viên gây ra, giáo viên còn thiếu ý thức, thiếu đạo đức trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ thì làm sao dạy con trẻ điều này. Ngoài ra, cơ sở vật chất của nhiều trường còn rất thiếu an toàn: tường xây thấp, nhà vệ sinh bẩn thỉu trơn trượt, không có camera giám sát,.. nguy cơ mất an toàn rất cao” – anh Vinh chia sẻ.
Nói về vấn đề này, ông Phạm Tất Thắng –Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, trách nhiệm để dẫn đến những vụ việc đau lòng đến từ nhiều phía. Có vụ việc do học sinh quá hiệu động, thiếu kỹ năng, có vụ việc do giáo viên thiếu ý thức, có vụ do giáo viên sa sút về đạo đức, vi phạm pháp luật. Hiện nhiều trường học trong nội thành diện tích hạn chế, thiếu khu vui chơi cho trẻ, mật độ trẻ/ lớp/ trường quá lớn khiến giáo viên cũng quá tải khó quản lý được...
Cũng theo ông Thắng, nhà trường và phụ huynh cần làm tốt hơn nữa việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em. Ngoài ra, phải tăng cường nhận thức cho thầy cô, các cấp quản lý về tâm quan trọng của các giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng phải siết những quy định về cơ sở vật chất trường học phù hợp với từng cấp học để hạn chế nguy cơ.
Nhận thức được điều này, mới đây, Bộ trường Bộ GD- ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng có công văn về việc tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trường học gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Theo đó, Bộ đề nghị các tỉnh tham gia vào việc tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học; ngăn chặn, phòng ngừa và khắc phục các yếu tố có nguy cơ gây mất an toàn; đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho nhà giáo và học sinh trong các cơ sở giáo dục. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.