Theo cảnh sát, lúc 8 giờ 55 sáng 26.3, có 3 tên ngồi xe đến trang trại sang trọng Nitesh Kunj của Bhardwaj - lãnh đạo Đảng Bahujan Samaj (BSP) - ở ngoại ô thủ đô New Delhi, rồi 2 tên xuống xe với yêu cầu muốn đặt chỗ để tổ chức một tiệc cưới.
|
Nitesh Bhardwaj - đã bị bắt vì bị nghi chủ mưu thuê người giết cha |
Sau khi vào trong, họ nói chuyện với Bhardwaj trước khi bắn hai phát súng vào gáy và ngực của ông, khiến ông bị thương nặng, nằm trong vũng máu trước khi được người nhà đưa đi cấp cứu nhưng ông qua đời tại bệnh viện. Bọn sát thủ lên xe bỏ chạy lúc 9 giờ 14, nhưng hình ảnh chiếc xe và hai gã đàn ông cầm súng được ghi lại trên màn hình kiểm soát an ninh ở nhà Bhardwaj, tên thứ ba ngồi chờ trên xe của chúng.
Tại bố có “bồ”
5 ngày sau vụ nã súng, 2 tên Purushottam Rana và Sunil Mann bị bắt khi chúng đến một tòa án để đầu thú. Tên thứ ba là Amit (tên cầm lái) cũng bị bắt sau đó. Theo cảnh sát, đây là một vụ án mạng phức tạp, có gốc rễ là do Nitesh bất mãn cách đối xử của cha đối với anh ta và với những người khác trong gia đình.
Cảnh sát nói động cơ giết người của cậu con trai có thể do muốn chiếm đoạt tài sản của cha. Nhưng cũng có tin đồn mà giới truyền thông Ấn nêu: Bhardwaj đã có vợ là Ramesh Kumari nhưng lại “léng phéng” với một “em trẻ” 28 tuổi là thư ký của ông.
“Em trẻ” có tên là Sonua, quản lý các tài khoản trong công ty của Bhardwaj và được cho là rất thân cận với ông, nên xảy ra xung đột giữa ông với vợ và hai con trai là Nitesh và Hitesh, những người không thể chịu được việc ông bố 62 tuổi lại có thể ngoại tình với một cô gái nhỏ hơn những 33 tuổi, nên ba mẹ con đều tẩy chay ông, không sống với ông nữa. Cậu út Nitesh 36 tuổi vì rất yêu cha nên cũng rất thất vọng vì chuyện cha ngoại tình.
|
Vợ chồng tỷ phú |
Đến thứ ba tuần rồi, cảnh sát nêu đã vạch trần toàn bộ âm mưu giết chết Bhardwaj và bắt giữ Nitesh và tay luật sư Baljeet Sehrawat: tỷ phú Bhardwaj bị giết để có số tiền mà Nitesh đã hứa trả cho tay thầy cãi Baljeet.
Nghi can thứ ba được cho là chủ mưu vụ giết người là một “thầy cúng” tự phong tên là Pratima Nand đang trốn tránh cảnh sát. Cảnh sát nghi Nand đồng ý thực hiện vụ giết người vì cần tiền mua đất xây một cái am để hắn “tu hành”. Hai tên nã súng là Purushottam và Sunil sau khi bị bắt đã khai Nand đang bất đồng với Bhardwaj về một vụ mua bán đất, nên hắn lên kế hoạch giết ông từ hai tháng trước, và thuê chúng ra tay.
Khi điều tra, cảnh sát phát hiện Nitesh phá hỏng chiếc điện thoại di động vào đúng ngày Bhardwaj bị giết. Khi được hỏi, Nitesh nói anh ta bỏ “dế” vì nó bị hỏng. Vì câu trả lời không thuyết phục, mũi nghi ngờ chĩa vào anh ta. Cảnh sát dùng các cuộc gọi để thẩm vấn Nitesh và anh ta đã thú nhận sự dính líu của anh ta và của thầy cãi Baljeet, người thường liên lạc với Bhardwaj và cũng là tay “ăn hoa hồng” trong các vụ mua bán đất đai mà tay luật sư tiến hành thay mặt Bhardwaj.
Baljeet từng toan tham gia cuộc chạy đua vào một ghế nghị viện bang Mahipalpur, khi được Nitesh nhờ tính chuyện giết cha đã đòi ông con phải trang trải chi phí tranh cử cho ông ta. Sau đó Baljeet ra giá “cuối cùng” là 1 triệu USD để giết Bhardwaj.
Nitesh chấp nhận, tay thầy cãi nhờ Nand với lời hứa trả một khoảng tiền lớn. Tiếp đó, tên thầy cúng” thuê Purushottam, Amit, Sunil và Rakesh. Khi bị điều tra, Purushottam khai hắn được hứa thưởng một số tiền và được đưa trước một số tiền để mua súng. Từ lời khai này, cảnh sát tìm ra hai khẩu súng gây ác - đã ném xuống một con kênh - và chiếc xe chở bọn sát thủ chạy trốn.
|
Hình ảnh sát thủ và Bhardwaj (phải) |
Khéo “chạy” lên “đại gia”…
Bhardwaj từng tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh và làm công chức, ông bắt đầu đầu tư vào thị trường bất động sản hồi những năm 1980. Gia tài ông chỉ “phình” thêm khi chính phủ Ấn quyết định mở rộng sân bay quốc tế New Delhi hồi những năm 1990. Lúc đó ông có nhiều đất ruộng quanh sân bay nên bán được giá cao cho chính phủ.
