Hơn 3.000 năm về trước, người Ân - Chu đã biết nuôi tằm và đã có những sản phẩm lụa hoa vân rất đẹp và đồ thêu vóc nhiễu màu sắc. Sau đó lại có những phát minh về dệt the gấm. Đến thời Hán (thế kỷ thứ III trước Công nguyên), kỹ thuật dệt tơ lụa Trung Quốc lại được phát triển và nâng cao hơn. Người đời Hán thường gọi dệt gấm và thêu vóc làm một, vì vậy hai chữ “gấm vóc” về sau đã tượng trưng cho sự tươi đẹp.
Bản đồ “Con đường tơ lụa” mới của Trung Quốc.
Tơ lụa Trung Quốc đã làm cho người Trung Á, người Arập và châu Âu kinh ngạc. Từ những thế kỷtrước và đầu Công nguyên, người châu Âu đã đồn đại về một “xứ sở tơ lụa”. Một nhà văn La Mã ở thế kỷ thứ III đã nói: “Lụa hoa của xứ sở tơ lụa đẹp như hoa rừng, sợi tơ nhỏ như tơ nhện”. Người La Mã gọi Trung Quốc là xứ sở tơ lụa và con đường thông thương mà những nhà buôn đi lại buôn bán tơ lụa chạy dài trên đất liền châu Á gọi là “đường tơ lụa” hay “con đường tơ lụa”.
“Con đường tơ lụa” bắt đầu từ Trường An - thủ đô từ thời Tây Chu đến thời Đường - chạy qua hành lang Hà Tây và lòng chảo Tarim của Tân Cương, Trung Quốc qua ba nước Cộng hòa Liên Xô cũ Tajikistan, Uzebekistan, Turkmenistan, đến Afghanistan, Iran, Iraq rồi chạy đến cửa biển Địa Trung Hải của Syria và Libăng dài hơn 7.000 km. Đây là con đường thông thương dài nhất và quan trọng nhất thời cổ. Từ bờ biển Đông Địa Trung Hải có thể qua đường biển về phía Tây tới Ai Cập và bán đảo Italy. Con đường này còn lưu thông cả những hàng hóa khác như pha lê của La Mã và Syria, len dạ của Tây Á, những chủ yếu vẫn là hàng tơ lụa Trung Quốc.
Con đường thông thương mà những nhà buôn đi lại buôn bán tơ lụa chạy dài trên đất liền châu Á gọi là “con đường tơ lụa”.
“Con đường tơ lụa” có từ bao giờ? Nhà sử học cổ đại Hy Lạp Apôrốt đã ghi chép về một “nước tơ lụa” từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên nên người ta phỏng đoán rằng có thể từ lúc ấy đã có người buôn tơ lụa của Trung Quốc sang miền Arập, rồi từ Arập buôn bán sang châu Âu, nhưng không ghi rõ đi bằng con đường nào. Sử sách Trung Quốc lúc bấy giờ cũng không ghi chép lại.
Đến năm 138 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế thời Đông Hán đã cử Trương Khiên sang các nước Tây Vực (thuộc khu vực Tân Cương, Trung Quốc và miền Trung Á hiện nay). Trương Khiên ở lại Tây Vực 12 năm và phát hiện ra con đường buôn bán giữa Tân Cương và các nước Trung Á qua Thông Lĩnh của Cao nguyên Pamia. Khi trở về, ông trình báo tình hình và mong muốn nhà Đông Hán có chính sách tích cực hơn thu phục các nước Tây Vực. Năm 115 trước Công nguyên, Trương Khiên lại được cử sang các nước Tây Vực lần thứ hai, lần này ông mang theo khá nhiều lễ vật và hơn 300 phó sứ và tướng sĩ.
"Con đường tơ lụa” được duy trì trong khoảng chục thế kỷ.
Ông thuyết phục các dân tộc thuộc vùng Tân Cương ngày nay xây dựng mối quan hệ với nhà Đông Hán. Do đó, con đường giao lưu Trường An qua Cam Túc đến vùng Tân Cương được đảm bảo. Tuy vậy, các nước ở Trung Á vẫn chưa có quan hệ thân thiết với Trung Quốc và lại đang bị rợ Hung Nô khống chế. Do đó, năm 102 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế đã cử đại quân viễn chinh sang vùng Trung Á. Sau lần này, các nước Tây Vực đều quy phục triều Hán. Từ đó, con đường thông thương từ nội địa Trung Quốc sang Tân Cương, Trung Á được khai thông thường xuyên. Con đường này ngoài sự đi lại của các sứ thần các nước còn có thương nhân qua lại buôn bán liên tục. Lúc bấy giờ, tơ lụa là loại hàng nổi tiếng của Trung Quốc được nhiều người ưa chuộng đã được vận chuyển từ Tây An lên Tân Cương, vượt qua Thông Lĩnh để bán sang các nước Trung Á và Arập. Từ đó, “con đường tơ lụa" được hình thành…
“Con đường tơ lụa” được duy trì trong khoảng chục thế kỷ, từ khi Trương Khiên thời Đông Hán đi sứ sang các nước Tây Vực lần thứ hai (năm 115 trước Công nguyên). Con đường này được chính thức khai thông cho đến thế kỷ thứ VII, VIII thời Đường. Sau đó, “con đường tơ lụa” xuyên lục địa bắt đầu suy thoái. Song “con đường tơ lụa” vẫn còn tồn tại, nó trở thành đường giao lưu văn hóa giữa các dân tộc châu Á, châu Âu.
Hồ Đức Minh (Báo Tin Tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.