- Lão sống nhiều, chưa bao giờ thấy học trò... “khó hiểu” như bây giờ. Thời trước có câu “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, cũng chỉ nói học trò nghịch ngợm, vốn do bản chất hiếu động của tuổi trẻ. Đỉnh cao của hành vi này chỉ ở tầm “nghịch tinh” hoặc “nghịch dại”, không có những trò “người lớn”, trò bạo lực kỳ quái như hiện nay.
- Cụ có lý giải gì?
- Lão thực tình không dám “chụp mũ” các cháu. Nhưng sau vụ clip nữ sinh đánh nhau gần đây nhất, một bác quan chức ngành giáo dục Bình Thuận đã than rằng: Đó là thất bại của ngành giáo dục địa phương. Quý ngành đã thừa nhận như thế, còn có lý giải nào hơn?
- Trường nào cũng treo biển “Tiên học lễ, hậu học văn”, sao học trò lại như thế?
- Thời nhỏ (thời Tây) lão học lớp 5 (vỡ lòng) cũng có thấy khẩu hiệu “Tiên học lễ...”. Nhưng lão nhớ nhất là khẩu hiệu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, đến giờ, đã hơn 60 năm lão càng ngẫm càng thấy gỗ tốt hơn sơn. Bây giờ trường của ta nhiều nước sơn quá, nào “chuẩn”, “chuyên”, “điểm”, rồi “quốc tế”, “chất lượng cao”, “tiên tiến”, “điển hình”... Những nước sơn này nhiều khi chỉ cần có tiền là xong (!). Còn chữ “lễ” ví như cây gỗ tốt thì quả tình tìm mãi vẫn mờ mịt. Lão không rõ người ta dạy “lễ” theo giáo trình nào, hay cũng chỉ là những khẩu hiệu tự nó đã “chết” ngay sau khi kẻ vẽ lên tường như “cấm đổ rác”, “cấm họp chợ”, “cấm đái bậy”...
- Cụ có nghĩ là xã hội xuống cấp về đạo đức đã ảnh hưởng đến học đường?
- Không cần phải nghĩ cũng thấy. Học trò chỉ đến trường mỗi ngày vài giờ, chủ yếu sống ở nhà và ngoài đường. Có một nữ văn sĩ đã nhận xét: Cha mẹ sống như thế trách nào con chẳng hư! Các vị cứ cộng sổ mà xem, bao nhiêu vụ người lớn sống tồi mới có vụ trẻ con hư hỏng?
- Mình đang nói chuyện clip trẻ con, thưa cụ...
- Lão hiểu. Thời nhỏ lão thường nghe những câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, ấy là nói đến chuyện chiều quá hoá hư. Nhưng cũng có câu “Phúc đức tại mẫu”. Đối với người cha có câu “Rau nào sâu nấy”, nhưng cũng có câu “Hổ phụ sinh hổ tử”, cha anh hùng, con cũng noi gương... Còn chuyện clip đang được dư luận nhắc tới, đang bàn về chuyện cấm trẻ em đi xe máy đến trường, sử dụng điện thoại di động sai mục đích. Trách nhiệm đầu tiên là của gia đình đã tạo điều kiện cho con phạm Luật Giao thông. Sau đó đến nhà trường, thu tiền gửi xe máy thì cấm sao được học sinh đi xe máy?
- Có ý kiến nếu trường cấm học sinh gửi xe ở gần trường, liệu có cấm được không?
- Lại sang chuyện xã hội rồi. Nhiều vấn đề xã hội đã vượt ngưỡng các tiêu chuẩn đạo đức, lối sống, luật pháp, chưa biết đến lúc nào mới có cuộc sống bình yên như... ngày xưa!
Lý Lão Làng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.