Có tiền “triệu đô” trong tay, ông đầu tư tiếp vào lĩnh vực khách sạn và trường học. Ông cũng từng là ứng cử viên nghị sĩ giàu nhất khi tranh cử vào ghế Quốc hội Ấn Độ hồi năm 2009. Tuy thất cử nhưng việc ông khai số tài sản khổng lồ 110 triệu USD (6 tỷ rupee) theo luật bắt buộc khiến ông nổi tiếng. Ông cũng có nhiều cổ phần trong một công ty và mở một trường học ở New Delhi. Khi tranh ghế nghị sĩ, ông từng nói số tài sản khổng lồ của ông là “chuyện nhỏ”.
Nhưng việc Bhardwaj chóng “phất to” và nuôi mộng nghị viên khiến ông có nhiều “kẻ thù”. Sanjay Sharma - Giám đốc Công ty bất động sản Qubrex - nói Bhardwaj trở thành “đại gia” là nhờ giỏi kết hợp chuyện đầu cơ đất đai với thói “ăn bẩn” nhận hối lộ của các quan chức Ấn.
Sharma nói: “Không may là những tay này đều có tiếng tăm ghê gớm, vì trong chuyện mua bán đất đai, bạn phải có khả năng mở được mọi cánh cửa và phải biết đạp lên lưng kẻ khác. Kỹ nghệ nhà đất ở Ấn cũng lệ thuộc sự “thông qua” của chính phủ nên ghé được mông lên ghế nghị sĩ là việc cần làm để công chuyện làm ăn được thuận buồm xuôi gió. Nếu bạn không là chính khách, bạn sẽ phải “mua” các chính khách và tranh thủ được tầm ảnh hưởng của họ”.
Pratap Bhanu Mehta - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chính sách ở New Delhi - đã viết trên báo The Indian Express: “Những tay thầu đất đai như Bhardwaj khiến chính trường Ấn rơi vào mức báo động. Chính phủ Ấn là chính quyền của các nhà thầu và phục vụ các nhà thầu. Bản chất hoạt động kinh doanh này góp phần tham nhũng bằng cách xây dựng một hệ thống quản lý chỉ chăm chăm nhìn ngó các hợp đồng”.
Anh em ruột đấu súng
Hồi tháng 11.2012, một “đại gia” bất động sản khác ở Ấn là Gurdeep Chadha bị giết, trong một vụ anh em ruột bắn nhau để tranh chấp ngôi nhà hương hỏa của dòng họ ở ngoại ô New Delhi. Án mạng xảy ra vào sáng thứ bảy 17.11, trùm rượu-bất động sản Gurdeep Singh Chadha (nổi tiếng với tên Ponty) xô đẩy em trai Hardeep Singh Chadha, người rút súng nã đạn vào ngực anh, trước khi bị viên sĩ quan Sachin Tyagi (đi cùng Ponty) bắn trả 3 phát.
Hai anh em xung đột từ 7 tháng trước, vì tranh chấp ngôi nhà sau khi ông bố Kulwant Singh Chadha qua đời ngày 14.4.2011 mà không chia quyền làm chủ cho ba cậu con Ponty, Hardeep và Rajinder. Khi cảnh sát đến hiện trường, Ponty đã được Tyagi kéo ra khỏi nhà, đưa lên xe đến bệnh viện nhưng ông không qua khỏi, còn xác Hardeep nằm trong vũng máu sau khi cố thoát bằng cửa sau.
Ponty là một trong những doanh nhân giàu có, nhiều quyền lực nhất Ấn Độ. Ông ta ẩn mình nên giới báo chí gọi là “người vô hình” ngay cả với những nhân vật chính trị có ảnh hưởng luôn “che chở” ông ta. Khi Ấn chuyển qua nền kinh tế thị trường, Ponty thuộc tầng lớp các doanh nhân có quan hệ “tiền-quyền” với giới chính khách.
Ông ta vươn tầm ảnh hưởng ở 4 bang, nhất là ở bang Uttar Pradesh 200 triệu dân (UP): chính quyền bang này cấp độc quyền kiểm soát thị trường bán sỉ rượu, và ông ta cũng trúng các hợp đồng cung ứng hàng triệu bữa ăn trưa cho các học sinh nghèo. Tài sản dòng họ Chadha ước tính từ 1 - 10 tỷ USD, có nhiều cổ phần trong ngành giấy, các siêu thị, rạp hát, nhà máy đường và các dự án nhà ở.
Chuyện làm ăn của gia đình do ông bố khởi xướng nhưng chóng “phất” khi Ponty tạo được “quan hệ rộng” với giới lãnh đạo chính trị, nhất là với Mayawati (cựu thủ hiến bang UP). Ông ta nắm quyền kiểm soát lĩnh vực rượu và được tạo điều kiện mua lại nhiều nhà máy đường thuộc nhà nước với giá rất thấp, cứ như là “cho không”.
Kinh doanh rượu là nguồn thu nhập chủ lực của chính quyền UP. Người ủng hộ khen Ponty rất thương người khi ông ta bỏ tiền xây một bệnh viện cho trẻ khuyết tật và trẻ bị tâm thần, cho người nghèo tiền và chi tiền phục hồi các ngôi đền. Nhưng phe chỉ trích nói Ponty vung tiền “lót tay” các quan chức địa phương nên có tầm ảnh hưởng khổng lồ, nhưng họ không thể chứng minh được lời tố cáo ấy.
Theo Thế giới & Hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.