Trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2021 vừa qua, em Nguyễn Quốc Bảo Khánh, học sinh lớp 9A3, Trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội đã xuất sắc đạt 51,5 điểm với Văn 7.5, Toán 8.75, tiếng Nhật 10 và Lịch sử 9.0. Bảo Khánh ghi tên mình vào lớp Chuyên Nhật, Trường THPT Chu Văn An, ngôi trường danh tiếng ở Hà Nội.
Trước đó, em nhiều năm liền là học sinh giỏi. Tuy nhiên, đằng sau thành công ấy của Bảo Khánh là sự miệt mài đồng hành cùng con của anh Nguyễn Quốc Tuấn, sinh năm 1977, hiện là Giám đốc công ty về xuất nhập khẩu.
Ngồi học và chép bài cùng con
Mỗi bậc cha mẹ đều yêu thương và dạy dỗ con theo cách riêng còn với anh Tuấn đó là sự sát sao, kiên trì và tận tâm ở bên cạnh con ngay từ khi còn nhỏ. Khi Bảo Khánh học lớp 9, anh không nói nhiều, chỉ âm thầm lên kế hoạch đồng hành cùng con trong chặng đường cuối năm học.
Lớp của con nhưng ngày nào học online cũng có sự góp mặt của "học sinh"... bố. Con học buổi sáng, anh Tuấn sắp xếp công việc chăm chỉ, tỉ mỉ ngồi nghe cô giảng bài và ghi chép lại cùng con, từ "Hoàng Lê nhất thống chí, Đồng chí, Tiểu đội xe không kính….", rồi "Bảy hằng đẳng thức đáng nhớ, bài toán công việc, vận tốc…" và cả đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến tranh cục bộ, Chiến tranh đặc biệt…". Duy chỉ có tiếng Nhật là anh Tuấn chịu thua nhưng vẫn ở bên cổ vũ tinh thần con.
Bên cạnh đó, anh Tuấn mua 3 tập file để kẹp tài liệu, xếp ngay ngắn với ba màu khác nhau cho 3 môn: Văn, Toán, Ngoại ngữ. Mỗi ngày, anh đều đặn, cần mẫn in các phiếu bài tập, các dạng bài về cho con làm, làm xong lại nhờ các thầy cô chữa, rồi lại in, lại làm lại. Cứ thế, tập file ngày càng dày lên, hết tập này đến tập khác. Anh Tuấn và các thầy cô giáo kiên nhẫn, cố gắng lấp đầy, từng chút một kiến thức cho Khánh theo cách riêng như thế.
Ngay từ khi con còn nhỏ, anh Tuấn đã rất nhẹ nhàng ở bên cổ vũ, đốc thúc và động viên tinh thần con như vậy. Anh Tuấn chia sẻ, ngày nhỏ Bảo Khánh là một cậu bé "đặc biệt", con hơi nhút nhát. Ví dụ con biết đi sớm nhưng mỗi lần đứng dậy đi lại phải có một thứ gì đó nắm trong tay mới dám đi. Anh Tuấn quan sát biết được điều đó và luôn đặt vào tay con một vật để con an tâm. Lớn hơn chút Bảo Khánh được bố đưa đi bơi nhưng lại rất sợ nước chứ không như đứa trẻ khác. Anh Tuấn biết tính con khác biệt nên từng bước ở bên con giúp con vượt qua khó khăn...
Anh Tuấn cho biết, tất cả những gì anh làm đơn giản chỉ vì tình yêu. Và vì tình yêu thương con nên anh muốn ở bên con, đồng hành, chia sẻ cùng ăn, cùng chơi, cùng học với con mỗi ngày.
Nếu muốn con đọc sách thì bố mẹ phải làm gương
Trước đây anh Tuấn rất ít đọc sách nhưng sau khi có con anh thay đổi hẳn thói quen. Anh Tuấn cho biết, anh đọc ở đâu đó câu nói "Con cái sẽ nhìn vào cha mẹ" và anh nghĩ rằng nếu muốn con đọc sách nhiều thì anh phải là người đam mê sách đầu tiên để làm gương cho con.
Do làm quản lý nên anh tìm đọc những cuốn sách phục vụ cho công việc như Đắc nhân tâm, Hành trình về phương Đông, Thế giới phẳng... Những cuốn sách này giúp anh quản lý công việc, nhân sự tốt hơn và cũng giúp anh trong việc dạy con. Sau đó anh lại chia sẻ với vợ để hai vợ chồng cùng nhau áp dụng.
Giúp con vượt qua khủng hoảng
Cho rằng mình là một ông bố khắt khe nhưng anh Tuấn có quan điểm không cho con tiếp cận quá nhiều vào internet khi con chưa có nhiều kỹ năng để tự thân bảo vệ. Anh có được sự đồng cảm và kiên định hơn khi đọc câu chuyện về GS Ngô Bảo Châu không có tivi, internet trong phòng con mà chỉ cho xem giải trí những bộ phim kinh điển vào cuối tuần.
Anh Tuấn chia sẻ, từ trước đến giờ Bảo Khánh không được dùng điện thoại, bị hạn chế xem tivi và vào internet. Tuy nhiên, con trai bắt đầu bị "khủng hoảng" bắt đầu từ học kỳ 2 lớp 8 khi trải qua hình thức học online.
Bảo Khánh đang quen với các phương tiện công nghệ, được giao lưu, trao đổi nhiều với các bạn trên các nhóm trên mạng và chơi game. Nhưng sau khi tình hình dịch tạm ổn, học sinh quay lại trường, bố mẹ cũng hạn chế việc online thì con bắt đầu phản kháng. Anh Tuấn lại là một ông bố tâm lý, nhẹ nhàng ở bên con, đưa con trở về đời sống thực đầy tươi đẹp.
Anh Tuấn đã kiểm soát lại việc tiếp cận internet của con bằng việc không cho con có điều kiện xem và đồng thời khuyến khích con chơi thể thao. Anh Tuấn tham gia câu lạc bộ cầu lông và đưa cả gia đình cùng chơi. Ngoài ra, Báo Khánh còn được bố cho chơi thêm 3 buổi bóng rổ trong tuần để con tách ra khỏi môi trường sống ảo.
Rất vui là dù Bảo Khánh chơi thể thao không quá giỏi nhưng cậu bé có sức chiến đấu tốt, chơi hết mình, thậm chí hơn cả sức mình có.
Trên hành trình của con đều có dấu ấn của bố... Nhưng giờ con vào cấp 3, anh Tuấn cho biết "diều đã lên cao càng siết chặt thì diều sẽ bổ nhào". Anh sẽ nới dần dây diều để bay cao, bay xa hơn nhưng tất nhiên vẫn là người cầm dây diều ấy". Thành công của con giờ đây với anh Tuấn không chỉ là mặt điểm số nữa rồi mà con là đạo đức, cách sống... Con chỉ cần tốt hơn ngày hôm qua và kết quả đạt được thể nào không quan trọng bằng việc không nuối tiếc với việc mình đã làm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.