Cục trưởng Cục BVTV: Con số xuất khẩu nông sản kỷ lục chứng minh hiệu quả công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật
Cục trưởng Cục BVTV: Con số xuất khẩu nông sản kỷ lục chứng minh hiệu quả công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật
Khánh Nguyên (ghi)
Thứ năm, ngày 07/11/2024 06:02 AM (GMT+7)
Theo Bộ NNPTNT, xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng năm 2024 đã đạt 46,28 tỷ USD, chứng minh chất lượng nhiều loại nông sản của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường trên thế giới. Con số này cũng chứng tỏ công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của Việt Nam rất minh bạch, hiệu quả.
Trao đổi với Dân Việt về công tác quản lý, nghiên cứu, phát triển thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian qua, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT về phát triển nền nông nghiệp xanh, hiện đại, bền vững, thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức trong việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; khuyến khích doanh nghiệp phát triển các sản phẩm thuốc BVTV sinh học, từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe cây trồng, tạo ra những sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội CropLife Việt Nam đã ký kết Kế hoạch hợp tác triển khai chương trình "Khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững", hướng đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, an toàn, bền vững. Ông đánh giá như thế nào về việc quản lý, phát triển thuốc BVTV của Việt Nam trong thời gian qua?
- Tôi cho rằng, công tác quản lý, phát triển thuốc BVTV của Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước tiến vượt bậc, nhờ sự đồng bộ hóa trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sự phối hợp của địa phương và sự vào cuộc tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức Hiệp hội trong nước và quốc tế.
Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý thuốc BVTV đã được xây dựng đầy đủ, đồng bộ từ luật, nghị định đến các Thông tư hướng dẫn đảm bảo tính đồng nhất, hài hòa với tiêu chuẩn khu vực, quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế. Từ đó tạo ra khung pháp lý vững chắc, phát huy hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thuốc BVTV theo hướng kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu.
Thêm vào đó, việc phân công, phân cấp trong quản lý, giám sát sử dụng thuốc BVTV đã được quy định rõ ràng, chặt chẽ trong các văn bản quy phạm pháp luật nâng cao nhận thức và và trách nhiệm của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, môi trường và an toàn thực phẩm. Với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và phân cấp hướng dẫn và quản lý thuốc BVTV hiện nay, cá nhân tôi đánh giá rất rõ ràng, minh bạch và thuận lợi cho cả cơ quan quản lý và người sử dụng.
Cùng với xu hướng phát triển của thế giới, thuốc BVTV sinh học đã được ưu tiên trong quá trình đăng ký. Theo quy định của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, việc đăng ký và lưu hành thuốc BVTV sinh học đã có nhiều chính sách khuyến khích từ cấp giấy phép khảo nghiệm, thực hiện khảo nghiệm, cấp giấy chứng nhận đăng ký, sản xuất và vận chuyển.
Theo thống kê sơ bộ, Việt Nam hiện có 95 cơ sở sản xuất thuốc BVTV, trong đó có 82 nhà máy có sản xuất thuốc có nguồn gốc sinh học. Hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành BVTV hoạt động sản xuất chủ yếu theo 3 hình thức: Nhập hoạt chất về để sản xuất thuốc BVTV thành phẩm từ thuốc kỹ thuật; nhập thành phẩm về sau đó sang chai, đóng gói; sản xuất, gia công thuốc BVTV cho đối tác nước ngoài.
Theo quy định tại Điều 48, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật thì hàng năm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT ban hành Danh mục thuốc BVTV được phép và Danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam. Hiện nay, theo Thông tư 09/2023/TT-BNNPTNT ngày 24/10/2023, có khoảng hơn 4.500 tên thương phẩm đăng ký được phép sử dụng tại Việt Nam, trong đó các thuốc BVTV sinh học có khoảng 810 tên thương phẩm. Đây là các thuốc BVTV có hiệu quả cao, an toàn trong quá trình sử dụng cho con người, nông sản và môi trường.
Nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe con người, vật nuôi, môi trường, hệ sinh thái đồng thời hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững, trong những năm qua, Cục BVTV đã tích cực rà soát và loại bỏ 14 hoạt chất có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường, 1.706 tên thương phẩm và 1.265 hàm lượng thuốc BVTV ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, Cục BVTV tiếp tục rà soát các hoạt chất có nguy cơ cao, cảnh báo của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, các Công ước mà Việt Nam là thành viên để có kế hoạch xem xét và đề xuất Bộ NNPTNT loại bỏ ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tập huấn, truyền thông, hướng dẫn việc sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả.
Ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được trong công tác quản lý thuốc BVTV trong thời gian qua?
Thuốc BVTV là một trong những vật tư đầu vào trong hoạt động sản xuất nông sản bên cạnh các vật tư đầu vào quan trọng khác như giống, phân bón…, là "tấm khiên" bảo vệ cây trồng khỏi tác động của dịch hại, sâu bệnh.
Việc quản lý thuốc BVTV theo quy chuẩn quốc tế, với những quy định chặt chẽ đã góp phần tạo dựng vị thế của nhiều loại nông lâm thủy sản Việt Nam trên thị trường. Điều này có thể chứng minh qua giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tăng đều theo các năm. Dự báo năm 2024 có thể đạt mốc 60 tỷ USD, một con số kỷ lục.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ NNPTNT liên tục ký kết các nghị định thư xuất khẩu nông sản sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu và các thị trường rộng lớn như Trung Quốc đã thực sự chứng tỏ được chất lượng nông sản của Việt Nam đảm bảo an toàn về vấn đề dư lượng thuốc BVTV, các hoạt động đăng ký, sử dụng thuốc BVTV trong canh tác tại Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều thay đổi, đặc biệt trong việc tập huấn, tuyên truyền về sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả.
Hiện nay, trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, hiện có khoảng hơn 800 tên thương phẩm thuốc BVTV sinh học, chiếm khoảng 18% tổng số thuốc BVTV đã đăng ký, số lượng này đứng đầu trong nhóm các nước khu vực đông Nam Á và một số nước khác trên thế giới. Với số lượng phong phú về chủng loại nên việc quản lý sinh vật gây hại bằng thuốc sinh học rất thuận lợi cho bà con nông dân.
Hàng năm, Bộ NN PTNT, Cục BVTV tiến hành rà soát, thu thập các thông tin cảnh báo đối với các hoạt chất thuốc BVTV trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam của các tổ chức quốc tế, trong nước có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, môi trường và hiệu lực phòng trừ thấp. Trên cơ sở đó, có kế hoạch xem xét, đánh giá đề xuất Bộ NN&PTNT loại bỏ ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Đây là động lực và giải pháp quan trọng trong hoạt động quản lý thuốc BVTV hiện nay.
Trong thời gian qua, Bộ NNPTNT phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức như Croplife Việt Nam tập huấn sử dụng thuốc cho người sử dụng hàng năm về nhận biết, lựa chọn và sử dụng thuốc theo nguyên tắc "4 đúng". Do đó, các nông sản, đặc biệt là các loại cây trồng có giá trị xuất khẩu cao luôn được tuân thủ đúng quy định về dư lượng điều này thể hiện qua sự chấp nhận của các quốc gia nhập khẩu khó tính trên thế giới.
Tôi cho rằng, chuỗi toạ đàm với chủ đề: "Hiểu đúng về thuốc bảo vệ thực vật", trong đó tọa đàm đầu tiên với chủ đề: "Quy trình nghiên cứu, phát triển và quản lý thuốc bảo vệ thực vật" do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật, Hiệp hội CropLife Việt Nam, Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) tổ chức vào 13h30 ngày 8/11 cũng là một trong những giải pháp giúp bà con nông dân, hợp tác xã có thêm những thông tin, kiến thức bổ ích về thuốc BVTV và cách sử dụng thuốc BVTV, để từ đó áp dụng vào thực tiễn sản xuất một cách hiệu quả.
Trong "Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" của Bộ NNPTNT đặt ra mục tiêu chính là đến năm 2030, nâng tỷ lệ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam lên 30% và tăng lượng sử dụng thuốc BVTV sinh học lên 30% so với tổng lượng thuốc BVTV sử dụng. Xin ông cho biết, để đạt được mục tiêu này cần những giải pháp gì?
Đề án Phát triển và sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ký ban hành Quyết định số 5415/QĐ-BNN-BVTV ngày 28/12/2023. Để đạt được mục tiêu của đề án, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là về cơ chế chính sách: Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV sinh học. Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước từ nhiều thành phần kinh tế cho phát triển sản xuất thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam.
Ưu tiên bố trí kinh phí ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tập huấn sử dụng thuốc, truyền thông và xây dựng, nhân rộng các mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học hiệu quả; kinh phí cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm thuốc BVTV sinh học.
Hai là về khoa học công nghệ: Chuyển giao ứng dụng công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học từ các đề tài nghiên cứu để ứng dụng, đăng ký vào Danh mục.
Khuyến khích liên kết nghiên cứu, phát triển thuốc BVTV sinh học, doanh nghiệp phối hợp với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu để đầu tư nghiên cứu, phát triển thuốc BVTV sinh học mới tại Việt Nam hoặc các doanh nghiệp khoa học công nghệ được thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực này.
Ba là, về đào tạo, tập huấn: Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, khuyến nông để chuyển đổi nhận thức của cán bộ địa phương, người sản xuất, kinh doanh, buôn bán và người sử dụng trong việc sử dụng thuốc BVTV sinh học.
Đổi mới phương thức hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV sinh học thông qua các mô hình thực tế, hội thảo đầu bờ. Phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức đoàn thể, đại lý kinh doanh thuốc BVTV, hướng dẫn người dân kiến thức sử dụng thuốc BVTV sinh học hiệu quả.
Bốn là, về thông tin, truyền thông: Tuyên truyền phổ biến việc tuân thủ thực thi các chính sách, pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên trong việc phát triển sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học, đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về thuốc BVTV sinh học.
Phối hợp với cơ quan báo trí, các hiệp hội, các tổ chức đoàn thể, trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp để tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV sinh học. Bên cạnh đó truyền thông cho nông dân nhận thức được vai trò và lợi ích của việc sử dụng thuốc BVTV sinh học.
Năm là, về hợp tác công tư, xây dựng mô hình, chuỗi liên kết: Tăng cường hợp tác công tư với sự tham gia của doanh nghiệp, nhà nước, Hiệp hội ngành hàng và người dân cùng phối hợp sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học. Tăng cường mối liên kết về sản xuất vùng nguyên liệu - sản xuất thuốc thảo mộc giữa nông dân và doanh nghiệp.
Sáu là, về hợp tác quốc tế: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thuốc BVTV sinh học, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm và năng lực của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế như FAO, WHO để phát triển thuốc BVTV sinh học; tăng cường hợp tác để chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất thuốc BVTV sinh học từ các nước phát triển, các tổ chức quốc tế để áp dụng tại Việt Nam.
Bảy là, về chuyển đổi số: Xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu về thuốc BVTV, đồng bộ từ trung ương đến địa phương, hỗ trợ cán bộ địa phương, doanh nghiệp, cơ sở buôn bán, người sử dụng ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý thuốc BVTV.
Nâng cấp, xây dựng các nền tảng số hỗ trợ cho công tác đào tạo, tập huấn truyền thông về sử dụng thuốc BVTV nói chung và thuốc BVTV sinh học nói riêng.
Tám là, về thanh tra, kiểm tra, giám sát: Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý thuốc BVTV.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện Kế hoạch hợp tác triển khai chương trình "Khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững" năm 2024 giữa Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội CropLife Việt Nam, nhằm tạo hiệu ứng và tăng cường thông tin giúp người nông dân hiểu đúng về các loại thuốc bảo vệ thực vật, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật, Hiệp hội CropLife Việt Nam, Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) tổ chức chuỗi toạ đàm với chủ đề "Hiểu đúng về thuốc bảo vệ thực vật".
Tọa đàm đầu tiên với chủ đề: Quy trình nghiên cứu, phát triển và quản lý thuốc bảo vệ thực vật sẽ được tổ chức vào 13h30 ngày mai, 8/11 tại trường quay báo Nông thôn Ngày nay, Lô E2, Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.